Gỡ nhanh nút thắt cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch Covid-19 nên lại càng khó khăn hơn. Nếu các cơ quan có thẩm quyền các cấp giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính th
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và cung ứng nhiều loại hình sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, thị trường này nếu bị chao đảo sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế; ngược lại do có tính lan tỏa rất lớn nên khi thị trường hồi phục, nền kinh tế sẽ được chấn hưng.
Số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện thành phố có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của thành phố, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số, nhưng doanh nghiệp bất động sản lại chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhâncủa thành phố. Mặc dù có vị thế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn ngày càng lớn. Tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP chung và hiện nay, tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong 2 năm 2018 - 2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận; trong khi giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà ở. Năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, chỉ 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.
“Điểm danh” đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, hầu hết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm, với mức tăng trưởng bình quân doanh thu khoảng 7% và lợi nhuận sau thuế tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018. Điều đáng quan ngại là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Trong đó, 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng, riêng 2 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp. Nhưng, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, có thể làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay… thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp.
“Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch Covid-19 nên lại càng khó khăn hơn. Nếu các cơ quan có thẩm quyền các cấp giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính thì sẽ giúp cho thị trường bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại, thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho rất nhiều người lao động, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của đất nước và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở”, ông Châu phân tích.
Trước đó, TP. Hồ Chí Minh có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có sử dụng đất công, thuộc diện rà soát, do trước đây cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác. Mặc dù sau đó 124 dự án được cho phép vận hành trở lại kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế nhiều dự án vẫn phải “đắp chiếu” do nhiều vướng mắc, trở ngại chưa được giải quyết.
Một số chuyên gia cho rằng, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, phải tích cực đẩy nhanh và tiến hành hiệu quả công tác này, để tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và đến cả môi trường kinh doanh.
Với tình hình thực tế như vậy, mới đây HoREA đã có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Điều này sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân, “giải cứu” cho các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động rất lớn đến nền kinh tế và dân sinh như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận