menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quyền Nguyễn

Gói hỗ trợ kinh tế lần 2: Cần lưu ý tính khả thi

Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Đánh giá về gói hỗ trợ lần 1 và dự kiến gói hỗ trợ kinh tế lần 2, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể, kịp thời và đúng đối tượng.

Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc phát huy tác dụng chưa cao do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt.

Đó là, điều kiện, thủ tục khá phức tạp, đối tượng thụ hưởng chậm nhận được các hỗ trợ làm cho tình hình thêm khó khăn, khi dịch bùng phát trở lại, làm hạn chế hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về vốn, lãi suất, gia hạn nộp thuế...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ tình hình triển khai các chính sách đã ban hành; thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện.

Trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và 2021.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những giải pháp có hiệu quả cao, thiết thực đã triển khai vừa qua; đồng thời nghiên cứu sửa đổi một số điều kiện chưa sát với thực tế, hạn chế việc tiếp cận chính sách của một số đối tượng mục tiêu.

Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp bổ sung với quy mô, phạm vi và liều lượng đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi để duy trì tăng trưởng và phục hồi được ngay sau khi dịch được kiểm soát.

Về nguyên tắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các chính sách, giải pháp trong thời gian tới phải xác định trúng vấn đề, đúng đối tượng, bảo đảm tính khả thi và có thể triển khai thực hiện nhanh chóng.

Khi xây dựng chính sách phải tính đến độ trễ trong xây dựng, ban hành chính sách ở Việt Nam và độ trễ trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Đặc biệt, cần phải có sự đồng thuận, thống nhất cao về chủ trương, quan điểm, phương pháp tiếp cận, cách thức thực hiện để trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả.

“Đây chính là bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai các chính sách trong giai đoạn đầu khi chính sách ra đời nhưng không thực thi được hoặc thực thi kém hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ngoài ra, cần áp dụng chính sách theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các loại hình, quy mô doanh nghiệp, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm đối với nhà nước của các doanh nghiệp.

Liên quan đến gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng ban hành theo Nghị quyết 42, tính đến thời điểm 13/7/2020 gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội mới giải ngân khoảng 11,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 18,2% thấp hơn rất nhiều so với dự kiến, qua đó hỗ trợ trực tiếp cho 11 triệu người và khoảng 0,19% số hộ kinh doanh.

Về gói hỗ trợ lần 2, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ cần có gói hỗ trợ tiếp theo thông qua các chính sách phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng 4 mục tiêu.

Cụ thể là: Đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong tháng 9 vừa qua, cơ quan Tổng cục Thống kê cũng đã tiến hành cuộc điều tra lần thứ 2 về tác động của dịch Covid-19 lần thứ 2 tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại