24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gói giải cứu kinh tế thế giới “chưa từng thấy” đã chạm 7,000 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng

Tổng quy mô của các gói kích thích lần này cao hơn so với các gói giải cứu trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đang giải phóng hàng ngàn tỷ USD từ nguồn chi tiêu Chính phủ và lượng tiền in mới với nỗ lực ngăn chặn kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng.

Đây là các biện pháp ứng phó chưa từng thấy xét về cả tốc độ lẫn quy mô trước đại dịch virus corona. Theo phân tích từ CNN Business, cho tới nay các Chính phủ và ngân hàng trung ương đã cam kết rót gần 7 ngàn tỷ USD. Các cam kết này bao gồm, chi tiêu Chính phủ, bảo lãnh cho vay, giảm thuế cũng như việc in tiền được các ngân hàng trung ương thực hiện để mua vào tài sản như quỹ cổ phiếu và trái phiếu.

Con số tổng cộng gần 7,000 tỷ USD trên bao gồm gói giải cứu 2,000 tỷ USD của Mỹ và gói kích thích ước tính trị giá 30 ngàn tỷ JPY (tương đương 274 tỷ USD) có thể được Nhật Bản phê chuẩn vào tháng tới. CNN Business cũng đã tính toán nỗ lực kích thích của các nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo lắng rằng những nỗ lực mạnh mẽ được áp dụng cho tới thời điểm này sẽ không đủ nếu cuộc khủng hoảng kéo dài tới tháng 6.

“Gói kích thích 2,000 tỷ USD có thể là mức tối thiểu cần thiết để bù đắp các tác động từ đại dịch”, nhà kinh tế Joseph Song tại Bank of America cho biết trong báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Năm. Ông nói thêm: “Nền kinh tế có thể cần gói kích thích tài khóa gần 3,000 tỷ USD, nếu không muốn nói là nhiều hơn nữa”.

Lần gần nhất mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đình trệ này là suốt thời bình năm 1938, nhà kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley cho biết.

Các nhà lãnh đạo G20, đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới, hôm thứ Năm cho biết họ sẵn sàng để “làm bất kỳ điều gì có thể” để giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng toàn cầu.

“Mức độ và phạm vi của các biện pháp ứng phó sẽ vực dậy nền kinh tế toàn cầu và làm nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ công ăn việc làm cũng như phục hồi đà tăng trưởng”, các nhà lãnh đạo cho biết trong một thông báo chung sau hội nghị truyền hình. Các nhà lãnh đạo còn cho biết quốc gia của họ đã cam kết gói kích thích trị giá 5,000 tỷ USD.

Tuy nhiên, gói chi tiêu khổng lồ này chỉ có thể phần nào xoa dịu các cú sốc của nền kinh tế. Mặc dù trợ cấp thất nghiệp và việc cắt giảm các khoản thanh toán cho người dân sẽ đem lại nhiều sự hỗ trợ cần thiết nhưng nền kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn cho tới khi các quán bar và khách sạn tái mở cửa, người dân trở lại với công việc và có thể đi lại bình thường. Thậm chí khi điều này diễn ra, chúng ta cũng sẽ mất một khoảng thời gian, như những gì Trung Quốc đang cho thấy.

“Sản lượng và các hoạt động kinh tế sẽ chưa thể trở lại các mức như trước đây ngay lập tức”, nhà kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley nhận định, khi chỉ ra tác động kéo dài của đà gia tăng đột biến trong tỷ lệ thất nghiệp và bảng cân đối kế toán xấu của doanh nghiệp.

Dưới đây là một số điểm nổi bật trong đợt hành động đầu tiên của các Chính phủ và ngân hàng trung ương thế giới:

1. Mỹ

Các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua gói kích thích 2,000 tỷ USD trong tuần này, bao gồm khoản phát tiền trực tiếp cho các cá nhân, các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và chương trình cho vay trị giá 500 triệu USD.

Quốc hội đã thông qua khoản giải ngân hơn 112 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu vắc-xin và cung cấp 2 tuần nghỉ phép có lương cho những người đang được xét nghiệm hay điều trị Covid-19, căn bệnh gây ra bởi chủng virus corona mới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích trong những ngày gần đây, bao gồm cam kết ban đầu là mua vào 700 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán thế chấp, nhưng giờ đây không còn giới hạn và có thể bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và các quỹ ETF trái phiếu. Fed cũng công bố khoản cấp vốn mới quy mô 300 tỷ USD để đảm bảo dòng chảy tín dụng tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

2. Anh

Chính phủ Anh đã công bố 330 tỷ bảng Anh (tương đương 397 tỷ USD) dưới dạng các khoản bảo lãnh cho vay và tạm ngưng việc thu thuế kinh doanh cho các nhà bán lẻ, bệnh viện và lĩnh vực giải trí trong 12 tháng. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng sẽ chi trả 80% lương cho nhân viên trong ít nhất 3 tháng tới, với mức tối đa đến 2,500 bảng Anh/tháng (tương đương 2,900 USD/tháng). Hiện vẫn chưa thể tính toán được chương trình này sẽ có quy mô tổng cộng là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh hôm thứ Năm còn cam kết cấp cho các chủ doanh nghiệp khoản tiền mặt tương đương 80% lợi nhuận bình quân hàng tháng của họ, lên tới 2,500 bảng Anh/tháng (3,000 USD/tháng) trong quý tới.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết sẽ tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ Anh và trái phiếu doanh nghiệp thêm 200 tỷ bảng Anh (tương đương 242 tỷ USD).

3. Liên minh châu Âu (EU)

Đức đã công bố gói giải cứu trị giá tới 750 tỷ EUR (tương đương 825 tỷ USD) bao gồm các biện pháp thúc đẩy cho vay tới các doanh nghiệp và trực tiếp nắm cổ phần tại các công ty.

Pháp cũng đã phê chuẩn gói giải cứu 45 tỷ EUR (tương đương 50 tỷ USD) cho các doanh nghiệp nhỏ và những nhân viên thất nghiệp. Nước này cũng bảo lãnh 300 tỷ EUR (tương đương 330 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay doanh nghiệp.

Ý cho biết sẽ chi 25 tỷ EUR (tương đương 27.5 tỷ USD) để giúp đỡ các công nhân và hỗ trợ hệ thống y tế nước này, trong khi Tây Ban Nha đưa ra 200 tỷ EUR (tương đương 220 tỷ USD).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ chi 750 tỷ EUR (tương đương 825 tỷ USD) mua vào trái phiếu Chính phủ và chứng khoán tư nhân trước khi kết thúc năm 2020, và sẵn sàng hành động thêm nếu cần thiết. Trước đó, ECB đã công bố mua thêm 120 tỷ EUR (tương đương 133 tỷ USD).

4. Trung Quốc

Cho tới nay, Trung Quốc đã công bố ít nhất 116.9 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 16.4 tỷ USD) dưới dạng các gói kích thích và giải cứu tài chính, cộng với 800 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 112.5 tỷ USD) dưới hình thức các khoản cắt giảm phí và thuế. Tuy nhiên, nếu cần thiết nước này rất có thể chi thêm hàng ngàn tỷ USD và tăng cường mua vào lượng nợ khổng lồ để vực dậy nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã áp dụng rất nhiều biện pháp nới lỏng tín dụng khác nhau, trong đó có việc phân bổ ít nhất 1.15 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 162 tỷ USD) để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus.

5. Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản có thể cân nhắc áp dụng một gói kích thích kinh tế trong các tuần tới, nhiều khả năng bao gồm việc phát tiền mặt cũng như các biện pháp hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổng quy mô của gói kích thích này có thể lên tới 30 ngàn tỷ JPY (tương đương 274.2 tỷ USD).

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết sẽ nâng tỷ lệ mua vào các quỹ ETF hàng năm thêm 6 ngàn tỷ JPY (tương đương 55 tỷ USD) và tăng cường tỷ lệ mua vào các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITS) thêm 90 tỷ JPY (tương đương 822 triệu USD). Ngoài ra, ngân hàng trung ương này còn gia tăng giới hạn mua vào các thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp thêm 2 ngàn tỷ JPY (tương đương 18 tỷ USD).

6. Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói giải cứu trị giá 22.6 tỷ USD chỉ 36 giờ sau khi nước này áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Gói giải cứu này bao gồm bảo hiểm y tế và hỗ trợ thực phẩm cũng như các khoản trợ cấp và phúc lợi cho công nhân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả