Giới tỷ phú Hồng Kông “kiếm” lại hơn 9 tỷ USD nhờ tin rút luật dẫn độ
Trong 6 tuần qua, tài sản của 10 người giàu nhất Hồng Kông đã sụt tổng cộng khoảng 27 tỷ USD trước khi hồi lại được hơn 9 tỷ USD nhờ tâm lý lạc quan về vấn đề biểu tình tại thành phố này ngày 4/9.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/9), chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông đã tăng tới 3,9%, mức cao nhất gần 10 tháng sau thông tin bà Carrie Lam dự định rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi - nguyên nhân gây bùng nổ phong trào biểu tình kéo dài suốt 3 tháng qua ở vùng lãnh thổ này. Vài giờ sau phiên giao dịch, nhà lãnh đạo Hồng Kông chính thức tuyên bố rút lại dự luật này.
Nhờ vậy, tổng tài sản của 10 người giàu nhất Hồng Kông, gắn liền với các công ty niêm yết tại thành phố này, đã tăng thêm 9,4 tỷ USD so với phiên hôm trước, lên 203,5 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Tổng tài sản của 10 người giàu nhất Hồng Kông tăng thêm hơn 9 tỷ USD sau một phiên - Nguồn: Bloomberg.
Dự luật dẫn độ đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình lớn chưa từng thấy ở Hồng Kông, với những cuộc tuần hành có hơn 1 triệu người tham gia và những cuộc biểu tình gây tê liệt sân bay quốc tế Hồng Kông - một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới.
Đây là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất mà vùng lãnh thổ này phải đối mặt kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Vài tuần gần đây, một số cuộc biểu tình tại thành phố này trở thành bạo động với xung đột ác liệt giữa những người biểu tình và cảnh sát.
"Bất kỳ thứ gì có thể xoa dịu tình trạng căng thẳng hiện tại đều là yếu tố tích cực với thị trường chứng khoán", Patrick Bennett, giám đốc chiến lược vĩ mô châu Á của Ngân hàng Thương mại Hoàng Gia Canada, nhận định.
Tuy nhiên, theo giáo sư Samson Yuen thuộc Đại học Lingnan, việc rút dự luật dẫn độ có thể giúp giảm bớt căng thẳng, nhưng chưa thể thỏa mãn người biểu tình. "Khẩu hiệu của người biểu tình vẫn là '5 yêu cầu, tất cả phải được đáp ứng', nên họ sẽ còn chiến đấu", ông Yuen nhận định.
Những người phản đối dự luật dẫn độ cho rằng dự luật này đe dọa quyền tự trị của Hồng Kông và xói mòn uy tín của Hồng Kông với tư cách một trung tâm tài chính toàn cầu.
Hôm thứ Ba (3/9), các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông đưa ra những phát biểu có phần mềm mỏng hơn, nói rằng biểu tình hòa bình là được phép theo quy định của pháp luật Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ yêu cầu của người biểu tình về dân chủ trực tiếp, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ dành cho bà Lâm và chính quyền của bà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận