Gỡ khó cho thị trường địa ốc, vướng nhất vẫn là cơ chế
Đó là nội dung chính được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng nay (9/7).
Thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn
“Chúng ta đang sống trong lòng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đầy thách thức với làn sóng thứ hai với trạng thái “không bình thường mới”. Do đó, hoạt động của các doanh nghiệp cũng phải đặt trong trạng thái đó”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu hội thảo với tâm trạng lo lắng chung về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Lộc, diễn biến của thị trường bất động sản là một trong những chỉ báo quan trọng của sự phát triển, sự đô thị hoá của một nền kinh tế, bởi các nền kinh tế đang trong quá trình phát triển như Việt Nam thì đô thị hoá lại càng quan trọng.
“Cùng với vai trò là động lực phát triển, lĩnh vực này đồng thời có nguy cơ gây bất ổn định nền kinh tế nếu chúng ta không kiểm soát”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bất động sản, xây dựng là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, đồng thời kéo theo các lĩnh vực liên quan phát triển. Do đó, có thể thấy tác động lan toả của bất động sản, xây dựng với phát triển của mỗi nền kinh tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thông tin, thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của Covid-19, các dự án dừng hoãn, những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường bất động sản trong khi nhu cầu vẫn cao, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội. Trong khi đó, phân khúc văn phòng lại có tỉ lệ tiêu thụ thấp.
Vốn đầu tư FDI cho bất động sản cũng giảm mạnh trong những tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh 94% trong quý 1/2020, tồn kho bất động sản tăng.
“Thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn. Do đó, cần bàn các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản do đây là một trong những thị trường góp phần kích hoạt quan trọng cho quá trình phục hồi nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Vẫn tắc vì luật
Trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, khi có liên quan hơn 10 luật khác nhau từ Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí… Kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với thay đổi chính sách.
Ông Hà cho biết, các doanh nghiệp mong chờ chính sách, mong chờ được tháo gỡ. Các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ thì lại nhiều khi vấp phải những quy định mới thành ra lại gây khó khan.
“Vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất trong các dự án phân biệt đất đã giao và đất công, văn bản trước không có nhưng văn bản sau lại có những điểm khác. Hay những văn bản về thuế, tín dụng, tiêu chuẩn an toàn,… có những văn bản chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp lại phải chạy trước để qua trước thời gian văn bản có hiệu lực. Bởi nếu không lo thủ tục trước thì thời gian hoàn thiện được thủ tục và mất rất nhiều thời gian. Chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới”, ông Hà chia sẻ.
Ông Hà cho biết, khi chuẩn bị dự án chủ đầu tư cũng có tính toán những chi phí để huy động. Nhưng khi văn bản mới có tăng chi phí lên khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể. Trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó… Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách.
Trên thực tế có tình trạng văn bản 6 tháng mới có hiệu lực nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp.
“Nên chăng văn bản có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp có thể có hiệu lực ngay. Còn văn bản nào có tác động lớn tới doanh nghiệp thì có hạn 1 - 2 năm mới có hiệu lực", ông Hà kiến nghị và cho biết, có văn bản Hội Môi giới bất động sản thực hiện kiến nghị cho doanh nghiệp như khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 cũng mất 2 năm mới được ban hành. Còn nhiều kiến nghị như condotel hay bất động sản du lịch cũng mất nhiều thời gian kiến nghị
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong chờ là gỡ rối cơ chế chính sách. Các dự án vì sao ách tắc?
Về Luật Quy hoạch sửa đổi vừa được thông qua lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Theo đó, muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp "bó tay".
Luật Đất đai và Luật Quy hoạch, các dự án ách tắc hiện nay đều liên quan hai luật này. Do đó, kiến nghị khi xây dựng, sửa đổi luật có mời các doanh nghiệp, những người làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn.
Về Luật Xây dựng, dù có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng bên cạnh đó còn nhiều thủ tục phiền hà làm chậm tiến trình phát triển.
"Tôi đã góp ý nên có Ban tư vấn về đất đai, trong đó có tiểu ban doanh nghiệp để đóng góp điều gì nên điều gì không nên. Chúng tôi rất mong tiếng nói của doanh nghiệp về xây dựng các luật đến được với người có thể quyết định, đến với cơ quan làm luật, như vậy những đóng góp mới hiệu quả", ông Hiệp nói.
Sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản
Tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía đại diện các Hiệp hội và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, những khó khăn của các doanh nghiệp đều đã được ghi nhận và các phản hồi cũng như kiến nghị cũng đang được Chính phủ quan tâm sâu sát nhằm gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất.
Chẳng hạn như các Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, hay gần nhất là Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 11/6/2020, với tinh thần cùng các giải pháp rất cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp có được điều kiện kinh doanh tốt nhất trong “bối cảnh mới” này.
Bên cạnh đó, ông Sinh cho biết, ngoài các giải pháp về thuế, phí, vấn đề cải cách thủ tục hành chính chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn. Hiện nay, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, sớm đưa các dự án đầu tư vào triển khai thực hiện. Trong đó, riêng với thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản như cân đối thêm nguồn vốn và giải quyết vướng mắc của phân khúc nhà ở xã hội.
Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020.
Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).
Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó dự kiến sẽ có nhiều điểm mới tháo gỡ những rào cản, vướng mắc nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.
Tiếp đó, là vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Đồng thời, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
“Có thể nói, các giải pháp của Chính phủ vừa qua là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh”, ông Sinh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận