24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mạnh Tưởng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giữ gìn, khôi phục nguồn lao động

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu gia tăng chính sách chăm sóc cho người lao động để đảm bảo việc hồi phục và phát triển sản xuất trong năm mới.

Đảm bảo thu nhập, đời sống cho người lao động

Công ty giày Viễn Thịnh đã lên kế hoạch sẽ rao tuyển thêm 500 người từ sau tết âm lịch 2022 để mở rộng sản xuất, đáp ứng hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đang chờ sẵn.

Để người lao động quay trở lại công ty sau những ngày nghỉ tết, công ty sẽ ứng trước 70% lương tháng 1 trước tết (thông thường lương sẽ được trả vào ngày 10 hằng tháng nên lương tháng 1 sẽ trả vào ngày 10.2) và sau khi người lao động quay trở lại làm việc sẽ nhận hết số lương còn lại. Để cạnh tranh giữ chân người lao động, giày Viễn Thịnh phải chăm lo từ bữa ăn trưa đến phân xưởng làm việc thoáng mát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.Theo ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, thông thường mỗi dịp tết thì lượng nhân sự công ty cũng sẽ bị giảm khoảng 10%. Riêng năm nay, công ty cũng đã thiếu ở mức này trong suốt vài tháng qua dù cũng rao tuyển thường xuyên và nâng mức lương lên thêm khoảng 1 triệu, lên từ 13 - 16 triệu đồng/người so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, đến nay vẫn chỉ có 1.600 lao động, chưa đủ được 100% số lượng lao động cần có.

“Đơn hàng da giày hiện nay đang rất nhiều, khách hàng dồn dập tìm đến, nhưng công ty không dám nhận vì chưa thể gia tăng thêm lao động. Thế nên, ngoài việc phải có mức lương đủ cạnh tranh, công ty phải đảm bảo các chính sách lương thưởng, bảo hiểm đầy đủ cho người công nhân và môi trường sản xuất thân thiện, an toàn thì mới giữ được lao động”, ông Linh nói.

Đồng quan điểm, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, cũng cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã cố gắng chăm lo đời sống từ vật chất đến tinh thần cho người lao động. Chẳng hạn ngoài chế độ lương, thưởng thì công ty luôn xây dựng văn hóa công ty mà trong đó để cho công nhân luôn thấy có sự gắn kết, được người quản lý quan tâm. Vấn đề chăm lo về sức khỏe cho công nhân lẫn gia đình của họ được chú trọng. Lãnh đạo công ty cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ về những khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống.

Ông Dũng nhấn mạnh công ty đều mong muốn xây dựng một môi trường làm việc mà mỗi ngày sau khi thức giấc, người lao động đều mong muốn được đến công ty làm việc. Để làm được điều đó thì có rất nhiều việc và phải duy trì thường xuyên chứ không riêng dịp tết. Làm được như vậy thì công nhân sẽ gắn bó và đồng hành cùng DN để đảm bảo sản xuất lâu dài.

Bài toán lớn trong quá trình phục hồi kinh tế

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội VN, đánh giá nguồn nhân lực lao động là một trong những bài toán lớn nhất trong quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch của TP.HCM.

Thời gian qua, đã có số lượng lao động rất lớn rời TP.HCM về quê, chuyển đổi sinh kế. Những trải nghiệm khủng khiếp sau 1 năm chống chọi với Covid-19 sẽ khiến nguồn lao động không thể trở lại trong thời gian ngắn hạn. Tất nhiên, quá trình đô thị hóa cũng sẽ kéo họ về lại với TP, nhưng thời gian chờ đợi không biết kéo dài bao lâu. Trong giai đoạn đó, TP.HCM thiếu hụt lao động, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp vốn đang sức yếu, vừa mới trở lại sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng quy mô toàn quốc, thậm chí là toàn cầu.

Nếu tình trạng này kéo dài, các hợp đồng từ DN đầu tư nước ngoài sẽ dần chuyển sang nơi khác. Nghiêm trọng hơn là năng lực của chuỗi sản xuất cũng bị dịch chuyển, tác động rất lớn tới kinh tế của cả nước nói chung. Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu. Mặt khác, các DN muốn lôi kéo người lao động, trả lương cao, nhưng cũng đã kiệt sức. Muốn có nhiều cách thức, nhiều giải pháp, nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để níu chân, huy động, đào tạo trở lại lực lượng lao động khôi phục cả về chất và lượng thì DN phải dựa vào sự hỗ trợ từ chính sách như giảm thuế, phí…

“Muốn người dân nhanh chóng quay trở lại với TP.HCM, cần cam kết, chứng minh cho người dân, người lao động thấy sẽ không có một cuộc khủng hoảng như vậy nữa lặp lại. Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía T.Ư. Đây không thể chỉ là câu chuyện của DN hoặc của riêng TP.HCM”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả