24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lê
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Góc nhìn: Điều chỉnh giới hạn sở hữu ngân hàng có trị được ‘bệnh thao túng’?

Việc “đứng tên hộ” là nhu cầu không những có thật mà còn là nhu cầu lớn của các chủ doanh nghiệp

Sau sự kiện bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” cả triệu tỷ đồng thông qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vấn đề chống thao túng ngân hàng “nóng” lên trên diễn đàn Quốc hội…

Băn khoăn việc giảm giới hạn sở hữu ngân hàng

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một trong hai dự thảo luật quan trọng đã được dời lịch thông qua sang kỳ họp tiếp theo, đó là dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sau sự kiện bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” cả triệu tỷ đồng thông qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vấn đề chống thao túng ngân hàng “nóng” lên trên diễn đàn Quốc hội. Dự thảo Luật có đưa ra 2 điều chỉnh lớn nhằm giảm thiểu mức độ thao túng ngân hàng, bao gồm: Giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một/một nhóm khách hàng có liên quan; và giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng (hiện đang ở mức 15%) và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan (hiện đang ở mức 25%) trong 5 năm.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng (hiện đang ở mức 15%). Đồng thời, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng (hiện đang ở mức 20%). Một điểm cũng cần lưu ý là các điều chỉnh trên không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình với việc giảm giới hạn cấp tín dụng. Theo đại biểu, thời gian qua, trong các tổ chức tín dụng có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng, hoặc cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp “sân sau” hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp “sân sau”. Do vậy, đại biểu nhất trí cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng hay nhóm khách hàng lớn theo lộ trình cụ thể và giao Chính phủ cụ thể hóa lộ trình này.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng vấn đề quan trọng, cốt lõi hiện nay là các ngân hàng phải giám sát, quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp “ông chủ” ngân hàng là doanh nghiệp lớn. Nhấn mạnh “trong dư luận xã hội có suy nghĩ người dân và doanh nghiệp vay rất khó khăn nhưng cổ đông và các “ông chủ” ngân hàng vay lại rất dễ”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, các ngân hàng phải quan tâm và có các biện pháp để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng tập trung cho vay với một nhóm khách hàng.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, thực tế vụ việc của SCB đang tạo nên những rủi ro rất lớn cho hệ thống là sở hữu chéo, chi phối và thao túng tổ chức tín dụng cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, sở hữu chéo, chi phối và thao túng trong là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này, chúng ta lại dùng các công cụ như Luật đang thiết kế (giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ) sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là nào chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do vậy, dự thảo Luật cần xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.

Để làm được việc này, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, dự thảo Luật phải quy định cụ thể 2 vấn đề. Một là, minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể.

Hai là, kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân. Đại biểu cũng đề nghị, cần cân nhắc giữ quy định như hiện hành về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Điều 63 và giới hạn cấp tín dụng ở Điều 136 bởi việc xác định lộ trình như đề xuất của Chính phủ chưa thuyết phục và cần được đánh giá thêm.

Giải trình vấn đề được các đại biểu đưa ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nếu chỉ có quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và giới hạn cấp tín dụng thì sẽ không thể xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng. Các quy định này được đưa ra tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chủ yếu nhằm tạo căn cứ để xử lý các cá nhân, tổ chức, ngân hàng thương mại vi phạm. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng và các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng đứng tên sở hữu hộ cổ phần được đại biểu Quốc hội đưa ra.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là củng cố bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng. Chính bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ là người giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành ở mỗi tổ chức tín dụng.

Nhìn rộng hơn

Việc “đứng tên hộ” không phải là điều gì xạ lạ trên thế giới, nhất là khi thị trường tài chính Việt Nam xếp vào hàng “sinh sau đẻ muộn”, thường được gọi là “nominee investor”. Định nghĩa của “nominee investor” khá rộng, bao gồm cả tích cực và tiêu cực, nhưng có bao hàm việc các cổ đông “cầm hộ” cổ phần của chủ doanh nghiệp. Ở khía cạnh tiêu cực, việc “cầm hộ” này có thể gây ra các vấn nạn như rửa tiền, thao túng giá cổ phiếu, mua bán cổ phiếu theo thông tin nội bộ mà không phải công khai (giao dịch nội gián), trốn thuế…

Nhìn chung, mục đích chính của việc “đứng tên hộ” là ẩn danh chủ sở hữu thực sự khỏi nghĩa vụ công bố thông tin và đảm bảo tính riêng tư. Người “đứng tên hộ” có thể là bất kỳ cá nhân nào, nhưng thường là thành viên gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia như kế toán hoặc luật sư. Giữa chủ sở hữu thực sự và người “đứng tên hộ” có thể có hoặc không có thỏa thuận riêng và nếu có thì thoả thuận này thường được giữ bảo mật, trừ khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cung cấp. Tài liệu này cung cấp manh mối để truy tìm danh tính của chủ sở hữu thực sự, đồng thời giúp người “đứng tên hộ” giảm/tránh trách nhiệm nếu vi phạm quy định pháp luật.

Trên thực tế, việc “đứng tên hộ” là nhu cầu không những có thật mà còn là nhu cầu lớn của các chủ doanh nghiệp. Không chỉ thông qua các vụ án có yếu tố “đứng tên hộ” như Trương Mỹ Lan, Trịnh Văn Quyết… mà nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là tại các doanh nghiệp niêm yết, được cho là vẫn thường xuyên sử dụng các hình thức “đứng tên hộ”. Khi thoát khỏi nghĩa vụ công bố thông tin, chủ doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn vào hoạt động mua - bán trên thị trường chứng khoán, qua đó tạo thanh khoản và dẫn dắt thị trường; nhưng ở chiều ngược lại, điều này lại vi phạm các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin và tiềm ẩn nguy cơ thiếu công bằng trong “cuộc chơi chung” trên thị trường chứng khoán.

Mặt khác, việc “đứng tên hộ” cũng giúp các nhà đầu tư giấu danh tính trong các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp hoặc chủ động chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp một cách “êm xuôi”, ít ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư khác. Đây là một nhu cầu chính đáng, nếu không bị lạm dụng (chẳng hạn như chủ doanh nghiệp tháo chạy trước khi doanh nghiệp sụp đổ).

Ngoài ra, việc “đứng tên hộ” cũng xảy ra ở các nhà đầu tư lớn không phải chủ doanh nghiệp mà họ mua cổ phần, đơn giản vì họ muốn giữ sự riêng tư trong hoạt động đầu tư thuần tuý của mình.

Góc nhìn: Điều chỉnh giới hạn sở hữu ngân hàng có trị được ‘bệnh thao túng’?

Chính vì mục đích của việc “đứng tên hộ” rất rộng, bao gồm cả nhu cầu chính đáng và bất chính, nên đa số các quốc gia hiện nay không cấm hoạt động này, bởi lệnh cấm chung có thể gây rối loạn thị trường nghiêm trọng. Cũng chính vì thế mà theo đánh giá của một đơn vị nghiên cứu độc lập, đây là “một điểm yếu dai dẳng và liên tục trong vấn đề minh bạch”, dù rằng các quốc gia đa phần đều có các luật riêng về phòng chống rửa tiền và tội phạm kinh tế.

Mấu chốt để hạn chế việc sử dụng các tài khoản “đứng tên hộ” để hoạt động tội phạm như thao túng, rửa tiền, trốn thuế… quan trọng nhất vẫn là xác định chủ sở hữu cuối cùng của doanh nghiệp.

Trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, việc nhận dạng nhà đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn và hiệu quả của thị trường cũng như bảo vệ nhà đầu tư. Chừng nào chủ sở hữu cuối cùng (hay rộng hơn là người hưởng lợi cuối cùng) không được làm rõ thì các yêu cầu trên không được đáp ứng. Do đó, việc nhận dạng nhà đầu tư cần được các cơ quan quản lý nhà nước chú ý và thực hiện quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong việc xây dựng hệ thống thông tin có khả năng tập hợp được các manh mối về chủ sở hữu cuối cùng (hay người hưởng lợi cuối cùng) để giám sát kỹ khi cần. Điều này đòi hỏi sự chuẩn hoá trong dữ liệu (do đó cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành, chẳng hạn như Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công an) và ứng dụng công nghệ vào việc phát hiện manh mối về chủ sở hữu cuối cùng, bên cạnh việc điều tra “thủ công” khi cần.

Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền pháp luật cũng cần được đẩy mạnh, bởi qua các vụ án liên quan Trịnh Văn Quyết, Trương Mỹ Lan…, rất nhiều người “đứng tên hộ” không thực sự nắm rõ về khả năng tiếp tay cho hoạt động phạm tội. Nếu những người này hiểu rõ hơn về lợi/hại trong việc “đứng tên hộ”, có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn không “đứng tên hộ”.

Trở lại với băn khoăn về việc giảm giới hạn sở hữu ngân hàng, nếu không giải quyết được vấn đề “đứng tên hộ” thì việc giảm giới hạn sở hữu ngân hàng cũng không có nhiều ý nghĩa, có thể buộc giới chủ ngân hàng thay vì “đứng ra ngoài sáng” thì lại “đứng vào trong tối” nhiều hơn. Cùng với đó, ngân hàng cũng gặp khó khăn hơn trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư lớn trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả