Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Biến số dòng tiền
Diễn biến chớp nhoáng của các nhóm cổ phiếu luân phiên đang cho thấy vòng xoay liên tục của dòng tiền. Do đó, việc tìm nhóm cổ phiếu sắp nhận được sự quan tâm của dòng tiền là không hề dễ dàng, thậm chí mang nhiều tính may rủi.
Với tâm lý dè chừng của nhà đầu tư, dòng tiền chưa hào hứng bắt đáy khiến thị trường tiếp tục có một tuần điều chỉnh, đẩy VN-Index lùi sâu hơn về gần mốc 1.020 điểm. Xu hướng dowtrend của thị trường liệu còn tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Thị trường khả năng trở nên xấu hơn nếu mất ngưỡng 1.020 điểm. Trước đó, thị trường đã có nhiều phiên thử thách mốc này và vẫn giữ được, tuy nhiên hiện tại dòng tiền khá yếu, do đó dòng tiền cần phải cải thiện thì xu hướng mới có thể tích cực trở lại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường trong tuần vừa qua sau khi điều chỉnh về gần mốc 1.000 đã duy trì trạng thái tích lũy và đi ngang trong biên độ hẹp. Động lực thị trường hiện khá yếu khi thanh khoản ở mức rất thấp khiến thị trường rất khó bức phá khỏi vùng giá hiện tại vì thiếu sự dẫn dắt của dòng tiền mạnh.
Những thông tin bất lợi từ hoạt động trái phiếu các doanh nghiệp trong nước cho đến diễn biến khó lường của chính trị quốc tế đã làm thị trường rơi vào trạng thái gần như gọi là ngủ đông.
Thị trường trong tuần sau có lẽ vẫn chưa có nhiều diễn biến mới và có thể duy trì trong vùng 1.010 – 1.040 và chờ các tin tức mới. Có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ chuyển hướng vào một số dòng cổ phiếu mục tiêu từ đó thúc đẩy thanh khoản gia tăng.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Vẫn còn may mắn là dù giảm mạnh phiên thứ 2 đầu tuần nhưng thị trường chưa chuyển biến sang diễn biến tiêu cực nhanh và mạnh. Dù vậy xu thế giảm dần (tốc độ chậm hoặc xen kẽ nhịp hồi phục) vẫn đang chiếm ưu thế chính. Tuần tới vẫn vậy, bởi tôi chưa nhận thấy tín hiệu nào có thể cải thiện kênh xu thế theo hướng tích cực hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Tôi cho rằng thị trường sẽ sớm chịu thử thách tại mốc 1.000 điểm. Điều này là bởi thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố không mấy tích cực đặc biệt là 2 yếu tố, đó là nhiều doanh nghiệp xin gia hạn thanh toán trái phiếu và kết quả kinh doanh quý I được dự báo kém khả quan. Ngoài ra, những yếu tố khác như các chỉ số vĩ mô 2 tháng đầu năm không mấy khả thi và khối ngoại bán ròng.
Khi thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp như trên thì khả năng bị thủng mốc 1.000 điểm có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Tuần qua, tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn có phiên chỉ đạt 7.000 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh khoản cạn kiệt trên thị trường?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Giai đoạn trước Tết thị trường khá hào hứng nên sau Tết việc chốt lời trở nên mạnh hơn, bên cạnh TTCK thế giới và số liệu kinh tế cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại toàn cầu khiến giới đầu tư thất vọng do lo sợ kỷ nguyên "tiền đắt" tiếp tục kéo dài. Điều này đã ảnh hưởng đến thanh khoản và từ đó gây tiêu cực cho thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Tình trạng thanh khoản suy giảm của thị trường đã kéo dài từ đầu năm mà nguyên nhân đầu tiên đến từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư: Việc thị trường thiếu chắc chắn và nhiều tin xấu khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch dẫn đến sự cạn kiệt về thanh khoản.
Ngoài ra những mối lo ngại mới đến từ tình hình chính trị thế giới và cả những kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế toàn cầu lẫn nội địa cũng khiến nhà đầu tư thiếu niềm tin vào hoạt động chứng khoán có thể tăng trưởng. Có thể mất một thời gian khi thị trường đón nhận những tin tức tích cực hơn từ tình hình kinh tế chung và hoạt động doanh nghiệp có sự cải thiện đáng kể.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Rất đơn giản và rõ ràng, đó là hiệu quả lướt sóng ngắn hạn thời gian qua là rất thấp, nếu không muốn nói là mức độ rủi ro cao hơn nhiều lợi nhuận có thể kỳ vọng. Ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động đang hạ nhiệt cũng chưa thể lôi kéo dòng tiền quay trở lại thị trường, có lẽ cần thêm thời gian để việc này được kiểm chứng và có sự thẩm thấu.
Ông Dương Hoàng Linh
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Như tôi phân tích ở trên là tâm lý nhà đầu tư không ổn, họ đang nhìn thấy những vấn đề. Vĩ mô chưa có nhiều sáng sủa, mặc dù chỉ số PMI Tháng 2 tăng lên 51,2 điểm và xuất siêu 2 tháng đầu năm 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp IPP giảm 6,3%, xuất khẩu giảm 10,4%, nhập khẩu giảm mạnh 16% và lạm phát tăng lên 4,6%.
Những dữ liệu này sẽ khiến tình hình vĩ mô những tháng tới gặp nhiều khó khăn hơn. Thế giới và trong nước đều đang gặp khó khăn chắc chắn sẽ khiến kết quả kinh doanh quý I kém khả quan, nhưng điều quan trọng với nhà đầu tư là lo ngại về rủi ro trái phiếu đáo hạn cũng như lãi suất tiền gửi vẫn ở mức cao.
Ông/bà nghĩ sao về quan điểm cho rằng, thanh khoản trồi sụt mạnh trên thị trường chứng khoán đang là chỉ báo đáy siêu lớn của chu kỳ lớn đã và đang được thiết lập?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Đáy lớn thường được thiết lập khi thị trường đi vào tích lũy và dòng tiền được cải thiện dần, hơn là việc trồi sụt mạnh cho thấy xu hướng chưa ổn định thì xác suất đáy lớn là thấp.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Quan điểm cho rằng tình trạng thanh khoản trồi sụt mạnh trên thị trường chứng khoán là chỉ bảo đáy siêu lớn của chu kỳ lớn đã và đang được thiết lập chỉ đúng ở một vài khía cạnh.
Tình trạng thanh khoản thấp có thể cho thấy rằng các nhà đầu tư đang có tâm lý lo ngại và chưa có niềm tin vững vàng trong thị trường chứng khoán, điều này dẫn đến việc sụt giảm các chỉ số chứng khoán và giảm sự thu hút đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tình trạng thanh khoản thấp không phải lúc nào cũng là chỉ báo của đáy siêu lớn của chu kỳ lớn, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác tác động như tình hình kinh tế toàn cầu, kinh tế nội địa, chính sách vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư…
Đặc điểm của thị trường là có sự phản ứng rất nhanh và đi trước thông tin vĩ mô vì vậy thị trường chứng khoán gần như đi song hành cùng với diễn biến kinh tế chung thế giới.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Việc thanh khoản trồi sụt như thời gian gần đây (nhưng vẫn duy trì ở mặt bằng rất thấp) chỉ cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường hiện tại là không bền vững, nó không liên quan nhiều đến việc báo hiệu thị trường tạo đáy.
Mặc dù mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đã ở mức hấp dẫn cho tầm nhìn dài hạn, tuy nhiên trước bối cảnh kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức cũng như việc dòng tiền ngày càng bị thắt chặt tại các kênh đầu cơ như hiện nay thì không nên quá kỳ vọng vào việc thị trường sớm tạo đáy.
Tôi lo ngại tình trạng hiện tại sẽ còn kéo dài khá lâu, bởi trước đó thị trường đã có sóng rất lớn và kéo dài rất lâu, lại lan rộng ra rất nhiều thành phần trong nền kinh tế, xã hội, nên sẽ cần nhiều thời gian hơn để “tiêu hóa” giai đoạn trước đó.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Nếu nhìn vào thanh khoản này để khẳng định đáy cho một chu kỳ lớn tôi không dám đoán. Tôi cho rằng nó còn có thể thấp nữa nếu những vấn đề đang hiện hữu không giải quyết tốt. Tuy nhiên tôi tin rằng, cơ hội sẽ xuất hiện và chúng ta nắm lấy cơ hội đó như thế nào là thuộc về phân tích và tính toán của từng nhà đầu tư.
Trong bối cảnh như hiện nay chắc chắn có doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh, ngược lại sẽ có những doanh nghiệp chậm lại cả thập kỷ bởi những sai lầm.
Quan sát gần đây, dòng tiền gần như chỉ lưu trú ở các nhóm cổ phiếu chỉ trong một hoặc hơn một phiên rồi lại tìm nhóm cổ phiếu khác nên việc giao dịch sẽ đỡ rủi ro hơn với những cố phiếu có sẵn trong danh mục. Sau nhóm đầu tư công, sản xuất điện, dầu khí, vật liệu xây dựng…, đâu là nhóm cổ phiếu sẽ nhận được quan tâm của dòng tiền, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Ông Phan Dũng Khánh
Việc thị trường biến động mạnh thì các cổ phiếu đầu cơ, thị giá nhỏ và vừa phải sẽ được dòng tiền chú ý nhiều hơn do khả năng xoay vòng cao với độ linh hoạt lớn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Một số dòng cổ phiếu đang hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công hiện tại được chú ý hơn so với các nhóm ngành khác và câu chuyện đầu tư theo các nhóm ngành mũi nhọn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới ít nhất là trong giai đoạn thị trường đang thiếu động lực và suy yếu như hiện tại.
Một số cổ phiếu thuộc các ngành thép, vật liệu xây dựng, đầu tư hạ tầng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới, nhưng một số ngành khác vẫn sẽ có những đợt sóng ngắn xen kẽ như chứng khoán, ngân hàng, dệt may, dầu khí.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Các nhịp hồi phục gần đây vẫn thường xuyên và xen kẽ diễn ra, nhưng đều rất ngắn và thiếu độ tin cậy. Các nhóm ngành cũng thường có diễn biến tích cực chớp nhoáng như vậy bởi sự xoay vòng liên tục của dòng tiền khi áp lực chốt lời thường diễn ra rất nhanh chóng.
Việc tìm nhóm cổ phiếu sắp nhận được sự quan tâm của dòng tiền là không hề dễ dàng, thậm chí mang nhiều tính may rủi. Nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược lướt sóng dựa trên danh mục có sẵn, hoặc lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành với điểm mua vào ở những nhịp điều chỉnh giảm 2-3 phiên để chờ đợi sẵn sự phục hồi có thể (may rủi) diễn ra sau đó.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Tôi vốn không giỏi đoán trong việc như thế này, đặc biệt khi nó vận hành liên tục như vậy. Nhìn xung quanh tôi thấy có nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt nên chưa nhìn thấy rõ cơ hội từ ngành nào. Vì thế, việc vận hành dòng tiền kiểu này khiến chi phí giao dịch gia tăng và có khi nhà đầu tư lại mắc kẹt bởi việc trading quá nhiều và margin đẩy lên.
Cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) đã ghi nhận giảm sàn ngay sau thông tin khi bị thanh tra về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Không chỉ DIG, trên thị trường xuất hiện rất nhiều tin đồn xung quanh câu chuyện thanh tra các doanh nghiệp bất động sản trên sàn. Ông/bà đánh giá như thế nào về những thông tin dạng như trên đối với doanh nghiệp ở giai đoạn hiện tại, và điều này tác động đến cổ phiếu của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Hiện tại, những thông tin liên quan đến hoạt động thanh kiểm tra hoạt động doanh nghiệp đều rất nhạy cảm nhất là những sự kiện đã xảy ra liên tục trong năm qua ở họ Louis, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…
Việc cổ phiếu phản ứng bất ngờ với nhiều phiên giảm sàn hay thậm chí tăng trần đều phản ánh tâm lý nhà đầu tư theo từng dòng sự kiện diễn ra. Một số thông tin thật sự chỉ là hoạt động thanh kiểm tra bình thường trong ngành nhưng cũng có những tin liên quan pháp luật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh về dài hạn của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần nắm bắt và hiểu rõ thông tin trước khi ra quyết định về doanh nghiệp loại này.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Tất nhiên, trong bối cảnh không tích cực như hiện tại của thị trường thì phản ứng tiêu cực tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp khi xuất hiện những thông tin nhạy cảm là rất dễ xảy ra.
Tôi cho rằng, đất nước vẫn đang trong thời kỳ xử lý các sai phạm trên diện rộng để hướng tới một nền kinh tế - xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai, do vậy sẽ còn nhiều thông tin nhạy cảm có thể xuất hiện. Nhà đầu tư ngắn hạn cần lưu ý điều này!
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Với môi trường như hiện nay, bất cứ thông tin nào có tính chất bất lợi diễn ra đều tác động đến tâm lý nhà đầu tư và giá cổ phiếu sẽ bị áp lực bán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý sự phân hóa sẽ diễn ra ở giai đoạn này, có nghĩa là tùy ngành, tùy vào cổ phiếu mà giá nó sẽ giảm hay đi ngang. Điểm mà nhà đầu tư nên quan tâm là những cổ phiếu đi ngang, tức là chịu trận một cách tốt nhất cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận