Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở
Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.
Câu chuyện người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư không mới, nhưng càng để lâu càng sốt ruột bởi thời hạn 31/12/2030 không hề xa. Nghịch lý lớn nhất trong câu chuyện này sẽ được Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra dưới đây.
PV: Dù sự cần thiết đã rõ, nhưng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đến nay không được giải ngân nhanh chóng, hiệu quả. Dưới góc nhìn kinh tế, theo ông điểm nghẽn lớn nhất là gì? Hệ luỵ của việc này là gì nếu cứ mãi chậm giải ngân gói này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Ta biết rằng gói 120.000 tỉ là gói mà bốn ngân hàng lớn tự nguyện đưa ra với đặc điểm là cho vay với những chủ đầu tư thực hiện nhà ở xã hội và rõ ràng đây là một gói tự nguyện thôi.
Cho nên để giải ngân được thì người ta phải đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể, và gói này theo cam kết chỉ có thời hạn đến 2030.
Cái điều nghẽn nhất hiện nay đó là các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể là những chủ đầu tư nào được coi là phát triển nhà ở xã hội và được chính quyền địa phương đồng ý cho vay. Người mua nhà cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chính quyền địa phương đặt ra.
Tiền thì ngân hàng có lẽ là có sẵn thôi, không có khó khăn gì nhưng mà cái khó là sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư và người vay, để các ngân hàng có cơ sở để cho vay đúng đối tượng.
Về hệ lụy thì nếu như việc cho vay mà không đạt thì đối với ngân hàng thì họ chỉ không thực hiện được nhiệm vụ của họ đề ra thôi. Thế còn đối với xã hội sẽ bỏ phí một nguồn lực, các ngân hàng người ta đã tự hạ thấp chi phí, giúp phát triển xã hội đạt được hiệu quả vay mua nhà ở xã hội.
PV: Ông nghĩ sao về những ý kiến của các chuyên gia mới đây, cho rằng nên mở rộng đối tượng hưởng chính sách của gói 120.000 tỉ? Liệu có đi ngược lại tinh thần ban đầu của chính sách và có thể khiến người thu nhập thấp ngày càng khó chạm tới căn nhà ở xã hội?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hiện nay đang có nhiều nghịch lý. Bởi vì khi đã vay ngân hàng thì ngân hàng người ta cũng đòi hỏi có khả năng trả nợ, rồi đủ các điều kiện được vay. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nhà ở xã hội chỉ bán cho những người có thu nhập dưới 11.000.000 tháng, mà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPH.CM thì thực sự là chi tiêu cũng còn khó chứ đừng có nói là có dư.
Cho nên thực tế thì đây cũng là một trong những lý do rất khó để mà cho vay vì không có điều kiện trả nợ. Đã đến lúc chúng ta cũng cần xem xét đối tượng nào thì được mua nhà ở xã hội và từ đó chính quyền địa phương người ta mới có thể xác nhận được là cái người này đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng cũng đủ điều kiện để mà trả nợ.
PV: Theo ông, phải chăng cần làm rõ hơn nữa về trách nhiệm của những địa phương/đơn vị làm chưa tốt trong quá trình triển khai giải ngân, để không còn điệp khúc "trên bảo, dưới vẫn nghe nhưng khó thực hiện?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nếu chúng ta càng tận dụng thời gian và có thể giải ngân được thì rõ ràng nó càng tốt.
Tuy nhiên, việc này thì chúng tôi cho rằng cần phải có sự vào cuộc giải quyết một cách đồng bộ của chính quyền địa phương cùng với 4 ngân hàng lớn mà hiện nay đang tham gia vào gói 120.000 tỉ này, và chúng ta cũng cần có những biện pháp động viên địa phương, chủ đầu tư thực hiện quá trình xây dựng tốt hơn chương trình nhà ở xã hội, cũng như thực hiện giải ngân nhanh, đồng thời đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, điều kiện ngân hàng đã đề ra.
Để hỗ trợ người có thu nhập thấp vay được thì chúng tôi cũng rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, động viên, khen thưởng đối với những ngân hàng đã thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân gói 120.000 tỉ đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận