24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gói hỗ trợ 62,000 tỷ: Hoàn tất chi trả 4 nhóm đối tượng, gỡ vướng cho DN khó khăn

Triển khai gói hỗ trợ an sinh 62,000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện các địa phương về cơ bản đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Đã phê duyệt gần 16 triệu người

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến nay, các địa phương đã phê duyệt cho 15.8 triệu người với số tiền khoảng 20,000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân giãn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và 2,500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Về căn bản, các địa phương đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã hoàn tất bước đầu về hỗ trợ chi trả đối với hộ kinh doanh bị giảm sâu có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 cũng như các đối tượng lao động tự do.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các địa phương đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là bám sát tinh thần Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Việc chi trả, hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19 đã được tiến hành một cách công khai, minh bạch.

“Trong phiên họp tháng 5 vừa rồi, Chính phủ đã nghe các cơ quan báo cáo về việc này. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết là yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành phải đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là các người lao động tự do, những hộ kinh doanh bị ảnh hưởng sâu thu nhập. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn để trả lương cũng như phát triển ổn định công ăn việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Về tháo gỡ đối với lao động tự do, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị các địa phương rà soát lại tổng thể. Trước hết, là tạo điều kiện cho tất cả những người lao động tự do đang ở địa bàn cư trú được tiếp cận. Các cách tiếp cận chủ yếu là phải công khai, minh bạch; đi từng nhà, rà từng ngõ đến từng đối tượng. Sau đó trên cơ sở ý kiến của từng đối tượng đó để công khai, minh bạch và thực hiện theo quy định hiện hành.

Mặt khác, đối với hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp được vay, Chính phủ chủ trương giao cho Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xem xét những gì vướng mắc trong thời gian qua. Qua đó, có thể điều chỉnh về yêu cầu, về tiêu chí để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay một cách nhanh nhất.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp gặp khó khăn

Đối với nhóm lao động bị tạm dừng hợp đồng lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng sản xuất, hầu hết các địa phương đang gặp vướng mắc cần tháo gỡ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tính đến ngày 10/6, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 42 và Quyết định 15 với mục tiêu hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, giảm sâu thu nhập, tránh hỗ trợ tràn lan, trục lợi chính sách nên tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ.

Thực tế, các doanh nghiệp còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động. Đồng thời doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thoả thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động.

Bên cạnh đó, khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ do phải chứng minh tài chính nên doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung điều kiện doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo hướng phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.

Để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trả lương cho người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐTTg như sau: “2. Doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019.”

Việc ban hành Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg sẽ khắc phục các tiêu chí, điều kiện chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh hiện nay để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch COVID-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả