Giữa lúc cả thế giới chống 'bão' giá, Nhật Bản 'cầu' lạm phát
Giới chức Nhật Bản nhìn nhận đà sụt giá của đồng yên là một dấu hiệu tích cực, giúp quốc gia này đạt được ngưỡng lạm phát mục tiêu.
Thông thường, một đồng tiền mất giá mạnh bị coi là một trong những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế, như cú sụt của đồng euro vào năm 2014 hay đợt đổ dốc của đồng bảng Anh sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi năm 2016. Nhưng đối với Nhật Bản của năm 2022, đồng nội tệ rớt giá lại được nhiều người xem là một “liều thuốc bổ” cho phục hồi kinh tế.
Theo hãng tin Bloomberg, do ảnh hưởng của sự ngược chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ, đồng yên Nhật ngày 7/6 đã rớt giá xuống mức thấp nhất 2 thập kỷ so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện đang ghim lãi suất ở mức 0% trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế vốn dĩ đang èo uột và kích thích lạm phát, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất 4 thập kỷ.
Tuy nhiên, phản ứng của các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Nhật Bản trước cú sụt giá ngày 7/6 của đồng yên cho thấy họ đang nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực. Đó là bởi sự mất giá của đồng yên có thể kích thích lạm phát chi phí đẩy, mang lại cho Nhật Bản cơ hội tốt nhất trong nhiều năm để có được mức lạm phát ổn định và đủ cao.
“Đồng yên mất giá gây bất lợi cho ngân sách của các hộ gia đình ở Nhật Bản, nhưng nhìn vào toàn bộ nền kinh tế, hiệu ứng có lợi lại lớn hơn”, Nhà kinh tế Masamichi Adachi thuộc UBS Securities nhận định.
Theo lý thuyết kinh tế, đồng nội tệ giảm giá khiến sức mua của các hộ gia đình và nhà nhập khẩu giảm sút, nhưng lại là một “cú huých” cho lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của các công ty xuất khẩu. Ngoài ra, đồng yên rẻ đi cũng hỗ trợ cho sự hồi phục của ngành du lịch Nhật Bản, lĩnh vực vốn là một động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế nhiều địa phương ở nước này.
Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nói rằng ông muốn tranh thủ sự mất giá của đồng nội tệ để tạo ra một “chu kỳ trong đó giá cả tăng vừa phải trong khi lợi nhuận doanh nghiệp, công ăn việc làm và tiền lương cải thiện”.
Đồng yên rẻ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Rủi ro lớn nhất trong vấn đề này nằm ở sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Làm được đúng, các nhà hoạch định chính sách có thể hồi sinh tăng trưởng kinh tế Nhật, một đầu tàu đang rất được cần đến cho tăng trưởng ở khu vực châu Á. Nếu làm sai, một cuộc mất giá hỗn loạn của đồng yên có thể xảy ra, BOJ sẽ phải xoay sở để điều chỉnh chính sách, và kinh tế Nhật rất có thể rơi vào suy thoái thêm một lần nữa.
“Lợi ích của việc đồng yên giảm giá phải được sử dụng một cách khéo léo. Các công ty xuất khẩu cần đầu tư nhiều vào các cơ sở sản xuất và nguồn nhân lực, trong khi các cải cách mang tính cơ cấu bắt buộc phải được tiến hành”, chuyên gia Adachi của UBS nhấn mạnh.
Chánh thư ký nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng nói rằng đồng nội tệ mất giá có ảnh hưởng cả tốt và xấu đối với nền kinh tế, rằng quan điểm của chính phủ là theo dõi những diễn biến trên thị trường ngoại hối với tinh thần cẩn trọng.
Phát biểu này của ông Matsuno cùng những phát ngôn gần đây của các quan chức cấp cao Nhật Bản về vấn đề tỷ giá có phần mềm mỏng hơn so với những cảnh báo mà Bộ Tài chính nước này đưa ra hồi cuối tháng 4. Đó là thời điểm mà BOJ đẩy mạnh chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật có khả năng tăng quá mức. Sau động thái đó của BOJ, đồng yên Nhật mất giá nhanh hơn.
Sau hơn 1 tháng “làm quen” với sự mất giá mạnh của đồng yên và nhận thấy rằng việc can thiệp để hỗ trợ tỷ giá đồng yên sẽ không phải là một việc dễ sàng, Chính phủ Nhật có vẻ đã quyết định để cho đồng nội tệ mất giá. Nếu tính từ đầu năm, đồng yên đã giảm giá 13% so với đồng USD.
“Khi đồng yên giảm giá những ngày gần đây, sự cứng rắn của giới chức nhật không tăng thêm nữa. Đó là bởi nền kinh tế đang dần hồi phục”, Kinh tế trưởng Harumi Taguchi của S&P Global Market Intelligence nhận định. “Sau khi các biện pháp chống Covid được gỡ, tiêu dùng khởi sắc và tiền lương cũng tăng nhẹ”.
“Tuy nhiên, tôi không cho rằng mọi thứ sẽ không hoàn toàn giống như những gì mà BOJ mong muốn. Tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm với sự leo thang của giá cả và nếu sự tăng giá tiếp diễn, đó sẽ là một trở ngại cho chi tiêu của các hộ gia đình”, bà Taguchi nói thêm.
“Không phải Nhật Bản hưởng lợi từ đồng yên giảm giá, mà là thị trường chứng khoán Nhật hưởng lợi”, Chiến lược gia Amir Anvarzadeh thuộc Asymmetric Advisors Pte nhận định. “Sự thật là đồng yên yếu ảnh hưởng bất lợi đến các hộ gia đình, đến các công ty nhỏ, và đến các nhà bán lẻ”.
Rủi ro nằm ở chỗ phần lớn nguyên nhân khiến đồng yên mất giá là vấn đề nằm ngoài sự kiểm soát của giới chức Nhật Bản. Lý do chính khiến đòng yên giảm giá hiện nay là Fed tăng lãi suất còn Nhật đứng im. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang là 3%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật là 0,25%.
Điều này có nghĩa là sự mất giá của đồng yên không chỉ là một câu chuyện của Nhật, mà còn là một vấn đề liên quan Mỹ.
“Thống đốc Kuroda đã nói rõ rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của BOJ sẽ duy trì thêm một thời gian cho tới khi có bằng chứng về sự tăng bền vững của tiền lương”, Chiến lược gia Rodrigo Catril của National Australia Bank nhận định. “Điều đó có nghĩa là tỷ giá đồng yên so với USD sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và độ vững vàng của nền kinh tế Mỹ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận