24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Đức Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ tìm đến những nhóm "bị quên lãng"?

Đang sóng đầu cơ nên dòng penny sẽ tiếp tục tăng...

Dòng tiền đã có sự luân chuyển khá mạnh qua các nhóm ngành, kể cả nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng hay VN30 và liệu có tìm đến những nhóm "bị quên lãng" nhiều hơn như dệt may, dịch vụ, cảng biển?

Dù một số phiên thị trường đối diện với áp lực chốt lãi, nhưng chốt phiên cuối tuần qua, chỉ số VN-Index vẫn giữ vững mốc 1.100 điểm. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến giao dịch trong tuần tới?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

TTCK có lẽ vẫn giao dịch sôi động với nhiều cơ hội ở nhiều cổ phiếu lớn kể cả các cổ phiếu vốn hóa trung bình trong tuần giao dịch tới. Diễn biến tích lũy và tăng điểm hướng lên khu vực 1.120 – 1.150 điểm vẫn là xu hướng chủ đạo.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Một phiên giảm điểm bất ngờ ngày 8/6 từ trạng thái hưng phấn cao của thị trường, với lực bán áp đảo thể hiện ở chỉ số đóng cửa quanh mốc thấp nhất phiên, kết hợp với khối lượng giao dịch vượt trội và cao hơn trung bình 30%, đã từng là khởi đầu của 3 sóng điều chỉnh trong năm 2023 (phiên 12/06, phiên 01/02, phiên 06/04).

Trạng thái bán ra quyết liệt của dòng tiền lớn đôi khi kích hoạt tâm lý muốn bắt đáy, tuy nhiên nhà đầu tư cần cảnh giác với những hành động mua gom quá vội vàng. Một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (dưới 1 tháng) là biến động cần thiết cho sự lành mạnh của đà tăng trung hạn.

Chỉ số VN-INDEX đang dần tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.120-1.140 điểm. Đây là vùng đỉnh của chỉ số này từ đầu năm 2023, do vậy nhiều ý kiến cho rằng không dễ để chỉ số VN-INDEX có thể vượt qua được vùng kháng cự này. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ tìm đến những nhóm "bị quên lãng"?
Ông Lê Đức Khánh

Tất nhiên đây là vùng kháng cự mạnh - chúng ta nên nhớ là VN-Index đã bắt đầu vượt qua tín hiệu MA200 nên 1 xu hướng tăng kéo dài tất nên có những vùng cản mạnh như 1.120 – 1.240 - 1.250 và hơn sẽ khiến nhà đầu tư có xu hướng chốt lời cổ phiếu, những pha điều chỉnh tích lũy cũng sẽ diễn ra. Tại các vùng kháng cự mạnh diễn biến tích lũy có thể kéo dài hơn ở so với các mốc cản yếu như mốc 1.100 điểm chẳng hạn.

Dòng tiền tuần qua lan tỏa đều trên thị trường khi không còn bỏ quên nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng hay VN30, nhưng vẫn duy trì tích cực tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Có thể thấy dòng tiền đã “điểm mặt” hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường. Chuyển động dòng tiền ở thời điểm hiện tại có gì đáng quan tâm, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Nhiệm vụ "đỡ chỉ số" của nhóm cổ phiếu ngân hàng lại đóng vai trò quan trọng ở phiên giao dịch cuối tuần. Dòng tiền chuyển dịch sang cả những cổ phiếu cơ bản như nhóm dược phẩm vốn là nhóm ít được ưa chuộng. Có lẽ dòng tiền sẽ chuyển dịch sang có những nhóm cổ phiếu "bị quên lãng" nhiều hơn kể cả nhóm dệt may, dịch vụ, cảng biển giai đoạn vừa qua. Nhà đầu tư phần nào yên tâm hơn về xu hướng, diễn biến thị trường hiện tại.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Giá trị giao dịch trên thị trường Việt Nam đã nóng lên từng phiên và đang duy trì mặt bằng cao trong bối cảnh dòng tiền bên ngoài thị trường không dồi dào, nguyên nhân lớn đến từ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục và cung tiền M2 thấp, trong khi thị trường mới bắt đầu đáo hạn các khoản tiền gửi có mức lãi suất cao và còn nhiều rào cản tâm lý để nhà đầu tư rót thêm tiền vào thị trường chứng khoán.

Theo chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất tiền gửi cần duy trì mức thấp trong vòng 3-6 tháng trước khi dòng tiền đổ về các kênh đầu tư rủi ro cao hơn. Do đó, đà tăng thanh khoản nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đến một phần không nhỏ từ dòng tiền cho vay margin. Cuối cùng, VN-Index chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang, khiến các nhịp gia tăng thanh khoản đem lại mức rủi ro “phân phối đỉnh”.

Xu hướng dòng tiền mạnh đang mở ra cơ hội ở một số ngành cổ phiếu như ngân hàng, với một số cổ phiếu Ngân hàng thương mại vốn hóa trung bình vượt qua mức đỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên độ nóng của thị trường cũng giới hạn cơ hội ở nhiều nhóm ngành khác, bởi dòng tiền đã xoay vòng trên toàn bộ thị trường (thể hiện tại tỷ lệ trên 80% giá cổ phiếu toàn thị trường nằm trên đường trung bình động 20 ngày và đường trung bình 50 ngày).

Nhìn chung trong thị trường side way, nhà đầu tư nên cảnh giác với giai đoạn tâm lý hưng phấn đi kèm thanh khoản quá cao so với mức trung bình.

Cùng với ngân hàng, chứng khoán, cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn tạo sức hút với dòng tiền, đặc biệt là nhóm đã giảm sâu từ vùng đỉnh như DIG, PDR… Ông/bà đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu này?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Có lẽ chọn lựa các cổ phiếu đặc thù trong nhóm bất động sản vẫn sẽ phù hợp hơn là nói đến số lượng lớn các cổ phiếu trong ngành. Cổ phiếu nào dễ ước tính giá trị, xác định tài sản sẽ tin cậy hơn là chỉ luôn nhìn vào kết quả kinh doanh hay các câu chuyện tăng vốn, phát hành riêng lẻ... Cổ phiếu nào thị giá thấp hơn giá trị sổ sách và có thể kiểm tra thêm một số bài thuốc thử về chất lượng cổ phiếu thì vẫn có thể là cơ hội tốt cho dù tình trạng doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ tìm đến những nhóm "bị quên lãng"?
Ông Trương Thái Đạt

Nhóm chứng khoán tiếp tục nóng cùng đà tăng của chỉ số VN-Index và thanh khoản thị trường, tuy nhiên đây là có tính chất dẫn dắt về mặt tâm lý nhưng không ảnh hưởng quá trực tiếp đến biến động của chỉ số. Cuối cùng hàng loạt cổ phiếu của nhóm ngành này đã rơi vào tình trạng quá mua từ lâu.

Ngân hàng mới đón nhận dòng tiền trở lại và có tiềm năng lớn nhất để dẫn dắt thị trường. Như đã đề cập, dòng tiền nóng đang mở ra dư địa tăng mới ở một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa trung bình. Tuy nhiên, cần chú ý quá trình vận động của ngành trong năm 2023 là rất phân hóa, và cơ hội giao dịch không còn nằm ở tất cả các cổ phiếu ngành ngân hàng.

Cuối cùng, các cổ phiếu bất động sản đã trải qua quá trình hồi phục mạnh, và có phần vượt quá kỳ vọng hồi phục của ngành bất động sản trong năm 2023. Dòng tiền đầu cơ cũng đang có chiều hướng suy yếu tại nhóm bất động sản trong 10 phiên gần nhất (ngoại trừ PDR và NVL), do đó đây không còn là đối tượng đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Khác với những đợt sóng trước, dòng tiền vừa qua bắt đầu bùng nổ từ nhóm cổ phiếu nhỏ, sau đó chuyển nhanh sang nhóm vốn hóa trung bình, rồi mới đến các cổ phiếu vốn hóa lớn. Và theo logic, khi sóng của các mã vốn hóa lớn kết thúc thì thị trường sẽ bước vào pha điều chỉnh. Vậy nhà đầu tư cần lưu ý gì ở giai đoạn hiện nay?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Có thể thị trường sẽ tiếp tục lại phân hóa, có nhóm tăng, nhóm giảm, khiến chỉ số lại vận động tích lũy ngắn, nhưng một khi thị trường đã bước vào pha hồi phục tăng điểm thì việc tích lũy đi ngang ở các vùng cản "nhẹ" sẽ khiến thị trường chao đảo tăng giảm đan xen một số phiên trước khi khả năng tăng điểm tiếp có thể diễn ra. Có lẽ vẫn là câu chuyện chú ý đến các cổ phiếu riêng lẻ hơn là quan tâm đến diễn biến thị trường chung hiện nay.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Thị trường đã có nhiều chỉ báo cho thấy trạng thái hưng phấn cao: Đa số các cổ phiếu trên thị trường đều đã có sóng tăng, do đó không còn nhiều dư địa cho dòng tiền lan tỏa theo chiều rộng. Số lượng cổ phiếu nằm trên đường trung bình 20 phiên (xu hướng tăng ngắn hạn) và nằm trên đường trung bình 50 ngày (xu hướng tăng trung hạn) đã đạt mức trên 80%, cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Vận động kỹ thuật cũng cho thấy đà hưng phấn. Từ các chỉ báo đơn giản như RSI vượt 70 điểm từ phiên ngày 05/06, tới các diễn biến mở gap liên tiếp của VN-Index, và thanh khoản tăng nóng trong bối cảnh chỉ số chưa vượt qua khu vực cản 1.120 điểm. Chúng tôi duy trì quan điểm một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (dưới 1 tháng) là biến động cần thiết cho sự lành mạnh của đà tăng trung hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả