Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: Đúng và trúng!
Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng kỳ vọng giúp người lao động và người sử dụng lao động có 'luồng sinh khí mới' để thực hiện mục tiêu kép.
Ngày 1/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch có giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng. Bà đánh giá thế nào về gói hỗ trợ lần này?
Theo tôi, nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7 của Chính phủ với 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được ban hành khá kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Nghị quyết 68 kỳ vọng sẽ góp phần ổn định an sinh xã hội cũng như giúp người lao động và người sử dụng lao động có “luồng sinh khí mới” thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch và vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Với nguyên tắc phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách, tôi tin, chính sách sẽ đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần ổn định xã hội và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
So với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng trước đó, theo bà, đâu là những điểm mới?
So với Nghị quyết 42 /NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành năm 2020, Nghị quyết 68 được xây dựng trên quan điểm và những nguyên tắc mới.
Theo đó, ngoài nguyên tắc đảm bảo tính kịp thời, công khai, minh bạch, Nghị quyết lần này cũng đưa ra nguyên tắc hiệu quả và khả thi bằng việc yêu cầu xây dựng tiêu chí, điều kiện phải thuận lợi cho các đối tượng dễ dàng tiếp cận.
Song song với đó, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ còn phải có sự phân cấp để các địa phương tự cân đối nguồn lực, tình hình thực tiễn, xác định đối tượng và mức hộ trợ phù hợp. Nguyên tắc này giúp phát huy tính chủ động của các cấp các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tế vừa triển khai một cách linh hoạt vừa đảm bảo các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.
Cụ thể, nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ có một số điểm mới như sau:
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tấn công trực tiếp vào công nhân lao động và các doanh nghiệp, khu công nghiệp nơi tập trung đông công nhân lao động, vì vậy, việc Chính phủ đã đưa nhóm đối tượng này vào danh sách hưởng lợi là quyết định rất chính xác và rất đáng hoan nghênh.
Gói hỗ trợ lần này đã “trúng và đúng” đối tượng cần hỗ trợ chưa, thưa bà?
Về cơ bản, gói hỗ trợ lần này đã "trúng và đúng" đối tượng bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp trong làn sóng dịch thứ 4.
Đợt dịch này tấn công trực tiếp vào công nhân lao động và các doanh nghiệp, khu công nghiệp nơi tập trung đông công nhân lao động, vì vậy, việc Chính phủ đưa nhóm đối tượng này vào danh sách hưởng lợi là quyết định rất chính xác và rất đáng hoan nghênh.
Cần “tiếp sức” cho người lao động và doanh nghiệp để khôi phục sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết 68 đã rõ, chỉ còn chờ quyết định hướng dẫn thực hiện và đi vào thực tế. Bà kỳ vọng thế nào về gói hỗ trợ này khi đi vào thực tế?
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 68 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Quyết định mới ban hành gồm 55 trang, bao gồm biểu mẫu để người lao động và người sử dụng lao động theo dõi, điền đúng mẫu giấy tờ theo quy định để được xét duyệt hưởng trợ cấp.
Theo đó, một số chính sách tính từ lúc người lao động gửi hồ sơ đề nghị (theo đúng quy định) thì tối đa trong 6 ngày làm việc, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ. Trong trường hợp không hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, đây là gói hỗ trợ với thủ tục thông thoáng đến mức độ không còn gì để thông thoáng hơn. Gói hỗ trợ lần này đơn giản hóa tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian với phương châm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng nhất.
Vì vậy, tôi kỳ vọng, người lao động và người sử dụng lao động sẽ nhận được hộ trợ trong thời gian sớm nhất có thể.
Các gói hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá là khá toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt lao động tự do rất khó tiếp cận. Theo bà, cần làm gì để các hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ đến tay người dân?
So với nhiều quốc gia phát triển, các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Việt Nam cũng không thua kém về độ bao phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, từ chính sách đến thực thi luôn có khoảng cách. Doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt lao động tự do rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ.
Vì vậy, theo quan điểm của tôi, trước mắt, cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xác định đối tượng bị tổn thương. Cần hỗ trợ cấp bách nhất để ban hành các chính sách cho phù hợp từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Cùng với đó, Chính phủ cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, giảm bớt các thủ tục rườm rà và các tiêu chí quá chặt chẽ. Việc đơn giản thủ tục sẽ giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể.
Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, chắc chắn người lao động, người sử dụng lao động sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, đặc biệt là người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu suốt thời gian qua như du lịch, giao thông vận tải, hàng không, lao động tự do... Do đó, sự hỗ trợ nhanh, kịp thời của Nhà nước, của cộng đồng đến tay người dân lúc này là rất cần thiết.
Xin cảm ơn bà!
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận