Giới tài chính Hồng Kông thấp thỏm vì các cuộc biểu tình
Căng thẳng giữa người dân với chính quyền đặc khu Hồng Kông tăng cao liên quan đến dự luật dẫn độ gây tranh cãi, khiến giới lãnh đạo và đầu tư trong lĩnh vực tài chính ở đặc khu này lo lắng về tương lai của một thành phố được ví là trung tâm tài chính của châu Á và toàn cầu.
Hôm 12-6, khi lực lượng cảnh sát bắn đạn hơi cay và cao su vào những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở khu Kim Chung, quận Trung Tây, Hồng Kông, các cuộc thảo luận của các lãnh đạo và nhà đầu tư tài chính ở các cao ốc chọc trời trong khu vực chuyển hướng sang những tác động lây lan từ các căng thẳng xung quanh dự luật dẫn độ mà những người chỉ trích cho rằng sẽ làm xói mòn tính độc lập tư pháp quý giá của Hồng Kông.
Dự luật dẫn độ, đang được giới thiệu tại Hội đồng lập pháp Hồng Kông, cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, trong đó có Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Macau, để xét xử. Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được phép duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ độc lập với Trung Quốc đại lục và hai bên chưa ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Việc dự luật được giới thiệu khiến người dân Hồng Kông lo ngại “các nghi phạm Hồng Kông” có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc và bị xét xử theo một hệ thống pháp lý khác mà họ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch.
Một lãnh đạo cấp cao giấu tên ở chi nhánh của một ngân hàng đầu tư toàn cầu tại Hồng Kông cho biết giới tài chính đang đặt câu hỏi liệu thành phố này có còn là nơi an toàn để sống và làm việc không?
“Mọi người cảm thấy mùi khí cay trên đường về nhà. Tất cả chúng tôi đều đã lên các kế hoạch dự phòng trong trường hợp môi trường kinh doanh thay đổi mạnh mẽ”, ông này nói.
Đối với các công ty quốc tế đặt trụ sở khu vực và sử dụng hàng ngàn nhân viên ở Hồng Kông, câu hỏi đặt ra là liệu các rủi ro chính trị đang gia tăng có thể đe dọa sức hấp dẫn của Hồng Kông với vai trò là cửa ngỏ của Trung Quốc?
Tuy nhiên, chỉ một số ít công ty được phóng viên Bloomberg phỏng vấn trong những ngày qua cho biết, họ thực sự nghiêm túc cân nhắc kế hoạch rời khỏi Hồng Kông. Dù lo lắng dự luật dẫn độ, nếu được thông qua, có thể làm suy yếu mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, vốn là trụ cột cho vị thế trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu của Hồng Kông, rất ít công ty cho rằng sẽ có cuộc tháo chạy sắp diễn ra ở Hồng Kông.
Trong khi một số nhân viên của chi nhánh các ngân hàng toàn cầu gồm Barclays và Goldman Sachs ở Hồng Kông phải làm việc ở nhà trong tuần qua do tình hình biểu tình căng thẳng, không có dấu hiệu nào hoạt động của các ngân hàng này bị ảnh hưởng lớn bởi các cuộc biểu tình.
Ngân hàng HSBC cho biết các hoạt động của ngân hàng này tại Hồng Kông vẫn diễn ra bình thường. Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông cho biết ngoài một số chi nhánh ngân hàng gần các địa điểm biểu tình phải đóng cửa, hệ thống tài chính của Hồng Kông vẫn vận hành suôn sẻ.
Louis Tse, Giám đốc công ty VC Brokerage, cho rằng thời điểm căng thẳng nhất của các cuộc biểu tình đã qua. Ông cho biết lượng người biểu tình ở khu trung tâm thương mại của Hồng Kông hôm 13-6 đã giảm đi rất nhiều.
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ lên cao trào hôm 9-6 khi có đến hơn một triệu người tuần hành trên các đường phố Hồng Kông, theo các nhà tổ chức biểu tình. Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông nói rằng số người biểu tình vào lúc đỉnh điểm trong ngày hôm đó chỉ là 270.000 người.
Louis Tse nhận đình nếu biểu tình bùng lên trở lại, các nhà đầu tư cũng không quá lo lắng vì trước đây, phong trào biểu tình “Chiếm lĩnh Trung hoàn” năm 2014 nhằm đấu tranh cho quyền đề cử người lãnh đạo của người dân ở Hồng Kông, cuối cùng cũng tan rã mà không gây thiệt hại quá nhiều cho môi trường kinh doanh và thị trường chứng khoán của Hồng Kông.
Một số ý kiến khác cho rằng dự luật dẫn sẽ dẫn đến những rủi ro lớn. Nó có thể dọn đường để bất cứ ai chống chính phủ Trung Quốc sẽ bị bắt giữ dựa trên cáo buộc ngụy tạo ở Hồng Kông và bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Dự luật dẫn độ áp dụng cho những người mang hộ chiếu Hồng Kông, người công dân nước ngoài sinh sống và làm việc ở Hồng Kông và ngay cả những người nước ngoài đi công tác hay du lịch ở Hồng Kông.
“Đó là một lo ngại. Nếu dự luật này được thông qua, tôi có thể dễ dàng hình dung rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ muốn chuyển trụ sở của công ty họ sang Singapore”, Andrew Sullivan, một lãnh đạo ở công ty dịch vụ tài chính Pearl Bridge Partners, có trụ sở tại Hồng Kông, nói.
Carson Block, một nhà đầu tư bán khống nổi tiếng ở Mỹ với những báo cáo chê bai các công ty Trung Quốc, cho biết, ông sẽ suy nghĩ kỹ về việc đi đến thăm Hồng Kông nếu dự luật dẫn độ được thông qua. Ông cho rằng thành phố này đang thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn khi Trung Quốc tìm cách siết chặt quản lý Hồng Kông.
“Phương Tây từng hy vọng rằng Trung Quốc đại lục sẽ trở thành giống như Hồng Kông hơn. Nhưng rõ ràng điều ngược lại đã xảy ra và đó là điều không may đối với pháp quyền và các quyền tự do cá nhân ở Hồng Kông”, Block, người sáng lập công ty đầu tư Muddy Waters Capital, nói.
Một số ý kiến lo ngại Hồng Kông, thường được xếp hạng ở các vị trí dẫn đầu trong các cuộc khảo sát toàn cầu về môi trường kinh doanh, có thể trở thành nơi bất ổn khi các căng thẳng chính trị leo thang.
Công ty đầu tư PineBridge Investments (Mỹ), đang quản lý số tài sản 93 tỉ đô la Mỹ, là một trong một số công ty hủy hoặc hoãn các sự kiện ở Hồng Kông trong tuần này vì các cuộc biểu tình. Hôm 13-6, chính quyền Hồng Kông cũng hoãn cuộc đấu giá một khu vực đất vàng có thể thu về 1,7 tỉ đô la Mỹ. Hôm 14-6, sự kiện đua thuyền rồng ở Hồng Kông với lượng khách xem dự kiến 60.000 người, cũng bị hủy bỏ.
“Hồng Kông như thể đang ngày càng cực đoan hơn. Tôi cho rằng những cuộc xô xát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát sẽ tiếp tục xảy ra trong 10 năm mới, nếu không muốn nói là ngày càng gay gắt hơn”, lãnh đạo của một quỹ đầu tư phòng hộ nói khi đi bộ qua màn khí cay trên một đường phố Hồng Kông hôm 12-6.
Giới phân tích cho rằng các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông trong tuần qua chỉ tác động hạn chế đến triển vọng kinh tế Hồng Kông trong ngắn hạn nhưng có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng cho các triển vọng dài hạn.
Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á ở công ty Capital Economics (Anh) nói: “Hồng Kông là một thành phố với các định chế theo kiểu phương Tây và một chế độ pháp quyền. Nếu các giá trị này bị đe dọa, Hồng Kông còn lợi thế gì so với các thành phố khác ở Trung Quốc?”
Tờ South China Morning Post cho biết tại cuộc họp báo chiều 15-6, trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam thông báo “tạm dừng” xem xét dự luật dẫn độ nhưng không đặt ra khung thời gian để tái giới thiệu dự luật. “Tôi cảm thấy buồn lòng và hối tiếc sâu sắc rằng những thiếu sót trong công việc của chúng tôi và nhiều yếu tố khác đã khơi dậy những tranh cãi lớn”, bà Carrie Lam nói khi ám chỉ đến việc dự luật dẫn độ bị người dân phản đối. Mặc dù dự luật dẫn độ đã bị tạm gác lại, các nhà tổ chức biểu tình cho biết họ vẫn kêu gọi người dân Hồng Kông tham gia cuộc tuần hành vào ngày 16-6 để tiếp tục bày tỏ thái độ phản đối dự luật. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận