Giữ chân các nhà đầu tư ngoại
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố vĩ mô giúp tạo môi trường hấp dẫn cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động. Thêm nữa, các phương án hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ đã ổn định tình h
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong 3 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút được 2,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chỉ xếp sau công nghiệp chế biến chế tạo.
Với quyết định mở cửa toàn bộ đường bay từ ngày 15/3 và các chính sách thông thoáng về thị thực nhập cảnh sẽ thúc đẩy dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào lĩnh vực bất động sản trong đó có không ít là qua phương thức M&A.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp quốc tế trong năm 2022 trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố vĩ mô giúp tạo môi trường hấp dẫn cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động. Thêm nữa, các phương án hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ đã ổn định tình hình kinh tế và đảm bảo an ninh xã hội. Đây được cho là hai yếu tố tạo dựng niềm tin của các doanh nghiệp FDI để rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, đặc điểm dân cư cũng là một điểm cộng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn ngoại quốc. Đây là quốc gia sở hữu lực lượng lao động trẻ và dồi dào cùng chi phí nhân công cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hơn thế nữa, tốc độ đô thị hóa cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra tiềm năng phát triển nhiều dự án khu đô thị mới.
Bên cạnh những yếu tố vĩ mô thuận lợi, sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước đóng vai trò tiên quyết giúp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Song hành cùng các chính sách kinh tế, chiến dịch tiêm chủng toàn dân cũng được triển khai nhanh chóng. Nhờ việc đẩy mạnh tốc độ và quy mô tiêm chủng, Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam.
Bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội chia sẻ, điều đáng kể là bước sang những tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình hình hoạt động M&A tích cực.
Tuy nhiên, hoạt động M&A tại nước ta vẫn tồn tại nhiều hạn chế nhất định, khiến doanh nghiệp FDI dè dặt hơn, phần nào kìm hãm sự phát triển của thị trường M&A. Đó là, hệ thống luật pháp về đất đai tại Việt Nam vẫn còn tương đối phức tạp. Nhiều điều khoản trong các bộ luật, tiêu biểu như Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản vẫn tồn tại điểm chưa thống nhất. Điều này gây ra những ách tắc, lãng phí hiện chưa tìm được hướng giải quyết. Những điều này vô hình trung sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của các thương vụ M&A.
Xét về cấu trúc giao dịch, đa số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều mong muốn triển khai cấu trúc liên doanh (joint venture). Theo mô hình này, họ nắm chủ yếu quyền đưa ra quyết định và nhà đầu tư Việt Nam hỗ trợ về mặt pháp lý của dự án. Song do sự khác biệt trong tập quán kinh doanh cũng như hệ thống luật pháp, việc đàm phán giữa hai bên mất nhiều thời gian, đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn ở giai đoạn hậu M&A.
Tuy thị trường M&A tại Việt Nam sở hữu nhiều ưu thế so với các quốc gia trong khu vực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức cho nhà đầu tư ngoại quốc. Các giao dịch M&A là rất phức tạp. Do đó, các bên tham gia cần tìm hiểu kỹ càng cũng như lập kế hoạch chi tiết để hướng tới giá trị dài hạn trong tương lai, bà Lê Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận