Gỗ Việt Nam cần chú ý thị trường trọng điểm Hoa Kỳ
Gỗ là một trong số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vừa có động thái điều tra sử dụng gỗ bất hợp pháp từ Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 11/2020 ước đạt 1,029 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng 11/2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 807,786 tỷ USD, tăng 10,69% so với tháng 11/2019.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,803 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,263 tỷ USD, tăng 19,25% so với cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả trên, gỗ là một trong số ít các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng hai con số năm nay.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng điểm
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong tháng 10/2020, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường trọng điểm của gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, đạt 821 triệu USD, tăng 49,6% so với tháng 10/2019.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản đạt 116,2 triệu USD, giảm 12,% so với tháng 10/2019; sang thị trường Trung Quốc đạt 78,75 triệu USD, giảm 34,8%.
Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường như: Hàn Quốc, Anh, Canada, Úc, Đức và Đài Loan đều tăng mạnh so với tháng 10/2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng cao nhất là thị trường Đài Loan đạt 6,9 triệu USD, tăng 43,4% so với tháng 10/2019; tiếp theo là Canada đạt 24,4 triệu USD, tăng 37,9%; thị trường Đức đạt 12,5 triệu USD, tăng 21,5%...
Riêng tại thị trường Canada, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 171,5 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả của việc tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, tại thị trường Canada, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Mỹ, bởi Canada là cửa ngõ quan trọng của khu vực này.
Còn tại thị trường Hòa Kỳ, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhu cầu đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh trong 2 tháng vừa qua. Được cho là do tình hình dịch bệnh khiến người dân Hoa Kỳ ở trong nhà nhiều hơn, và họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế với thói quen tiêu dùng đồng bộ. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, có một điểm doanh nghiệp cần chú ý, Hoa Kỳ rất nghiêm khắc trong chuyện lẩn tránh thuế, gian lận thương mại.
Thúc đẩy tiêu thụ gỗ cứng của Hoa Kỳ tại Việt Nam
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tính đến thời điểm này thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng hơn 50% tổng lượng đồ gỗ và các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, và mỗi năm đều có sự tăng trưởng rất ấn tượng khoảng 30%.
Trong khi đó, sản lượng gỗ Việt Nam nhập từ Hoa Kỳ về cũng có tăng trưởng nhưng không nhiều. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ đạt hơn 300 triệu USD, và đến hết tháng 9/2020 là hơn 229 triệu USD.
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ để sản xuất đồ gỗ và xuất khẩu lại sang Hoa Kỳ và sử dụng trong nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với kênh tiêu thụ đồ gỗ rất lớn là khách sạn, resort đã làm giảm sức tiêu thụ rất nhiều khiến lượng gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ bị giảm.
Tại thị trường Hoa Kỳ đa phần sử dụng gỗ bản địa nhưng người tiêu dùng cũng chấp nhận các mặt hàng gỗ của các nơi trên thế giới, đặc biệt là những loại gỗ có nguồn gốc rừng trồng. Do vậy, với chính sách phát triển gỗ rừng trồng của Việt Nam đặc biệt là đối với gỗ cây cao su, gỗ tràm đã đóng góp rất nhiều vào xuất khẩu gỗ.
“Vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có động thái điều tra sử dụng gỗ bất hợp pháp từ Việt Nam. Các cáo buộc cũng như nhận định của phía Hoa Kỳ về việc Việt Nam sử dụng nguồn gỗ từ Campuchia, Lào và các nước châu Phi cũng như chính sách quản trị gỗ trong nội địa Việt Nam.
HAWA đã phối hợp với các hiệp hội gỗ của Trung ương, địa phương và đồng thời làm việc với cơ quan năng của Hoa Kỳ là một thành viên của Amcham tại Việt Nam. HAWA đã gửi tài liệu 12 trang trình bày về xu hướng Việt Nam đang kiểm soát khá tốt nguồn gỗ nhập khẩu, cũng như có một sự giảm đáng kể nhập khẩu gỗ từ Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý nguồn gốc gỗ cũng như các nỗ lực của HAWA trong việc sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp”, ông Phương cho hay.
Trong tháng 12 này, HAWA sẽ phối hợp với Hiệp hội Gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) tổ chức 2 hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà thiết kế của Việt Nam thông ty về gỗ cứng của Hoa Kỳ, và thị hiếu tiêu dùng gỗ cứng trên thế giới. Tiếp đó là hội thảo bàn tròn để các bên liên quan gồm những nhà xuất khẩu, xuất khẩu gặp nhau cùng bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ gỗ cứng của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
“Vừa rồi HAWA cũng đã thành lập một quỹ “Vì Việt Nam xanh”, phối hợp cùng với các hiệp hội địa phương. Quỹ này sẽ góp phần vào việc phát triển rừng của Việt Nam các hội viên của HAWA khi mà tham gia vào Hiệp hội điều phải cam kết không sử dụng gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp”, ông Phương khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận