Góc nhìn: "Rất cần tạo lập thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp"
Mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trên thị trường không đồng đều nên việc xác định mức lãi suất trái phiếu như thế nào là hợp lý vẫn tương đối khó...
Việt Nam đang chưa có thị trường trái phiếu thứ cấp nên nhà đầu tư mua bán cực kỳ khó. Rất cần tạo lập thị trường thứ cấp của trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VnEconomy.
Xử lý vấn đề lãi suất là một bài toán dài hơi
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại, anh thấy động lực nào đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu?
Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu. Riêng về phát hành riêng lẻ, điều kiện phát hành thoáng và dễ dàng hơn. Trong khi đó, tín dụng được kiểm soát, cùng với mức độ hoạt động của các công ty chứng khoán cũng ngày càng tích cực nhằm dần định hướng lại sản phẩm dịch vụ, da dạng nguồn doanh thu.
Một điểm quan trọng nữa là đến từ chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng khó với lãi suất cao, nên phát hành trái phiếu vẫn có lợi hơn. Bản thân doanh nghiệp cũng nhận thấy đây là một lợi thế.
Thật ra không hẳn là trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn vay ngân hàng mà còn tùy trường hợp và tùy vào tài sản đảm bảo. Trái phiếu có tài sản đảm bảo thì lãi suất thấp, trái phiếu không có tài sản đảm bảo thì lãi suất cao.
Doanh nghiệp có thể thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Có trường hợp trái phiếu được thế chấp bằng cổ phiếu. Chất lượng của cổ phiếu và tỷ lệ đảm bảo quyết định mức lãi suất của trái phiếu.
Thực tế có không ít doanh nghiệp bất động sản đã có thương hiệu, thế chấp bằng sổ đỏ của dự án và vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất trên 14%. Trong khi đó nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu 11%, cộng thêm việc phải trả phí cho đơn vị bảo lãnh phát hành khoảng 1%, thì lãi suất khoảng 12% so với 14% vẫn hấp dẫn hơn.
Về lý thuyết, lãi suất trái phiếu thấp hay cao là do thị trường quyết định với quy tắc lãi suất cao, đi kèm với rủi ro cao. Tuy nhiên trên thực tế do mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trên thị trường không đồng đều nên việc xác định một mức lãi suất như thế nào là hợp lý vẫn tương đối khó, đặc biệt với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục bám theo lãi suất trên thị trường ngân hàng, lãi suất ngân hàng còn cao thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa giảm được. Hàng tuần chúng tôi có theo dõi lãi suất thị trường. Vừa qua, một số ngân hàng hạ lãi suất huy động tối đa khoảng 0,5% nhưng đó là các công bố nhỏ lẻ.
Tuy nhiên trong một hai ngày gần đây khi Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo giảm lãi suất đồng loạt thì tôi nghĩ mặt bằng lãi suất của ngân hàng sẽ giảm thực chất, từ đó cũng ảnh hưởng đến lãi suất trái phiếu.
Nhìn về dài hạn, để giảm lãi suất thì cần tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, không để các ngân hàng này chạy đua lãi suất, làm ảnh hưởng đến các ngân hàng lành mạnh. Lãi suất thực dương và tỷ giá ổn định đang là hai nhân tố quan trọng giúp giảm lãi suất.
Cần công bố thông tin càng nhiều càng tốt
Tốt nhất là không mua (cười). Nhà đầu tư phải tự "khôn" lên thôi.
Hiện có quy định nào buộc phải công bố người mua trái phiếu chưa, thưa anh?
Mẫu chuẩn về công bố thông tin phát hành trái phiếu có phần phải công bố bên mua, nhưng lại không có yêu cầu cụ thể phải công bố như thế nào, vậy nên thực tế xuất hiện nhiều kiểu công bố thông tin.
Thời gian đầu công bố thông tin phát hành riêng lẻ còn công bố rõ thông tin người mua là ai, phát hành ra công chúng còn công bố danh sách hàng trăm cá nhân mua, thế nhưng gần đây đã bắt đầu xuất hiện tình trạng công bố không rõ ràng, cụ thể bên mua mà chỉ ghi là tổ chức A, tổ chức B, giống như một hình thức "đối phó" với quy định.
Bất cập như vậy liệu có nên có quy định để siết phần công bố nhà đầu tư mua?
Với điều kiện phát hành riêng lẻ khá thoáng và sau đó không dám chắc rằng người mua sơ cấp không bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nên việc công bố thông tin người mua sơ cấp trái phiếu phát hành riêng lẻ là rất cần thiết để công chúng đầu tư có thể nắm được thông tin gốc và từ đó có những phân tích đánh giá riêng của mình.
Tôi rất ủng hộ việc phát hành trái phiếu, muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thành kênh huy động vốn thay cho tín dụng ngân hàng, đó là chiến lược hoàn toàn đúng, nhưng chiến lược đúng cần có cách làm đúng để tăng hiệu quả huy động vốn và giảm thiểu các tác động tiêu cực, các hành vi lách luật có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bình thường nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tin rằng mua trái phiếu ít rủi ro trừ khi doanh nghiệp phá sản, anh thì nghĩ sao?
Doanh nghiệp không phá sản nhưng có thể không trả được nợ. Giả sử trái phiếu đến hạn nhưng doanh nghiệp không trả nợ thì trái chủ sẽ gặp rất nhiều vấn đề.
Trái chủ về mặt pháp lý có quyền đệ đơn yêu câu tuyên bố phá sản, nhưng thực tế để giải quyết được không đơn giản. Trình tự để một doanh nghiệp có thể phá sản được vô cùng phức tạp, liên quan đến rất nhiều quyền lợi của bạn hàng, cán bộ công nhân,… nên đợi đến khi quyền lợi của trái chủ được giải quyết thì còn lâu hơn nữa. Bên cạnh đó người mua nhỏ lẻ đầu tư không lớn, ít tiềm lực tài chính nên hiếm trường hợp thuê luật sư để theo đuổi những vụ như thế này.
Muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thành kênh huy động vốn thay cho tín dụng ngân hàng, đó là chiến lược hoàn toàn đúng, nhưng chiến lược đúng cần có cách làm đúng để tăng hiệu quả huy động vốn và giảm thiểu các tác động tiêu cực, các hành vi lách luật có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Nguyễn Đức Hùng Linh
Một tình trạng được phản ánh liên quan tới việc các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp sau đó chào bán lại cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Anh có biết đến tình trạng này không?
Thực tế này đã diễn ra khá lâu. Với loại hình này người mua trái phiếu phải xác định rất rõ mình đang gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu. Nếu mua trái phiếu thì cần chú ý đến các điều khoản bảo lãnh, tài sản đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo, lãi suất thực nhận sau khi trừ thuế và phí…
Đối với khách hàng có hiểu biết và đòi hỏi, ngân hàng có thể đưa ra điều khoản bảo lãnh nhưng đối khách hàng ít kinh nghiệm thì có thể sẽ bị bỏ qua các điều khoản bảo vệ cho quyền lợi của mình. Lãi suất cao hơn thì luôn có rủi ro cao hơn, điều này cần phải quán triệt ngay từ đầu. Với các bạn sale thì thường tránh nhắc đến việc này.
Cần làm nhất vẫn là có cơ quan xếp hạng tín nhiệm
Theo anh thì các cơ quan quản lý liên quan có nên nhanh chóng bổ sung hay đưa ra quy định đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng – là doanh nghiệp bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm không?
Thực ra đã có công ty có giấy phép xếp hạng doanh nghiệp rồi nhưng chưa thấy có hiệu quả hoặc bản thân công ty xếp hạng tín nhiệm cũng chưa giành được đủ tín nhiệm từ thị trường. Xếp hạng tín nhiệm còn cả vấn đề cung cầu. Người đầu tư thì rất muốn có xếp hạng tín nhiệm để định hướng nhưng bản thân doanh nghiệp lại không thuê đơn vị đó để xếp hạng vì tốn chi phí.
Trường hợp như Moody's hoặc S&P là tổ chức quốc tế nhưng chưa vào Việt Nam, một phần vì giá đắt, chỉ trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành quốc tế hoặc có những quan hệ giao dịch quốc tế bắt buộc thì mới cần đến những đơn vị này còn phát hành tại Việt Nam thì không.
Nhìn các nước xung quanh đã có những cái tên khá nội địa cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tôi rất mong ở Việt Nam cũng sớm có những cái tên địa phương như vậy
Vậy theo anh, cần có những cơ chế, chính sách như thế nào tạo "hấp lực" để người dân mong muốn tham gia nhưng vẫn đảm bảo an toàn?
Cái mà cần làm nhất vẫn là có cơ quan xếp hạng tín nhiệm, có điều này sẽ xử lý được rất nhiều thứ liên quan đến chất lượng.
Thứ nữa là đến thị trường thứ cấp. Tôi đề xuất tạo ra khung để có một thị trường trái phiếu thứ cấp. Việt Nam đang không có thị trường trái phiếu thứ cấp nên nhà đầu tư mua bán trái phiếu rất khó. Hiện chỉ có các công ty chứng khoán giúp tạo thanh khoản cho các trái phiếu mà mình bán.
Ví dụ có 1.000 tỷ trái phiếu, công ty chứng khoán sẽ vào mua trọn lô hoặc chỉ mua 500 tỷ, 500 tỷ còn lại phát hành sơ cấp. Các nhà đầu tư khi có nhu cầu, lúc muốn bán thì công ty chứng khoán sẽ mua lại, hoặc nếu có người muốn mua thì công ty chứng khoán lại bán, sẽ có khoảng 15-20% lượng trái phiếu phát hành là công ty chứng khoán nắm giữ để tạo thanh khoản. Giá mua bán sẽ phụ thuộc vào lãi suất thị trường, đây vừa là cơ hội vừa là rủi ro của công ty chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận