Góc nhìn: Thấy gì qua đột biến xuất siêu?
Xuất siêu đột biến phần nào do nhập khẩu giảm. Với đặc điểm đầu vào, nhập khẩu giảm cho thấy sản xuất suy trầm.
Liên tục các kỳ cập nhật gần đây, Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn. Kỷ lục xuất siêu thiết lập trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bất lợi bởi Covid-19.
Vậy, xuất siêu đột biến có hẳn là tín hiệu hoàn toàn đáng mừng?
HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT SUY TRẦM
Theo Tổng cục Hải quan mới công bố, tính đến 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 12,7 tỷ USD; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tức xuất siêu trong thời gian này là 1,9 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 160,2 tỷ USD, tăng khoảng 1,8%, tương đương gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,2 tỷ USD, giảm khoảng 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế, xuất siêu đã đạt con số đột biến 10 tỷ USD.
Nhìn vào dữ liệu trên, như vậy xuất siêu đột biến phần nào là do nhập khẩu giảm.
Cán cân thương mại Việt Nam liên tục thặng dư cao những tháng gần đây, đặc biệt từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 8 này.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công. Theo số liệu thống kê cho thấy hơn 90% nhập khẩu là cho sản xuất, trong đó hơn 60% là nguyên vật liệu đầu vào, khoảng 30% là máy móc thiết bị. Điều này cho thấy việc nhập khẩu suy giảm chứng tỏ nền sản xuất suy trầm.Chuỗi số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa trong 15 năm qua cho thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nền kinh tế cơ bản là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực này luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu.
Trong mấy năm gần đây khu vực FDI xuất siêu quá mạnh át cả sự nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu. Năm 2010 khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD thì đến năm 2018 nhập siêu của khu vực này là 25,5 tỷ USD; trong khi đó khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2018 xuất siêu của khu vực FDI đã lên tới 32 tỷ USD.
Cũng trong khoảng thời gian so sánh trên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê luồng tiền chẩy ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua chi trả sở hữu khoảng 18 tỷ USD; tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tăng từ 54% năm 2010 lên 71,4% năm 2018.
Tỷ trọng của khu vực FDI trong xuất khẩu áp đảo những năm qua, có xu hướng giảm gần đây nhưng chủ yếu do giá dầu giảm.
KHU VỰC FDI HOÀN TOÀN QUYẾT ĐỊNH
Tuy nhiên theo số liệu của Tổng cục Thông kê, năm 2019 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng xuất khẩu đã giảm xuống còn 67,8% và đến giữa tháng 8/2020 tỷ trọng này còn là 64,5%.
Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng xuất khẩu giảm cơ bản do tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm khai thác đặc biệt dầu thô giảm (khai thác dầu khí được tính cho khu vực FDI), nghịch lý là giá dầu giảm nhưng sản lượng khai thác vẫn tăng chỉ để đảm bảo thành tích tăng trưởng?
Trong khi đó tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong tổng xuất khẩu cũng giảm nhẹ.
Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định. Như vậy việc tham gia EVFTA khiến khu vực này có lợi nhất và nguồn lực nền kinh tế càng bị bào mòn qua chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của khu vực FDI.
Để ý so sánh số liệu trên website của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất siêu của khu vực FDI thường đi đôi với việc chi trả sở hữu thuần (luồng tiền chảy ra nước ngoài) trong năm kế tiếp thường rất cao và tình hình này ngày một đậm đặc, khi mấy năm gần đây luồng tiền chảy ra nước ngoài cũng tương đương với con số xuất siêu của khu vực FDI.
Do đó việc thặng dư thương mại dương không hẳn chỉ đơn thuần giá trị con số, mà có thể xem là một tín hiệu cần cảnh báo về cấu trúc bất lợi đối với nền kinh tế thực sự của Việt Nam. Việc xuất siêu thông qua cấu phần chủ yếu của khu vực FDI không hẳn làm tăng nhiều cho nội lực của nền kinh tế Việt Nam, thậm chí càng xuất siêu nội lực của nền kinh tế càng bị khai thác và chuyển ra nước ngoài.
Nhìn thêm vào cấu phần tạo xuất siêu, xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cơ bản là hàng điện tử, máy tính, đoạn thoại và linh kiện của chúng, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa; dệt may, giầy da chiếm 20% giá trị xuất khẩu hàng hóa.
Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam (gso.gov.vn) cho thấy xuất khẩu những sản phẩm này lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhất trong các nhóm ngành kinh tế, nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu rất lớn. Xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện của chúng nếu xuất khẩu 100 USD thì chỉ tạo ra 27 USD giá trị tăng thêm và người lao động Việt Nam chỉ được hưởng 14 USD; xuất khẩu sản phẩm dệt may, giầy da 100 USD tạo ra 31 USD giá trị tăng thêm và 18 USD thu nhập của người lao động Việt Nam.
Như vậy việc coi những sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng Việt Nam dưới 20% là hàng Việt Nam để xem là tín hiệu đáng mừng thì phải chăng đã là hợp lý?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận