Gỡ ‘nút thắt’ dự án thu phí tự động không dừng
Hạn chót thu phí không dừng phải triển khai đồng loạt trên cả nước vào cuối năm 2020. Song tới nay, mới có hơn 865.000 ô tô dán thẻ E-tag, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông sử dụng cũng khá thấp.
Dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) hiện đang được nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… triển khai. Câu hỏi đặt ra là vì sao một loại hình có nhiều ưu điểm, tiện lợi, minh bạch sau nhiều năm vẫn chưa thu hút được nhiều người sử dụng tại Việt Nam?
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến nay, cả nước mới có khoảng 865.000 phương tiện dán thẻ E-tag trên tổng số 3,5 triệu xe ô tô cả nước (trong đó, Công ty VETC dán hơn 600.000 thẻ, hệ thống các đơn vị đăng kiểm dán khoảng 200.000 thẻ).
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, tiến độ dán thẻ E-tag đang rất chậm, nguyên nhân do hiện tại quy định nhà nước mới chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc dán thẻ E-tag. Nhiều lái xe, chủ xe cho rằng dán thẻ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, vì nhiều trạm chưa có làn thu phí tự động không dừng, đặc biệt là các trạm tại cửa ngõ của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Đáng chú ý, theo Công ty VETC - nhà đầu tư dự án Thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1), số lượng phương tiện sử dụng ETC qua trạm thu phí chỉ đạt khoảng trên 30% tổng số lượng phương tiện đã dán thẻ. Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC, cho rằng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn lớn, dẫn tới chủ phương tiện chưa quen với việc dán thẻ và thanh toán qua tài khoản.
Về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng, theo ông Vinh, cần phải đảm bảo việc lưu thông thông suốt của xe sử dụng ETC khi đi qua trạm thu phí mà không phải dừng chờ các phương tiện sử dụng thu phí một dừng.
“Nhiều khách hàng ý kiến xe có thẻ ETC nhưng khi đi vào làn ETC lại vướng các xe không dán thẻ. Vì thế, cần có quy định những xe không dán thẻ sẽ không được vào làn ETC, khách hàng mới thấy được quyền lợi sử dụng thẻ ETC là tiện lợi, không bao giờ ách tắc”, ông Vinh nói.
Hết 2021, xe dán thẻ E-tag sẽ mất phí
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công tư (PPP), việc chuyển đổi từ thu phí thủ công (1 dừng) sang không dừng cần thời gian để chuyển đổi, cả về lắp đặt đồng bộ các trạm cũng như thay đổi thói quen sử dụng của người dân. Đơn cử như Đài Loan, một trong những nơi thu phí không dừng rất phát triển, cũng mất tới 8 năm để chuyển từ thu phí 1 dừng sang không dừng.
Ông Huy cho rằng, tỷ lệ phương tiện dán thẻ và sử dụng chưa cao, do trước đây việc gắn thẻ miễn phí, cơ quan quản lý cũng không có chế tài. Song, nếu theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, sau 31.12.2021, chủ phương tiện mới gắn thẻ sẽ mất phí.
Ngoài ra, phương tiện không dán thẻ hoặc không đủ tiền, trước đây có thể đi vào làn ETC, nhưng sau này chỉ được phép đi vào làn hỗn hợp ngoài cùng, cấm đi vào làn ETC, nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính. Đây được xem là các giải pháp kỹ thuật để các chủ xe tích cực, chủ động hơn trong việc dán thẻ cũng như sử dụng thẻ khi đi qua trạm thu phí, đồng thời cũng là quyền lợi của chủ phương tiện khi sử dụng thu phí không dừng.
Hiện thu phí tự động không dừng đã có mặt ở hầu hết các trạm thu phí trên QL1, QL14 và một số tuyến đường địa phương khác. Các tuyến cao tốc cửa ngõ như Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc QL5B cũng sắp được triển khai làn thu phí không dừng trong tháng 6 tới. Dự kiến, khi số lượng trạm thu phí “phủ sóng” nhiều hơn, số lượng phương tiện sử dụng ETC sẽ tăng đáng kể trong năm 2020.
Với các trạm thu phí ngoài phạm vi dự án, các nhà đầu tư BOT đã và đang thực hiện lắp đặt và kết nối với VETC. Hiện các trạm đã chạy thu phí không dừng như QL188, Becamex Bình Dương, Phú Mỹ Hưng, Xa lộ Hà Nội… Tới cuối năm nay, việc sử dụng ETC không chỉ trên tuyến QL1 hay cao tốc mà được thực hiện trên cả các tuyến đường ở các địa phương.
Đại diện Vụ PPP cũng cho biết, để thu phí không dừng thực sự thành công và hiệu quả, phải đồng thời cả hai phía: triển khai đồng bộ trên tất cả các trạm thu phí và chủ phương tiện dán, sử dụng thẻ.
Bên cạnh việc tuyên truyền, tạo thói quen cho người dân, về phía Chính phủ và Bộ GTVT cũng cương quyết chỉ đạo công tác triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng, bên cạnh nhắc nhở sẽ mạnh tay xử phạt những xe không đủ điều kiện có hành vi cố tình đi vào làn thuần ETC (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Theo tính toán, tại Việt Nam, việc triển khai ETC đồng bộ trên phạm vi cả nước không chỉ giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông, đồng bộ hoá các dịch vụ quản lý đô thị và giao thông thông minh, tránh thất thoát trong thu phí BOT, mà còn tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn và đặc biệt giảm thanh toán bằng tiền mặt. Tổng lợi ích kinh tế xã hội mà hệ thống thu phí tự động ETC mang lại dự kiến lên tới 3.400 tỉ đồng/năm. Chủ phương tiện hiện được dán thẻ E-tag miễn phí và có thể nạp tiền vào tài khoản ETC dễ dàng tại các quầy giao dịch của các ngân hàng, các điểm dịch vụ của VETC, trạm thu phí, trung tâm đăng kiểm, các kênh nạp tiền online qua các app ngân hàng, ví điện tử Momo, Vimo, Zalopay… |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận