Góc nhìn thị trường tuần mới: Ảnh hưởng mạnh từ chứng khoán thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index có phiên giảm mạnh nhất tuần với mức giảm 23,72 điểm, điều này làm tiêu tan nổ lực tăng điểm cả tuần cũng như mất luôn mốc tâm lý 1.300 điểm.
Như chúng tôi đã chia sẽ cách đây 2 tuần rằng nhiều khả năng thị trường sẽ tạo đỉnh ngắn hạn ở vùng 1.310+-10 điểm và thị trường thị trường dường như đang đi đúng kịch bản này khi tạo đỉnh ở 1.307,91 điểm sau đó có phiên giảm mạnh. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng 3 kịch bản cho thị trường trong thời gian tới, cụ thể:
Kịch bản 1, thị trường đã tạo đáy ở vùng 1.150 điểm và sóng giảm lần này chỉ là sóng chỉnh thứ cấp và sẽ tạo đáy tiếp theo ở vùng 1.250 điểm. Đây là kịch bản lạc quan nhất hiện nay và xác suất xảy ra vào khoảng 30%.
Kịch bản 2, thị trường sẽ “test” lại đáy 1.150 điểm và tạo ra mô hình 2 đáy sau đó sẽ phục hồi và hình thành sóng tăng trong dài hạn. Đây là kịch bản trung bình và xác suất xảy ra kịch bản này cao nhất, khoảng 50%.
Kịch bản 3, thị trường sẽ “test” đáy 1.150 bẻ gãy ngưỡng hỗ trợ. Khi kịch bản này xảy ra thì thị trường nhiều khả năng sẽ về vùng 1.000 – 1.050 điểm. Kịch bản này ứng với điều kiện các yếu tố kinh tế vĩ mô thế giới tiếp tục xấu, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Xác suất xảy ra kịch bản này vào khoảng 20%. Tuy là xác suất thấp nhưng chúng ta không thể bỏ qua vì lịch sử đã chứng minh, trong 3 sóng điều chỉnh mạnh nhất từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập, VN-Index đã 2 lần điều chỉnh rất mạnh vào năm 2008-2009 với mức giảm 2/3 điểm số, năm 2018-2020 với mức giảm ½.
Hiện nay, các yếu tố kinh tế vĩ mô thế giới tiếp tục gặp nhiều thách thức hơn khi giá năng lượng tăng cao, đẩy lạm phát ở nhiều nền kinh tế chạm đỉnh mới. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ chứng kiến lạm phát tăng cao nhất hơn 40 năm qua với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2021. Với số liệu lạm phát này, nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 này với mức tăng được dự đoán vào khoảng 0,5%, thậm chí có thể là 0,75% khi các quan chức Mỹ bắt đầu cho thấy sẽ hành động mạnh để kiềm chế lạm phát. Giá năng lượng và lương thực tăng cao đã tạo ra một số bất ổn ở các nền kinh tế nhỏ, có sức chóng chịu kém như Sri Lanka, Lào, Pakistan và một số nước châu Phi. Mặc dù đây là những nền kinh tế nhỏ nhưng nó cho thấy nếu giá năng lượng tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian dài hoàn toàn có thể tạo ra những bất ổn cho các nền kinh tế khác có quy mô lớn hơn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định nhưng áp lực đang tăng dần. Giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tăng lên đỉnh cao mới vào Thứ 2 tuần sau, tạo áp lực lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Lãi suất cho vay trong nước hiện chưa tăng do các ngân hàng thương mại đang tạm thời hết room tín dụng và thanh khoản dồi dào.
Với các yếu tố vĩ mô như trên, tôi tiếp tục thận trọng với các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản và chứng khoán trong những tuần tới. Đồng thời các ngành sản xuất như thủy sản, phân bón, hóa chất, năng lượng, công nghệ và may mặc được đánh giá tích cực nhất trong giai đoạn này. Trong khi đó, các ngành như bán lẻ, ngân hàng và sắt thép sẽ trung tính hơn.
Để kiểm soát rủi ro trong giai đoạn thị trường khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản và nên nắm giữ 1 lượng tiền mặt nhất định. Phần nắm giữ cổ phiếu nên tập trung vào các nhóm ngành được hưởng lợi, được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực và có tình hình tài chính lành mạnh, ít vay nợ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận