menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tuyên Đức

Gỡ thẻ vàng IUU: Bảo vệ nguồn lợi và ổn định sinh kế cho ngư dân

Đã gần 5 năm kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) với Việt Nam.

Từ đó đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt chống khai thác IUU, nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản. Không ít chuyển biến tích cực được ghi nhận nhưng để đáp ứng được yêu cầu của EC, khắc phục được thẻ vàng IUU thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Gỡ thẻ vàng IUU: Bảo vệ nguồn lợi và ổn định sinh kế cho ngư dân
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cửa biển Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

Sau 5 năm thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm khắc phục thẻ vàng IUU, hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam đã có những chuyển biến ra sao, thưa ông?

Ngay từ khi EC cảnh báo thẻ vàng với Việt Nam hồi năm 2017, Chính phủ đã xác định đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta đưa ngay được 14 quy định nhận diện về IUU vào trong Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017.

Sau 5 năm triển khai, sự thay đổi rõ nét nhất là nhận thức từ các cấp, ngành cho đến ngư dân, ai cũng đã hiểu rõ IUU là gì. Thêm nữa, trong 5 năm thực hiện khắc phục thẻ vàng, dù có đến 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng ta vẫn cố gắng duy trì nhịp độ sản xuất ổn định.

Bên cạnh đó, việc trang bị thiết bị định vị, liên lạc cho ngư và phân loại các nhóm tàu để nhận diện các đối tượng đánh bắt xa bờ đã được triển khai, giúp phân loại, quản trị nghề cá của các địa phương thuận lợi hơn.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, theo ông hiện giờ còn có những điểm gì cần phải lưu ý?

Nhìn vào những tiêu chí EC yêu cầu và hướng dẫn khắc phục, chúng ta chỉ còn 4 tiêu chí khó. Tất nhiên số lượng nhiều ít không nói lên được độ khó mà chính 4 tiêu chí cuối cùng này mới là những tiêu chí khó chúng ta cần phải khắc phục.

Các tiêu chí này liên quan đến bản chất nghề cá nước ta vốn đã quen làm ăn nhỏ lẻ nên để thay đổi thói quen cũng cần thời gian. Mặt khác, 14 quy định được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 chỉ là để nhận diện ra IUU chứ không phải là giải pháp mà người ngư dân có thể đọc, hiểu và thực hiện được ngay. Do đó vẫn còn một khoảng cách cần phải cụ thể hóa hơn.

Chưa kể, khi người dân không còn đi đánh bắt xa bờ, không vi phạm IUU nữa trở về đánh bắt cá ở "ao nhà" thì lại chưa có cá, thêm giá xăng dầu tăng mạnh... Khó khăn chồng chất khó khăn.

Do đó, để giải quyết vấn đề IUU phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vấn đề thì mới giải quyết toàn diện được. Nhà nước cần duy trì và thậm chí phải tăng cường, đồng bộ các chính sách khác. Trong đó đối với nghề cá nói chung, có 3 mảng vấn đề rất quan trọng cần phải giải quyết đồng bộ là: ngư nghiệp - kinh tế nghề cá; ngư trường - bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển để cá sống được và ngư dân.

Trước Việt Nam, một số nước ASEAN như Thái Lan hay Philippines cũng từng bị cảnh báo thẻ vàng IUU và rất nhanh chóng khắc phục để gỡ thẻ. Theo ông, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì từ các nước bạn?

Tại các nước, vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương hết sức quan trọng, tức là nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng, cùng quản lý. Nên khi bị cảnh báo IUU, họ tự điều chỉnh hành vi và tăng cường năng lực để khắc phục.

Do đó, bài học lớn nhất theo tôi là nghề cá cần được phân cấp quản lý và những hình thức quản lý mới đối với nghề cá có trách nhiệm cần phải áp dụng sớm và áp dụng thành công.

Ngoài những biện pháp đã triển khai, để phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững còn cần những giải pháp nào thưa ông?

Tôi cho rằng cần phải làm rất cụ thể việc bảo vệ nguồn lợi và duy trì môi trường biển tốt. Mọi nỗ lực của người ngư dân sẽ không thể có và những thành quả mà họ đạt được cũng có thể bị phủi sạch nếu môi trường biển tiếp tục xấu và bị đầu độc.

Ngoài ra, về chính sách, đã đến lúc nên có nghị quyết riêng của cấp cao về giải quyết đồng bộ 3 vấn đề ngư dân - ngư nghiệp - ngư trường trong khuôn khổ chống đánh bắt cá bất hợp pháp IUU. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh lại chiến lược ưu tiên nuôi trên biển để giảm nhẹ sức ép lên thủy sản khai thác bởi nguồn lợi cá đang ngày càng ít dần, trữ lượng cá cũng giảm nhưng số lượng tàu thuyền vẫn nhiều...

Hơn nữa, cũng phải tính đến việc hỗ trợ ngư dân không đi đánh bắt bất hợp pháp thì chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào?

Ngoài ra, đối với nghề cá ven bờ, nên tính đến việc phát triển nghề cá giải trí tại một số vịnh biển đẹp. Thay vì đánh cá đi bán, có thể phát triển câu cá giải trí, ngắm cá giải trí. Khi đó, cá vẫn còn nguyên mà nguồn lợi thu thu về cũng không nhỏ.

Song song với đó, khi chuyển dần từ đánh bắt sang nuôi trồng phải ứng dụng nuôi công nghệ cao. Nghề cá phát triển ở ven bờ cửa sông phải đảm bảo lợi ích kép, gắn các khu bè nuôi trồng với mục đích du lịch. Như thế, ngoài ngư dân thì sắp tới cả các doanh nghiệp liên quan đến ngành thủy sản cũng phải tham gia vào phát triển. Họ chính là người vừa đầu tư vào công nghệ hiện đại, vừa là người đầu tư để ra xa bờ hơn, họ cũng là người hạn chế được những rủi ro…

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại