Gói 120.000 tỷ mới chỉ giải ngân được hơn 1%, cơ chế nào để “thoát ế”?
Sau 8 tháng triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giành cho nhà ở xã hội mới chỉ giải ngân được khoảng 143,3 tỷ đồng, cách xa mục tiêu kỳ vọng.
Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ.
Số liệu này được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, đến nay đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền giải ngân chỉ đạt khoảng 143,3 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với kỳ vọng đặt ra ban đầu.
Trong đó, Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 26,4 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 56,6 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương 14,3 tỷ đồng.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố/gửi danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư cho NHNN và Bộ Xây dựng để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tiếp cận, thẩm định dự án. Như vậy, còn rất nhiều địa phương vẫn đang tổng hợp danh sách dự án có nhu cầu vay vốn theo chương trình này.
Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các NHTM thẩm định. Do đó, việc triển khai chương trình còn chưa được như dự kiến.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cần xác định tín dụng đối với phát triển nhà ở xã hội nằm trong quy hoạch trung và dài hạn của cả giai đoạn.
Cụ thể, về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hiện nay, nhà đầu tư dự án đang được vay với mức lãi suất 8,7%/năm, người mua nhà vay với mức 8,2%/năm.
Chủ tịch VNREA thông tin, sau khi tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều với doanh nghiệp và nhu cầu của người dân, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn.
“Theo thông tin mà chúng tôi khảo sát, hiện nay, nhà đầu tư kiến nghị vay với lãi suất 6,5%/năm, người mua mong muốn được vay với mức lãi suất 4,8%/năm. Đồng thời, về phía người mua, chúng tôi cũng đề nghị phía ngân hàng vận dụng quyết định qua Ngân hàng Chính sách, qua khoản vay có dư nợ để người mua được vay 4,8%/năm. Chúng ta phải vận dụng những điều này vào gói 120 nghìn tỷ đồng thì gói vay mới có sức hút”, ông Khôi đề xuất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đề nghị ngân hàng tạo điều kiện giải quyết những dự án nhà ở thương mại tồn đọng mà sắp hoàn thiện để đưa vào thị trường, tránh lãng phí.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP G-Home cho biết, nếu như ở các dự án nhà ở thương mại phải nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp có thể lấy quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng, thì tại các dự án nhà ở xã hội, sổ đỏ của dự án không thể thế chấp do doanh nghiệp được miễn, nó có giá trị 0 đồng.
Thông thường, cơ cấu vốn của một dự án bất động sản là 20% vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, 50% là vốn huy động từ các tổ chức tín dụng và 30% vốn từ người mua nhà, khách hàng, nhà đầu tư.
Như vậy, với việc không có tài sản đảm bảo để vay ngân hàng, doanh nghiệp đã thiếu một nửa trong tổng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến gói 120.000 tỷ để phát triển nhà ở xã hội, theo ông Nam, doanh nghiệp rất khó tiếp cận do không có tài sản thế chấp để vay vốn.
Để đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố; đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về phía Bộ Xây dựng, tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các NHTM tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng lại chung cư.
Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai bởi các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận