Góc nhìn thị trường tuần từ 1-5/11/2021: Dễ có những phiên điều chỉnh ở vùng giá cao
Nhà đầu tư đã mua vào trong phiên 28/10 khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, mục tiêu giải ngân có thể là những bluechips đang dẫn sóng thị trường.
· Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 25-29/10/2021
Thị trường chứng khoán hồi phục trở lại trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 10, trong đó, VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại 1.420,27 điểm được thiết lập hôm 2/7. Chốt phiên giao dịch ngày 29/10, VN-Index đứng ở mức 1.444,27 điểm, tương ứng tăng 55,03 điểm (4%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 20,91 điểm (5,3%) lên 412,12 điểm. UPCoM-Index tăng 5,02 điểm (5%) lên 105,38 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 31.962 tỷ đồng/phiên, tăng 20,7% so với tuần trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 19% lên 29.794 tỷ đồng.
Các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tốt trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 8,2% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng của một số trụ cột trong ngành như GAS (11,1%), POW (+,5%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 6,2% giá trị vốn hóa, nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như VHM (9,6%), NVL (5,8%), MLG (7%), KDH (12%)...; ngành chứng khoán như SSI (3,3%), HCM (1,9%), VCI (3,6%), VND (9,2%), SHS (2,7%)...; ngành bảo điểm như BVH (7,3%), PVI (6,3%), BMI (10,1%)... Tiếp theo là ngành công nghiệp với mức tăng 5,6%.
Ngành hàng tiêu dùng tăng 3,3% nhờ sự đóng góp của các trụ cột như VNM (0,2%), MSN (7,7%), SAB (2,6%)... Ngành dầu khí tăng 2,9% nhờ sự tăng giá của các trụ cột trong ngành như PVD (2,6%), PVS (5,9%), BSR (7,4%), OIL (7,5%)... Các ngành còn lại đều có mức tăng tốt như ngân hàng (2,6%), dược phẩm và y tế (2,2%), công nghệ thông tin (2%), nguyên vật liệu (1,7%), dịch vụ tiêu dùng (0,5%)...
· Giao dịch khối ngoại tuần 25-29/10/2021
Khối ngoại trên HoSE chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 441 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là gần 25 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng trên 752 tỷ đồng. HPG được khối ngoại mua ròng trở lại 343 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại là GAS với 265 tỷ đồng. Các mã STB, VHM, CTG và DXG đều có giá trị mua ròng của khối ngoại trên 200 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG tiếp tục bị bán ròng 625 tỷ đồng. VJC đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng với 440 tỷ đồng.
· Giao dịch khối tự doanh công ty chứng khoán tuần 25-29/10/2021
Đối với khối tự doanh, theo dữ liệu từ FiinPro, dòng vốn này mua vào 72 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 3.621 tỷ đồng, trong khi bán ra 40,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.674 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 31,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.947 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Giao dịch của khối tự doanh hầu hết được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh với 1.948 tỷ đồng.
TCB là cổ phiếu được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất tuần qua với 256 tỷ đồng. ACB và VHM đứng sau với giá trị mua ròng đều trên 200 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các chứng chỉ quỹ ETF nội bị dòng vốn tự doanh bán ròng mạnh. Đứng đầu danh sách bán ròng là FUESSVFL với 149 tỷ đồng. E1VFVN30 đứng sau với 64 tỷ đồng. FUEVFVND cũng bị bán ròng 47 tỷ đồng. NKG đứng thứ 3 trong danh sách bán ròng của khối tự doanh với 56 tỷ đồng.
· Giao dịch cá nhân trong nước tuần 25-29/10/2021
Cá nhân trong nước có một tuần giao dịch không mất tích cực bán ròng trở lại 3.779 tỷ đồng trên HoSE sau khi mua ròng đột biến ở tuần trước đó. Nếu tính về khớp lệnh, nhà đầu tư này bán ròng 3.667 tỷ đồng. Trong tuần, cá nhân trong nước có phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với hơn 2.900 tỷ đồng (27/10).
Nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã VHM với 799 tỷ đồng. HPG và ACB đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 711 tỷ đồng và 533 tỷ đồng. Các mã như STB, MSN hay GAS đều bị bán ròng trên 400 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG được mua ròng mạnh nhất với 774 tỷ đồng. DCM và PAN được mua ròng lần lượt 394 tỷ đồng và 275 tỷ đồng.
· Phân tích kĩ thuật
Trong phiên giao dịch ngày 29/10/2021, VN-Index tiếp tục tăng điểm và đang thiết lập mức cao mới. Chỉ số tiếp tục bám sát vào đường Upper Band chứng tỏ tình hình vẫn đang rất khả quan. Khối lượng giao dịch tăng cao hơn các phiên trước và duy trì trên mức trung bình chứng tỏ dòng tiền đang khá dồi dào.
Chỉ số đang tiến lên test lại ngưỡng Fibonacci Projection 50%. Nếu vượt hoàn toàn được kháng cự này thì VN-Index sẽ có thể tiến đến test ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,500 điểm).
Chỉ báo MACD và Stochastic Oscillator vẫn đang duy trì sự tích cực khi đã cho tín hiệu mua trong những phiên trước đó. Nếu trạng thái này vẫn được duy trì thì sẽ càng ủng hộ cho khả năng tăng trưởng của chỉ số.
· Nhận định thị trường tuần từ 1-5/11/2021
Sau một tuần bùng nổ in-dẽ chính thức vượt kháng cự 1.425 điểm và mốc này trở thành mốc hỗ trợ, mục tiêu tiếp theo mà chỉ số VN-Index sẽ hướng lên là vùng kháng cự 1.500 điểm.
Do đó tuần giao dịch tiếp theo (1/11-5/11), dư địa tăng của thị trường vẫn còn. VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức đỉnh cao mới, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng, VN-Index có khả năng sẽ cần test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.420-1.425 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào trong phiên 28/10 khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, mục tiêu giải ngân có thể là những bluechips đang dẫn sóng thị trường.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận