Giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19: Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giãn, hoãn thuế
Tại hội nghị trực tuyến ngày 26-2 công bố hoàn thành triển khai thành lập chi cục thuế khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành thuế nghiên cứu giãn, hoãn thuế cho người bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Trong khi đó, dù Bộ Công thương chính thức có văn bản đề nghị giảm thuế nhiên liệu bay, phí cầu đường, giá qua trạm BOT nhưng Bộ GTVT không thực sự đồng thuận với nhiều đề xuất.
Giãn, hoãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Khẳng định nhiệm vụ kép của Chính phủ là vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Những biện pháp về tài khóa như các nước họ đã làm, trong thẩm quyền Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ như chậm nộp, hoãn nộp, giãn nộp thuế để tạo nguồn lực cho các DN, người dân bị ảnh hưởng do COVID-19" - Thủ tướng quyết liệt.
Khó giảm giá dịch vụ BOT
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết Bộ GTVT đã giao các vụ chức năng nghiên cứu đề xuất giảm thuế, phí của Bộ Công thương để hỗ trợ DN ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo quan điểm của ông Công, việc giảm phí nên thực hiện ở các loại phí do Nhà nước quy định. Còn với giá dịch vụ xếp dỡ container không nên giảm bởi hiện nay giá loại dịch vụ này của Việt Nam thấp nhất trong khu vực, thấp hơn cả Campuchia. Trong khi đó, giá này chủ yếu do hãng tàu thu rồi trả cho DN cảng với mức rất thấp. Nếu giảm giá xếp dỡ container có lợi cho hãng tàu, còn các cảng biển càng thiệt hại.
Với việc giảm giá dịch vụ BOT, ông Công cho biết các hợp đồng BOT đều có lộ trình tăng giá nhưng nhiều năm nay Chính phủ chưa cho. Nhiều dự án BOT đã giảm giá cho người dân quanh trạm nên gặp khó khăn. Trong khi đó, nhà đầu tư dự án BOT cũng là DN nên khó chấp nhận mình thiệt để DN khác lợi hơn.
"Muốn giảm phí BOT, Chính phủ cần tác động các ngân hàng đồng ý cho nhà đầu tư BOT thực hiện vì nguồn thu BOT chủ yếu để trả nợ ngân hàng. Đồng thời Nhà nước cho kéo dài thời gian thu phí để bù đắp cho nhà đầu tư" - ông Công cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tú - tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam, nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - cho biết hơn 10 năm nay DN này vẫn phải trả nợ lãi khoản vay hơn 4.000 tỉ đồng do Nhà nước chưa bố trí được để hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, hợp đồng dự án có lộ trình tăng phí 3 năm mỗi lần 12%, đến nay chưa được tăng nhưng đã phải giảm 35% phí cho xe chở container 40 feet.
"DN vận tải thiệt hại nhưng chúng tôi cũng bị giảm doanh thu 20% vì lưu lượng xe tải chở hàng ra Quảng Ninh để xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Khách du lịch đi lại trên tuyến này cũng giảm. Chưa được tăng phí lại bị giảm doanh thu do dịch thì nhà đầu tư BOT cũng cần được chia sẻ. Nếu Nhà nước cho tăng phí đúng lộ trình thì nhà đầu tư BOT có thể giảm phí được" - ông Tú nói.
Tránh nơi nóng, chỗ lạnh
Ông Lâm Vinh, giám đốc một công ty vận tải tại TP.HCM, cho rằng việc kiến nghị chủ trương chính sách cần phải có sự quyết liệt, đồng bộ hơn. Có lên tiếng nhưng không hỗ trợ thì kiến nghị có hay đến đâu cũng không hiệu quả.
Thủ tướng đã chỉ đạo ngành thuế giãn, giảm thuế cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. DN vận tải đang trong vòng khó khăn, cần sự chung tay hỗ trợ nhanh từ chính sách để thuận lợi trong việc định hướng kinh doanh, phát triển.
"Bộ Công thương hay Bộ Tài chính, Bộ GTVT nơi nào cũng có nhiệm vụ riêng. Khi ý kiến của đơn vị này không nhận được sự đồng thuận chung, chắc chắn sẽ khó có cơ chế tháo gỡ nhanh. Vì vậy cần phải có tiếng nói chung, mạnh mẽ hơn để cứu DN trong thời gian này" - ông Vinh nói.
Hãng bay "sốt ruột" với thuế nhiên liệu
Trước đề xuất của Bộ Công thương giảm thuế nhiên liệu bay và chỉ đạo của Thủ tướng ngày 26-2, đại diện một hãng hàng không cho biết rất kỳ vọng sự hỗ trợ này. Theo vị này, thuế nhiên liệu bay có 2 loại: thuế nhập khẩu xăng dầu 7% và thuế môi trường 3.000 đồng/lít. Ví dụ một chuyến bay Airbus A321 bay chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2 tiếng chi phí 250 triệu, tiêu tốn 4,8 tấn nhiên liệu.
Với giá nhiên liệu JetA1 hiện nay dao động 18-19 triệu đồng/tấn, nhiên liệu chiếm khoảng 37% trong tổng chi phí hàng không. "Giả sử nếu giảm được thuế, phí xăng dầu khoảng vài phần trăm thôi cũng tiết kiệm được cho hãng rất nhiều" - vị này nói.
VCCI Cần Thơ kiến nghị giãn nộp thuế VAT
Ngày 26-2, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết vừa kiến nghị với TP Cần Thơ giãn thời gian nộp thuế VAT cho DN. Theo VCCI Cần Thơ, DN có các hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng rất lớn. Một số DN nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc có nguy cơ không có nguyên liệu sản xuất, buộc phải cho hàng ngàn lao động nghỉ việc...
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đánh giá tình hình thiệt hại để ngân hàng sớm có giải pháp giảm lãi suất vay cho DN duy trì sản xuất. Trước đó, VCCI Cần Thơ đã khảo sát ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với 20 DN đầu ngành trong vùng ĐBSCL. (LÊ DÂN)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận