Góc nhìn chứng khoán: VN-Index sẽ đột phá bằng trụ?
VCB, GAS – hai cổ phiếu vốn hóa rất lớn của VN-Index càng về cuối phiên hôm nay càng tăng khỏe. Đây rất có thể sẽ là động lực chính đưa chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự 884 điểm.
Cổ phiếu tăng giá khá đều trong phiên hôm nay thể hiện sự lan tỏa. Tuy vậy nếu nói tới chỉ số thì phải nói tới vai trò của các mã vốn hóa lớn. Cơ hội đột phá có khả năng xuất hiện trong phiên kế tiếp. Điều còn lại chỉ là nhà đầu tư sẽ hưởng ứng kết quả như thế nào vì chủ yếu sẽ là tăng nhờ đẩy trụ.
Hôm nay VCB đã trở lại dẫn dắt VN-Index và dẫn dắt cả nhóm ngân hàng nói chung. Tăng 1,5% không phải là đột biến nhưng VCB lại có lợi thế vốn hóa. Cổ phiếu này vẫn là mã lớn thứ hai thị trường sau VIC.
VCB đang có xu thế tăng không cưỡng lại được. Kể từ đầu tháng 5 tới giờ VCB hầu như toàn tăng với duy nhất 1 phiên điều chỉnh giảm không đáng kể 0,2% ngày 22/5. Nhóm ngân hàng cũng có HDB tăng rất mạnh nhưng chỉ là trong 4 phiên gần đây. Ngược lại VCB tăng bền bỉ bất chấp thanh khoản đang ngày càng giảm.
Khối lượng giao dịch của VCB đang ngược chiều so với diễn biến giá, thậm chí hôm nay còn là mức thanh khoản kém nhất trong vòng 3 tháng và chỉ bằng một phần ba mức giao dịch bình quân trong tháng 5. Thế nhưng giá VCB lại đang ở đỉnh cao nhất kể từ đầu tháng 2/2020. Mức tăng giá chung cuộc tính từ đầu tháng 5 là 30%, tương đương trên 76.000 tỷ đồng vốn hóa tăng thêm. VN-Index tăng trong thời gian này gần 119 điểm thì VCB chiếm xấp xỉ 22 điểm.
VN-Index chỉ cần tăng thêm 3-4 điểm nữa là có thể xuất hiện phiên đột phá qua ngưỡng kháng cự kỹ thuật 800-884 điểm. Điều đó nghĩa là VCB chỉ cần tăng khoảng 3%. Nếu trong một ngày thì đây là mức tăng rất mạnh của VCB. Thế nhưng cũng không nên bỏ qua nhiều trụ lớn khác, dù giá hiện đang lình xình không rõ ràng, nhưng vẫn có thể tăng đúng lúc để tác động lên chỉ số.
Phiên hôm nay VN-Index thậm chí có thể tăng vượt ngưỡng kháng cự luôn nếu như không bị SAB giảm 1,64% cản lại. SAB vốn hóa không thua kém GAS bao nhiêu. Cặp đôi quan trọng khác là VIC và VHM phiên này dừng lại, giảm trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng lại xanh về cuối. VIC đã tăng 0,1% còn VHM tăng 0,13%. Hai cổ phiếu này chỉ cần tăng trên 1% và phối hợp với VCB cũng đủ đẩy VN-Index.
Do đặc điểm của VN-Index là tính trên cơ sở vốn hóa mà các cổ phiếu lớn lại quá lớn so với phần còn lại, nên ngưỡng kỹ thuật ở chỉ số này thường kém hiệu quả. Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã diễn ra nhiều lần thể hiện hạn chế này. Tuy nhiên đó lại là lợi thế ở những thời điểm cần thiết để giúp tạo đột biến cho thị trường.
Thanh khoản đã sụt giảm khá nhiều, một phần do nhà đầu tư chưa quay lại mua ở thời điểm vẫn còn phải chờ thị trường phát tín hiệu vượt kháng cự. Hôm qua đã có lượng cổ phiếu rất lớn được bán ra chốt lời thu về tiền mặt. Hôm nay thị trường vẫn chưa có diễn biến nào rõ ràng dù nhiều mã tăng giá. Các mã tăng chủ yếu vẫn là dao động loanh quanh, số ít có xu thế rõ ràng như VCB, HDB hay GAS. Nhà đầu tư có lý do để chờ đợi tín hiệu mạnh hơn mới quay lại giao dịch.
Với mức giao dịch kỷ lục được thiết lập ngày hôm qua, các nhà đầu tư đã chốt lời cần một lý do thuyết phục hơn để quay lại nắm giữ cổ phiếu. Trong suốt quá trình tăng từ cuối tháng 3 đến nay, nhiều lần nhà đầu tư bán non đã phải quay lại mua. Tuy nhiên trong 2 tuần qua tình hình có đổi khác khi hầu như chỉ có chỉ số và số ít mã vốn hóa lớn là luân phiên tăng, trong khi phần lớn cổ phiếu khác lình xình. Dư địa tăng của sóng hiện tại vẫn là một ẩn số khi nhìn vào VN-Index, nhưng dư địa tăng của cổ phiếu mới là điều đem lại lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận