Góc nhìn thị trường phiên 14/10/2021: đà tăng dần thu hẹp
Động lực tăng điểm của VN-Index sắp tới được dự báo sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và họ Vingroup, do 2 nhóm này có tỷ lệ ảnh hưởng khá lớn đối với chỉ số, và đều đã có mức điều chỉnh tương đối kể từ vùng đỉnh.
· Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 13/10/2021
Phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index giảm 2,89 điểm (-0,21%) xuống 1.391,91 điểm. HNX-Index tăng 3,66 điểm (0,97%) lên 379,34 điểm. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 98,78 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 608 triệu đơn vị, giảm 14.06% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm 13.78%, đạt gần 91 triệu đơn vị.
Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, dòng tiền vào thị trường có dấu hiệu giảm nhiệt. VN-Index khởi đầu phiên sáng tăng nhẹ và có thời điểm chạm mức 1,400 điểm, trước khi quay đầu giảm nhẹ và giao dịch ngay dưới mốc điểm quan trọng này. Chỉ số sau đó biến động nhẹ quanh mức 1,395-1,400 điểm. Kết thúc phiên sáng, VN-Index chỉ tăng nhẹ 0.86 điểm. Sang phiên chiều, với áp lực bán mạnh dần về cuối phiên, VN-Index đã không thể giữ lại mức điểm tham chiếu. Kết phiên giao dịch ngày, VN-Index giảm 2.89 điểm, về mức 1,391.91 điểm.
VN30-Index không nằm ngoài xu hướng giảm nhẹ của thị trường chung, khi giảm hơn 4 điểm. Bên bán chiếm ưu thế trong phiên ngày 13/10/2021, cả rổ có tới 19 mã giảm giá, 3 mã tham chiếu và chỉ 8 mã tăng giá. Cổ phiếu ngành thực phẩm đồ uống MSN và SAB giảm mạnh nhất rổ VN30, khi cùng nhau giảm hơn 2%. Theo sau đó là GAS, PLX và BVH, giảm quanh mức 1-2%. Ở chiều tăng giá, PDR, MWG và VJC có phiên tăng giá tích cực và tăng quanh mức 2%. Đáng chú ý trong phiên, cổ phiếu FPT tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 13/10/2021 và có thời điểm đạt mức 100,000 đồng/cp. Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá của FPT đã tăng trưởng liên tục và phá vỡ hoàn toàn đỉnh lịch sử (tính theo dữ liệu điều chỉnh) của tháng 08/2021.
Xét về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, VHM, MSN và TCB là 3 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất tới thị trường, với tổng hơn 2 điểm giảm. Trong khi đó, BCM, SSB và MWG là những mã tích cực kéo thị trường đi lên.
Cổ phiếu ngành bảo hiểm là một trong những nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Phần lớn đà giảm này đc đóng góp bởi mức giảm mạnh hơn 3% của cổ phiếu BVH. Dù những cổ phiếu bảo hiểm còn lại như VNR hay MIG tăng giá cũng không đủ để giúp cả nhóm kết phiên trong sắc xanh.
Nhóm sản xuất nhựa, hóa chất tăng 1.38%. Các cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng mạnh, cổ phiếu DCM và SFG bật tăng hết biên độ khi kết phiên. Cổ phiếu DPM tăng hơn 4% để vượt mốc giá 40,000 đồng/cp và đây cũng là đỉnh cao nhất lịch sử giao dịch của cổ phiếu này. Ngoài các cổ phiếu phân bón trên, sắc xanh còn hiện diện trên cổ phiếu GVR, DGC và NTP.
VN-Index đứt mạch 7 phiên tăng liên tiếp và giảm nhẹ gần 3 điểm trong phiên giao dịch ngày 13/10/2021. VN-Index giằng co mạnh khi test lại mức đỉnh lịch sử. Khối lượng giao dịch giảm gần 15% so với phiên giao dịch trước. Dòng tiền cần phải có sự cải thiện đáng kể để VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng kháng cự mạnh này.
· Giao dịch khối ngoại phiên 13/10/2021
Giao dịch của khối ngoại đi theo chiều hướng xấu hơn khi bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 24 triệu cổ phiếu, trị giá 1.061 tỷ đồng, trong khi bán ra 34 triệu cổ phiếu, trị giá 1.575 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 10 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 512 tỷ đồng.
Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 519 tỷ đồng (gấp 13 lần phiên trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 10 triệu cổ phiếu.
HPG vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 149 tỷ đồng. SSI và VNM bị bán ròng lần lượt 70 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HAH được mua ròng mạnh nhất thị trường với 82 tỷ đồng. VRE và HDG được mua ròng lần lượt 44 tỷ đồng và 31 tỷ đồng.
· Giao dịch tự doanh công ty chứng khoán phiên 13/10/2021
Khối tự doanh công ty chứng khoán có một phiên giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 480 tỷ đồng, tập chung vào các mã như TCB, HPG, VHM. Ở chiều ngược lại chỉ bán ròng 2 chứng chỉ quỹ FUEVFVND, E1VFVN30.
· Phân tích kĩ thuật
Trong phiên giao dịch ngày 13/10/2021, VN-Index xuất hiện rung lắc nhẹ với cây nến có thân nhỏ, qua đó chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất giằng co. Vùng đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 08/2021 (tương đương vùng 1,360-1,380 điểm) sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục diễn ra.
Tuy chỉ báo MACD vẫn duy trì ở trên đường tín hiệu (signal line) nhưng chỉ báo Stochastic Oscillator lại sắp cho tín hiệu bán tại vùng overbought. Nếu chỉ báo này xuất hiện tín hiệu bán thì khả năng chỉ số rơi về test lại đỉnh cũ tháng 08/2021 là khá cao.
Nếu hỗ trợ này được giữ vững thì chỉ số sẽ có thể tiến đến vùng đỉnh lịch sử tháng 07/2021. Khối lượng giao dịch cần phải được cải thiện nếu chỉ số muốn chinh phục thành công vùng đỉnh cao tháng 07/2021.
· Nhận định thị trường phiên 14/10/2021
Phiên giảm điểm nhẹ 13/10 đã chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index, trong bối cảnh khối lượng giao dịch ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy bên bán vẫn chưa quyết liệt ra hàng, trong khi bên mua đang chờ đợi điểm mua tốt hơn.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm giá ‘Tweezer top’ tại vùng kháng cự 1,395 – 1,400 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày cho thấy độ tin cậy của cây nến này là chưa cao.
Dự báo trong phiên giao dịch 14/10, sự giằng co có thể sẽ diễn ra trong phiên sáng, giữa lực mua tại vùng hỗ trợ gần 1,385 – 1,390 điểm và lực bán tại vùng kháng cự gần 1,395 – 1,400 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Động lực tăng điểm của VN-Index sắp tới được dự báo sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và họ Vingroup, do 2 nhóm này có tỷ lệ ảnh hưởng khá lớn đối với chỉ số, và đều đã có mức điều chỉnh tương đối kể từ vùng đỉnh.
Khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục có tỷ trọng cổ phiếu trung bình, có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu ngành dầu khí, thép, dệt may được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa, năng lượng, chuỗi cung ứng, xuất khẩu,…hoặc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán và một số mã ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng tốt trong quý 4.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận