24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Huy Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gỡ rào cản cho doanh nghiệp vượt qua Covid

Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi, thách thức. Doanh nghiệp cũng đối mặt với vô vàn khó khăn cần tháo gỡ tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Bộ Công Thương cho biết, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại thông qua tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; khả năng lạm phát gia tăng; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh luôn thường trực; đời sống nhân dân và hoạt động kinh doanh còn khó khăn… Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Vì vậy, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

Khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất

Theo Bộ Công thương, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp đối mặt với hai khó khăn chính là khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất và khó khăn về thị trường.

Về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm…

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.

Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa thiết yếu”, do đó không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp;

Việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương. Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72h hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển… Điều này đã phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp (theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày).

Gỡ rào cản cho doanh nghiệp vượt qua Covid
Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72h hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển.

Bên cạnh đó, việc phân luồng giao thông của các địa phương còn chưa hợp lý đã dẫn đến ùn tắc kéo dài tại nhiều cung đường vận tải hàng hóa phục vụ phòng dịch cũng như sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; Hoạt động logistics phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa, tại nhiều địa phương và cảng biển còn có tình trạng ách tắc cầu cảng, chi phí dịch vụ cầu cảng, hạ tầng tăng lên rất cao, gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn, do đó không đủ điều kiện áp dụng phương châm nêu trên và buộc phải đóng cửa tạm thời. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại.

Điều này một phần vừa gây lãng phí thời gian và chi phí chuẩn bị để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa khiến doanh nghiệp không thể lên kế hoạch về sản xuất, nhân sự… để phục hồi sản xuất trong bối cảnh hàng ngàn lao động nhập cư đang rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp để về quê hiện nay.

Việc triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp và các khu công nghiệp chưa được triển khai nhất quán và kịp thời.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động vẫn còn khó được tiếp cận.

Dự báo đơn hàng nhiều ngành sụt giảm

Bộ Công Thương cho biết, dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da – giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp

Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, cần tiến hành một số giải pháp cấp bách ngay sau đây để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để ổn định kinh tế, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh:

Thứ nhất, ưu tiên tiêm vaccine. Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên đối với các đối tượng trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics (như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…); đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine theo điểm g mục 3 phần III (đối tượng tiêm) nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vaccine đối với các đối tượng trên. Bộ Y tế cần có trách nhiệm giám sát việc tiêm vaccine cho các đối tượng lao động này và có chế tài xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện chỉ đạo nêu trên.

Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa

Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng;

Đối với các đối tượng (lái xe, phụ xe liên tỉnh) đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trong thời gian trước mắt, cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Sau khi tiến hành tiêm vaccine rộng rãi đối với các đối tượng lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, cần xem xét nới lỏng và tiến tới bãi bỏ các điều kiện về “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để thúc đẩy lưu thông, sản xuất và cung ứng hàng hóa trong cả nước.

Thứ ba, cần có các giải pháp khác nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng – đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử.

Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất, các địa phương xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp phía Nam – với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả