24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khả Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gỡ vướng giải ngân dự án vốn vay nước ngoài

 Qua nửa đầu năm 2021, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt rất thấp, có thể gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Nhiều giải pháp được Chính phủ thúc đẩy triển khai, trong đó vừa khẩn trương sửa quy định pháp lý, vừa gỡ vướng trong tổ chức thực thi.

Giải ngân chậm do nhiều vướng mắc

Theo số liệu của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài giải ngân đạt 7,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (10,48%).

Bộ Tài chính nhận định, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài là vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định… Việc chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông tin thêm, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp. Một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn; vẫn còn tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài…

Việc hoàn thành quy trình, thủ tục từ bước đề xuất dự án đến khi ký hiệp định mất nhiều thời gian. Tại mỗi bước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ. Thông thường, để có thể thực hiện một dự án phải mất từ 2 - 3 năm để hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Quy trình thủ tục giải ngân vốn nước ngoài phức tạp, phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ… Bên cạnh đó, các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài.

Tháo gỡ từ quy định đến thực thi

Tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (NĐ 56).

Hiện nay, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 56 đã được Bộ KH&ĐT công bố lấy ý kiến. Dự thảo Nghị định thay thế có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp; bổ sung những văn bản pháp lý mới ban hành…

Ví dụ, theo NĐ 56, tất cả các nội dung trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư khi điều chỉnh đều phải thực hiện hồ sơ, quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư như ban đầu, gây khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện. Dự thảo Nghị định thay thế bổ sung 1 khoản quy định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng theo hướng phân cấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với trường hợp điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi các nội dung còn lại của quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định việc sử dụng vốn dư (chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án) và việc áp dụng quy trình rút gọn (không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư) trong trường hợp sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính của quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc gửi hồ sơ kiểm soát chi theo phương thức điện tử để rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước. Bổ sung quy định việc gửi Bộ Tài chính hồ sơ rút vốn theo phương thức điện tử để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian xử lý và tăng tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án...

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Song song với sửa đổi quy định, tại Nghị quyết 63, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số. Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc về thuế, thủ tục thanh toán, rút vốn…; có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả