Gói hỗ trợ 350.000 tỷ và kỳ vọng cho thị trường bất động sản
Kỳ vọng của thị trường bất động sản (BĐS) vào gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được thể hiện cả ở tác động trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài.
Kỳ vọng của thị trường bất động sản (BĐS) vào gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được thể hiện cả ở tác động trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài.
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về quy mô và kỳ vọng của gói chính sách tài khoá, tiền tệ này; đồng thời khuyến nghị các hướng giải pháp để đạt được hiệu quả tốt nhất cho kinh tế - xã hội.
Đối với lĩnh vực bất động sản, có ý kiến cho rằng không nên “bơm” tiền từ gói hỗ trợ nhằm ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” giá nhà đất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản có rất nhiều phân khúc khác nhau, như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ... đang cần được tạo điều kiện để phát triển, là một nhánh đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch.
Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!
SỰ NỐI TIẾP CÁC GÓI HỖ TRỢ TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ CHỐNG DỊCH COVID-19
Theo Chính phủ, ước tính năm 2021, các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 có quy mô 185.984 tỷ đồng, tương đương 2,2% GDP.
Ngoài ra, đã thực hiện các chính sách miễn, giảm cước phí viễn thông, học phí, tiền điện và chi hỗ trợ từ các quỹ bảo hiểm với tổng quy mô 83.480 tỷ đồng. Như vậy, tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.
Tính đến hết tháng 10/2021, ngân sách nhà nước đã cấp thực hiện phòng chống dịch Covid-19 là 30.489,78 tỷ đồng; Các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng; Các tổ chức, chính phủ các nước đã tài trợ khoảng 20 triệu USD. Theo dự kiến của Chính phủ, cả năm 2021, các cấp, các ngành thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí cho doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 118 nghìn tỷ đồng.
Cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Từ tháng 10/2021, hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 12,8 triệu người lao động và 386 nghìn người sử dụng lao động. Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch gần 4,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là gần 26.000 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến (như giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 258.947 khách hàng với dư nợ 6.063 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.505.557 khách hàng với số tiền 129.758 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện tái cấp vốn dành cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người lao động theo các Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 08/11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 749,52 tỷ đồng để cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố số tiền 750 tỷ đồng đối với 1.449 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 209.280 lượt người lao động.
Trong tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý miễn, giảm thuế Giá trị gia tăng. Ngoài ra, Chính phủ cho phép coi khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Thu nhập doanh nghiệp với quy mô khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục ban hành, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, nhóm yếu thế.
Thông tư số 120/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 25/12/2021 về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành và có hiệu lực kể từ 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.
Chính phủ cũng đã ban hành chính sách về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19; thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho toàn dân trên cả nước.
Đặc biệt, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua chiều 11/1/2022, với tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng; hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác) là một sự kiện chưa từng có và lớn nhất trong chuỗi các gõi hỗ trợ phục hồi và kích thích phát triển kinh tế trong suốt thời gian chống dịch Covid-19 từ trước đến nay.
Cụ thể, năm 2022 thuế Giá trị gia tăng sẽ giảm 2% (còn 8%) áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất phổ thông 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng thời, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023; Trong đó, có các khoản chi cho y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...; Sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách hỗ trợ phát triển tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; tập trung hỗ trợ cả về thể chế hành chính và về tín dụng-tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các công cụ chính sách tiền tệ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ, linh hoạt góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
NHỮNG HỆ QUẢ KỲ VỌNG
Tất cả những hỗ trợ tài chính-tiền tệ nói trên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như y tế, quân đội, công an..., sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, sẽ tạo tác động cộng hưởng tích cực duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp giảm nhẹ khó khăn, tăng sức chống chịu và tăng thêm xung lực hỗ trợ phục hồi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và duy trì động lực tăng trưởng kinh tế đất nước. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác.
Kỳ vọng của thị trường bất động sản (BĐS) vào gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được thể hiện cả ở tác động trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài.
Trước hết, kỳ vọng gói hỗ trợ này sẽ trực tiếp làm tăng tổng cầu với phân khúc nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở. Đây sẽ là xung lực cho các nhà đầu tư và chủ dự án xây nhà xã hội trong hai năm tới.
Khác với chính sách miễn, giảm thuế, phí chỉ tập trung vào thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhóm khó khăn, khủng hoảng, gói hỗ trợ 350.000 tỷ lần này có bao quát thêm thuế gián thu là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ mức phổ thông hiện nay là 10%.
Điều này có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, nhất là cải thiện tổng cầu do người tiêu dùng tiết kiệm được 2% chi tiêu; đồng thời, giúp kiềm chế việc tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa dịch vụ trong nước, có lợi cho doanh nghiệp tăng cung cho thị trường. Nói cách khác, việc giảm thuế VAT 2% vừa hỗ trợ người tiêu dùng, tăng cầu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cung, từ đó bổ sung động lực tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2% sẽ tác động rất rộng, rất mạnh đến 2 triệu tỷ đồng tiền vốn của doanh nghiệp. Hiện tiêu chí, phương thức hỗ trợ chưa được các cơ quan chức năng cụ thể hóa, song hy vọng dòng tiền hỗ trợ sẽ đến đúng đối tượng...
Hơn nữa, tuy lĩnh vực BĐS không nhận được lợi ích trực tiếp từ gói hỗ trợ giảm 2% VAT hay 2% lãi suất cho vay vì không nằm trong danh mục ngành nghề ưu tiên hỗ trợ, song thị trường BĐS đã, đang và sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự ổn định và phục hồi chung của nền kinh tế nhờ tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ cũ và mới liên tục tiếp nối nhau như đã kể trên. Có liên quan với 35 ngành nghề khác trong nền kinh tế, sự hội tụ và lan tỏa các tác động tương hỗ của ngành BĐS với nền kinh tế càng rõ rệt và nhanh chóng, đa dạng hơn qua nhiều hình thức liên hệ chằng chịt trong và giữa các ngành này với nhau và với ngành BĐS.
Đặc biệt, trong gói hỗ trợ 350000 tỷ đồng mới này có nội dung tăng chi đầu tư công cho các dự án phát triển hạ tầng quốc gia. Điều này cũng được kỳ vọng tạo xung lực mạnh mẽ cả trực tiếp và gián tiếp góp phần thúc đẩy sự phục hồi của ngành xây dựng và thị trường BĐS sau những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Một dự án đầu tư công về cơ sở hạ tầng không chỉ là thị trường tiêu thụ khổng lồ các vật liệu xây dựng, mà còn kéo theo các cơ hội và sự gia tăng dòng tiền từ các nguồn xã hội khác đầu tư phát triển các sản phẩm BĐS khác phát triển cả ở thời điểm hiện tại và tương lai, nhất là các phân khúc nhà ở và nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, trong gói hỗ trợ có nội dung chi phát triển thể chế và thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế. Những kết quả dự kiến của việc triển khai các nhiệm vụ này tất nhiên sẽ làm cải thiện môi trường thể chế cho cả ngành kinh doanh BĐS, cũng như cho sự gia tăng tổng cầu trên thị trường về các dự án xây dựng mới làm nền tảng hỗ trợ hoặc sẽ đặt ra khi có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mới, cả trong và ngoài ngành, trong và ngoài khu vực địa lý, địa phương cụ thể.
Cuối cùng, lợi ích mà thị trường BĐS nhận được từ gói hỗ trợ mới còn có thể đến từ sự gia tăng thu hút FDI và các dòng tiền đầu tư xã hội vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, từ đó tạo lực đẩy mạnh mẽ tổng hợp cho sự phục hồi và phát triển nền kinh tế và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội nói chung, cho sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng tích cực của ngành BĐS nói riêng…
Đương nhiên, các gói hỗ trợ tài chính-tiền tệ là rất cần thiết và có mục tiêu rõ ràng, cụ thể; song lợi ích kỳ vọng của chúng không tự hiện thực hóa hoặc đạt mức tối đa hóa nếu thiếu cơ chế triển khai hiệu quả các gói chính sách tài chính-tiền tệ hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng, cũng như từ sự năng động, chủ động nắm bắt, khai thác và thích ứng phù hợp trong bối cảnh bình thường mới của cộng đồng doanh nhiệp và doanh nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận