menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bích Lan

Góc tối của ngành công nghiệp anime Nhật Bản

Thành công của nhiều bộ phim hoạt hình anime (phim hoạt hình phong cách Nhật Bản) trên thị trường quốc tế đã mang lại doanh thu hơn 19 tỉ đô la mỗi năm cho ngành công nghiệp này. Song phía sau ánh hào quang đó, những họa sĩ anime Nhật Bản đang chật vật kiếm sống với mức lương rẻ mạt và các điều kiện làm việc vô cùng áp lực.

Các loạt phim anime kinh điển và ăn khách trên thị trường quốc tế như Thủy thủ mặt trăng, One Peace (Đảo hải tặc), Pokémon... đã góp phần giúp doanh thu của ngành công nghiệp anime trên toàn cầu tăng gấp đôi lên hơn 19 tỉ đô la trong giai đoạn 2002-2017.

Cuối tháng trước, loạt 26 tập phim anime Neon Genesis Evangelion của Nhật Bản, từng thàng công vang dội vào thập niên 1990, chính thức được phát trên nền tảng truyền hình trực tiếp Netflix.

Song sự thăng hoa của ngành công nghiệp anime ở bên ngoài Nhật Bản che giấu một hiện thực ảm đạm: nhiều họa sĩ diễn hoạt (animator) đứng đằng sau sức hút kỳ diệu trên màn hình đang rỗng túi và đối mặt với các điều kiện làm việc khắc nghiệt có thể khiến họ kiệt sức, thậm chí tự tử.

Họa sĩ diễn hoạt là người sáng tạo hàng loạt bức vẽ, được gọi là frame (khung hình), tạo nên một ảo ảnh về chuyển động được hiển thị dưới dạng một chuỗi liên tục. Hầu hết các bức vẽ đều được vẽ bằng tay. Chỉ những những họa sĩ có kỹ năng và kinh nghiệm mới có thể vẽ với tốc độ nhanh.

Shingo Adachi, một họa sĩ diễn hoạt kiêm người thiết kế nhân vật cho loạt phim anime nổi tiếng Sword Art Online, cho biết tình trạng khan hiếm nhân lực là một vấn đề nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp anime. Ông cho biết mỗi năm chỉ riêng tại Nhật Bản, có gần 200 bộ phim anime được sản xuất nhưng không có đủ các họa sĩ chuyên nghiệp. Thay vào đó, các xưởng phim phải dựa vào những họa sĩ hành nghề tự do, họ hưởng lương theo sản phẩm chứ không phải lương cố định hàng tháng. Vì đam mê họ sẵn sàng chấp nhận mức trả công rẻ mạt.

Họ là những người thực hiện các nét vẽ chi tiết sau khi các đạo diễn vạch ra các bảng phân cảnh và các họa sĩ chính vẻ các khung hình quan trọng trong mỗi phân cảnh.

Các họa sĩ trung gian được trả khoảng 200 yen (chưa đến 2 đô la) cho mỗi bức hình. Mức trả công này không phải là tệ nếu như mỗi họa sĩ có thể vẽ được 200 bức vẽ mỗi ngày. Song thực tế, mỗi bức vẽ anime có thể mất hơn một tiếng đồng hồ, đó là chưa kể phải chú ý đến các tiểu tiết khác mà phim hoạt hình phương Tây thường phớt lờ, chẳng hạn thức ăn, kiến trúc, phong cảnh.

“Cho dù bạn tiến cao hơn và trở thành họa sĩ vẽ khung hình quan trọng, bạn cũng sẽ không kiếm được nhiều”, Adachi nói.

Các họa sĩ anime phải mất cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành một bức vẽ có nhiều chi tiết. Ảnh: Quora

Ngoài ra, các điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp anime cũng rất áp lực. Các họa sĩ anime thường ngủ gục tại bàn làm việc vì kiệt sức sau nhiều tiếng làm việc liên tục. Henry Thurlow, một họa sĩ anime người Mỹ đang sống và làm việc tại Nhật Bản, cho biết ông từng nhập viện nhiều lần do kiệt sức.

Xưởng phim anime Madhouse, có trụ sở ở Tokyo, gần đây bị cáo buộc vi phạm luật lao động vì bắt nhân viên làm việc gần 400 giờ mỗi tháng và trong 37 ngày liên tục, không một ngày nghỉ. Vụ tự tử của một nam họa sĩ anime vào năm 2014 ở Nhật Bản được xem là do áp lực công việc sau khi các nhà điều tra phát hiện thấy rằng anh đã làm việc hơn 600 tiếng trong tháng trước khi tự tử.

Một trong những lý do các xưởng phim anime sử dụng các họa sĩ tự do là họ không cần phải lo lắng về việc vi phạm luật lao động. Vì những họa sĩ tự do là những người làm việc theo hợp đồng độc lập nên các công ty sản xuất anime có thể áp đặt các hạn chót khắc nghiệt đối với họ.

Zakoani, một họa sĩ anime, nói: “Vấn đề đối với anime là mất quá nhiều thời gian để sản xuất một tập phim. Công việc cực kỳ tỉ mẩn. Mỗi phân cảnh cần đến bốn họa sĩ. Tôi chỉ vẽ phác họa, rồi sau đó, hai người khác bao gồm họa sĩ chính và đạo diễn sẽ kiểm tra. Sau đó, bức vẽ được gửi trả lại cho tôi để tinh chỉnh. Tiếp theo, nó sẽ được gửi đến cho họa sĩ vẽ trung gian, người thực hiện những nét vẽ chi tiết cuối cùng”.

Theo Hiệp hội Các nhà sáng tạo hoạt hình Nhật Bản, mỗi họa sĩ anime kiếm mức thu nhập trung bình 1,1 triệu yen (10.000 đô la) mỗi năm lúc họ ở độ tuổi 20. Mức thu nhập này sẽ tăng lên 2,1 triệu yen (19.000 đô la)/năm lúc họ bước qua tuổi 30 và tiếp tục tăng lên mức 3,5 triệu yen (31.000 đô la)/năm khi họ ở độ tuổi 40-50. Mức sống nghèo khổ ở Nhật Bản được xác định khi mức thu nhập của một người từ mức 2,2 triệu yen trở xuống. Điều này có nghĩa là các họa sĩ anime trẻ tuổi ở Nhật Bản đang sống dưới mức nghèo khổ.

Cấu trúc phân bổ thu nhập bất công trong ngành công nghiệp anime bắt nguồn từ họa sĩ truyện tranh kiêm nhà sản xuất phim Osamu Tezuka, người được xem là cha đẻ của thể thoại truyện tranh manga ở Nhật Bản. Vào thập niên 1960, khi các mạng lưới truyền hình ở Nhật Bản không sẵn sàng mạo hiểm với việc phát sóng các loạt phim anime, Tezuka đã chấp nhận bán lỗ các loạt phim anime Astro Boy để chúng được phát sóng. Do bán lỗ nên mức trả công cho các họa sĩ cũng rất thấp.

Michael Crandol, Phó Giáo sư ở Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết: “Về cơ bản, Tezuka và công ty ông chấp nhận bán lỗ loạt phim Astro Boy. Họ lên kế hoạch bù lỗ bằng cách bán đồ chơi, các nhân vật và các mặt hàng liên quan đến Astro Boy. Vì cách thức kinh doanh này hiệu quả với Tezuka và các nhà đài nên nó vẫn duy trì cho đến nay”.

Astro Boy đã thành công vang dội, nhờ vậy, doanh thu bán đồ chơi và các mặt hàng lưu niệm ăn theo Astro Boy dư sức bù lỗ chi phí sản xuất. Tuy nhiên, điều này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, đó là những họa sĩ theo chân Tezuka vào ngành công nghiệp này không thể kiếm mức lương đủ sống.

Họa sĩ Henry Thurlow cho rằng mức trả công hiện nay cho các họa sĩ anime thật lố bịch vì chúng vẫn dựa vào công thức chi trả theo đề xuất của Tezuka. Ông nói: “Hồi đó, các bức vẽ rất đơn giản. Bạn chỉ vẽ một cái đầu vòng tròn, hai con mắt bằng hai dấu chấm và bạn có thể vẽ một bức vẽ trung gian trong vòng 10 phút... Còn giờ đây, một bức vẽ quá chi tiết. Bạn phải làm việc một giờ mới kiếm được hai đô la”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả