menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hướng

Gói hỗ trợ kinh tế 'hồi sinh' ngành Du lịch lần thứ hai

Trong lịch sử 61 năm, ngành Du lịch Việt Nam dù trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh... nhưng chưa bao giờ thiệt hại nặng nề như do đại dịch COVID-19 gây ra.

Do đó, gói hỗ trợ kinh tế chính là cứu thế và hồi sinh" ngành Du lịch lần thứ hai...

Tham luận tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 14/1, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã đưa ra nhiều hiến kế giải pháp cấp bách và kế hoạch hành động để khôi phục và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Doanh thu từ khách du lịch giảm mạnh

Theo ông Phạm Văn Thủy, trong lịch sử 61 năm, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong đó, về lượng khách, doanh thu du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019. Năm 2021 ước tính phục vụ 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón khoảng 3.500 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Về lao động du lịch, từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động lao động cầm chừng chiếm 10%.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp, trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Đáng chú ý, doanh nghiệp du lịch xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch - lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định thời gian tới tiếp tục ưu tiên, tập trung cho công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi ngành Du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Gần đây nhất, gói kích thích kinh tế mới được ban hành theo ông Thủy chính là "gói cứu thế và hồi sinh ngành du lịch" lần thứ hai.

Từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế

Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã gợi mở nhiều giải pháp để phục hồi ngành Du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Trước hết là tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc, trong đó xác định phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của Ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.

Hai là từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh thông qua các chuyến bay thuê chuyến theo các chương trình du lịch trọn gói tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn.

Theo đó, dự kiến mở rộng địa bàn đón khách, gồm: Thí điểm đón khách du lịch thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ tại thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Định. Đối tượng đón được điều chỉnh gồm: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Thời gian khách đi tour trọn gói tối thiểu là 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh (đối với khách du lịch đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19) và 7 ngày (đối với khách du lịch chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19).

Theo thống kê, tính đến 15/1/2022, Chương trình đã đón được trên 7773 khách du lịch đến từ thị trường Hàn Quốc, Hoa Kỳ, CHLB Đức,LB Nga, Uzerbekistan, Kazthstan, Lào...

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chú trọng các nhóm giải pháp khác như tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong Du lịch; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra là đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của COVID-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.

“Các địa phương xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau”, ông Phạm Văn Thủy lưu ý.

Một nhóm giải pháp quan trọng nữa là hỗ trợ phát triển, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi trong ngắn hạn; phục vụ phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. “Cần có kế hoạch, đầu tư đánh giá lại nguồn nhân lực du lịch. Đầu tư đào tạo, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch”, ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh và cho biết, ngành Du lịch đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ để thực hiện các giải pháp phục hồi ngành du lịch gắn với Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 – 2023.

Trong đó, có đề xuất quan trọng là cần coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành.

Từ đó, tiếp tục hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động ngành du lịch; có các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại