Gỡ mác “thao túng tiền tệ”
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để Việt Nam có thể gỡ mác “thao túng tiền tệ”.
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là 2 quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 quốc gia thuộc diện theo dõi với cáo buộc rằng Việt Nam hội đủ 3 tiêu chí về thao túng tiền tệ gồm thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ. Đây là lần đầu tiên Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam.
Không đột ngột
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng cho rằng việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ là một việc làm mang tính chủ quan, đơn phương từ phía Bộ Tài chính Mỹ, chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển nhanh, độ mở cao và cần thiết phải có các công cụ (phù hợp thông lệ quốc tế) cho phát triển kinh tế bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Mặc dù vậy, trước việc Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ, nhiều lo ngại về dòng FDI chuyển hướng khỏi Việt Nam cũng như thiệt hại lớn mà nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải gánh. Các quốc gia bị xác định là “nước thao túng tiền tệ” sẽ phải bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ và có thể có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nếu những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ không được giải quyết, Mỹ có thể áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cả trừng phạt thuế quan, tăng áp thuế ở một số mặt hàng có bằng chứng rõ rệt về trợ cấp, gian lận thương mại, giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Việc tăng thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt này có thể lên tới 25% và áp cho bất kỳ ngành hàng nào.
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, việc doanh nghiệp nước ngoài bị tác động bởi thông tin này phải dựa trên 2 giả định gồm mức thuế trừng phạt từ Mỹ phải đủ lớn và thời gian áp dụng tương đối dài, ít nhất trong 1-2 năm. “Thực tế điều này đã xảy ra ở một số lĩnh vực, như đồ gỗ nội thất. Nó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Nhưng việc dịch chuyển này không xảy ra một cách đại trà, các chuỗi cung ứng sẽ không ồ ạt chuyển sang Campuchia, Bangladesh hay các nước khác”, ông Thành cho biết.
Giải pháp tổng thể
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết nếu Mỹ và Việt Nam không đàm phán, giải quyết được vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ, thì Mỹ sẽ tiến hành lệnh trừng phạt thuế quan đối với Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp và cổ phiếu nhóm xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cụ thể là nhóm ngành thủy sản, dệt may và gỗ. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại ảnh hưởng đến khối các doanh nghiệp đầu tư FDI.
“Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là hiện Mỹ chưa đưa ra lệnh trừng phạt kinh tế cụ thể nào cho Việt Nam, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới thời điểm chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. Ông Biden lại là người có quan điểm ôn hòa, nên chưa chắc Mỹ sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Việt Nam”, ông Minh nhận định.
Mặc dù vậy, ông Thành khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đang giao thương với Mỹ nên tiếp tục theo dõi sát sao động thái từ phía các cơ quan như Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Đặc biệt, 2 cuộc điều tra gần đây theo Điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều đáng lo ngại đối với doanh nghiệp đồ gỗ và dệt may Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phối hợp và làm việc chặt chẽ với các đối tác Mỹ để hạn chế tổn thất có thể xảy ra từ các biện pháp áp thuế trừng phạt, nếu có.
Giới phân tích cho rằng việc Bộ Tài chính Mỹ gắn mác một số nền kinh tế là thao túng tiền tệ nằm trong ý định của Tổng thống Donald Trump trước khi rời nhiệm sở trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gia tăng thâm hụt của Mỹ với các đối tác thương mại. Dù Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ ôn hòa hơn trong vấn đề thương mại, song cũng không thể ngay lập tức dừng các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ.
Vì vậy, về dài hạn, người Mỹ muốn có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam theo hướng “công bằng hơn” theo định nghĩa của Mỹ, giống như 3 tiêu chí dùng cáo buộc Việt Nam và các nước.
Trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 73,9 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,3 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ đạt 11,6 tỉ USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Mỹ với tốc độ phát triển nhanh nhất, đặc biệt với các mặt hàng về nông nghiệp, máy bay, năng lượng, thiết bị, công nghệ...
Theo Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff, Việt Nam đang nhận hàng tỉ USD từ các công ty Mỹ mỗi năm mà phần lớn trong số đó dùng để xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp có lợi cho người tiêu dùng Mỹ.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm, Trung Quốc cũng bị gắn mác thao túng tiền tệ vào tháng 8.2019, giống như giai đoạn 1992-1994, nhưng đã được “gỡ” vào tháng 1.2020, trước khi đồng ý ký kết một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với chính quyền Donald Trump. Theo đó, Trung Quốc phải nhập khẩu thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm, từ ô tô, máy móc cho đến dầu mỏ, nông phẩm.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, nếu Mỹ mong muốn Việt Nam phải thu hẹp thặng dư thương mại, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh cơ cấu thương mại đối với nhiều nước, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh như nông sản, công nghệ cao, năng lượng và thiết bị khoa học kỹ thuật...
Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ. Bởi vì, vấn đề cốt lõi mà Mỹ quan tâm là giảm thâm hụt thương mại chứ không chỉ là tiền tệ thuần túy. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường, quyết liệt và phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng ưu đãi cũng như trốn thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận