menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ dồn dập bán cổ phiếu

Trong năm nay, những nhà sáng lập và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Mỹ như Tesla, Microsoft, Google… đua nhau bán cổ phiếu doanh nghiệp của họ. Nhiều người trong số họ lần đầu tiên bán cổ phiếu sau nhiều năm trong bối cảnh mức định giá thị trường tăng vọt. Chính quyền liên bang và một số bang đang xem xét tăng mức thuế lợi nhuận đầu tư.

Bán mạnh nhất trong một thập niên

Theo thống kê của InsiderScore, các giám đốc điều hành, người sáng lập doanh nghiệp và những người trong doanh nghiệp khác ở Mỹ đã bán 69 tỉ đô la cổ phiếu trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 30% so với năm 2020.

Dữ liệu phân tích của Wall Street Journal cho thấy, trong năm nay, tính đến tháng 11, đã có 48 lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao ở Mỹ bán cổ phiếu với trị giá hơn 200 triệu đô la mỗi người. Trong khi đó, tính trung bình trong giai đoạn 2016-2020, số lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của Mỹ bán cổ phiếu có trị giá trên 200 triệu đô la chỉ ở mức rất thấp, khoảng hơn 10 người.

Góp mặt trong làn sóng bán cổ phiếu này có tỉ phú Ronald Lauder, thành viên hội đồng quản trị của hãng mỹ phẩm Estée Lauder Cos., hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, những người bán cổ phiếu lần đầu tiên sau 4 năm trở lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi, thúc đẩy doanh số và lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.

Những người giao dịch nội bộ nổi tiếng khác bao gồm các thành viên gia tộc Walton, những người thừa kế tài sản của Tập đoàn bán lẻ Walmart và Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty mẹ Facebook, Meta Platforms Inc., cũng đã tăng tốc bán cổ phiếu trong năm nay và có thể phá vỡ các kỷ lục gần đây về số lượng cổ phiếu mà họ đã bán.

Daniel Taylor, giáo sư chuyên ngành kế toán tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học bang Pennsylvania, cho biết: “Những gì bạn đang thấy là chưa từng có tiền lệ trong những năm gần đây”. Ông nói rằng năm 2021 đánh dấu làn sóng bán cổ phiếu mạnh mẽ nhất của người trong nội bộ doanh nghiệp trong một thập niên. Ông cho hay, từ lâu người trong nội bộ doanh nghiệp có lịch sử bán đỉnh và mua đáy.

Các nhà đầu tư đôi khi lo lắng rằng lượng cổ phiếu bán quá lớn của những người trong nội bộ doanh nghiệp có thể là dấu hiệu cho thấy họ không kỳ vọng giá cổ phiếu doanh nghiệp của họ sẽ tăng thêm đáng kể. Vì vậy, động thái bán cổ phiếu với số lượng lớn và gây bất ngờ của họ có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Các doanh nghiệp ở Mỹ thường yêu cầu các lãnh đạo cao cấp của họ nắm giữ lượng cổ phiếu có trị giá tương đương vài lần mức lương hàng năm của họ. Nhưng ngay cả sau khi bán một lượng cổ phiếu đáng kể, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn số cổ phiếu có trị giá dư sức vượt ngưỡng đó.

Các lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ không bị yêu cầu giải thích lý do bán cổ phiếu và trên thực tế, chỉ có một số ít lãnh đạo làm như vậy.

Bán để tiết kiệm tiền thuế

Xu hướng ồ ạt bán cổ phiếu của những người trong nội bộ doanh nghiệp diễn ra khi các nhà lập pháp ở Washington thảo luận về khả năng tăng thuế lợi nhuận đầu tư dài hạn để có ngân sách phục vụ các chương trình chi tiêu trong dự luật Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn) mà Đảng Dân chủ đang đề xuất. Trong tháng 11, những người trong nội bộ doanh nghiệp ở Mỹ đã bán lượng cổ phiếu có tổng trị giá 15,59 tỉ đô la.

Dự luật Build Back Better đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua, áp mức thuế phụ thu 5% của phần tổng thu nhập cá nhân vượt quá 10 triệu đô la mỗi năm bắt đầu từ năm 2022 và mức thuế phụ thu này tăng thêm 3% đối với phần thu nhập vượt quá 25 triệu đô la mỗi năm, bao gồm các khoản lãi nhờ bán cổ phiếu.

Giáo sư Daniel Taylor ước tính những người đóng thuế giàu có ở nước Mỹ có thể tiết kiệm đến 8 triệu đô la tiền thuế cho mỗi 100 triệu đô la trị giá cổ phiếu mà họ bán ra trước khi dự luật nói trên có hiệu lực. Ông suy đoán rằng đó chính là lý do lớn thúc đẩy các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao ở Mỹ mạnh tay bán cổ phiếu trong năm nay.

Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, người giàu nhất thế giới hiện nay với tổng trị giá tài sản khoảng 270 tỉ đô la, đã bán hơn 10 tỉ đô la trị giá cổ phiếu Tesla trong vòng một tháng qua. Một phần lý do mà tỉ phú Elon Musk bán cổ phiếu là để hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế liên quan đến việc ông thực thi quyền chọn mua cổ phiếu Tesla trước đó.

Tháng trước, CEO Tập đoàn Microsoft Satya Nadella đã bán một nửa tổng số cổ phần của mình, với giá khoảng 374 triệu đô la trước thuế. Các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể liên quan đến việc bang Washington chuẩn bị áp thuế 7% đối với mức lợi nhuận đầu tư vốn dài hạn trên 250.000 đô la mỗi năm trong năm tới.

Chốt lời khi giá cổ phiếu tăng lên mức kỷ lục

Khoảng 12 nhà sáng lập và giám đốc điều hành nổi tiếng ở Mỹ bán hàng triệu đô la cổ phiếu doanh nghiệp của họ trong năm nay sau khi không bán cổ phiếu nào trong năm 2020. Trong năm nay, hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin mỗi người đã bán 600.000 cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, với trị giá khoảng 1,5 tỉ đô la trước thuế, trong lúc giá cổ phiếu Alphabet đã tăng gần 70%, có lúc đạt mức kỷ lục hơn 3.000 đô la nhờ doanh thu và lợi nhuận tăng vọt. Ở lần bán gần đây nhất, vào năm 2017, họ đã bán cổ phiếu Alphabet chỉ với giá 800 đô la.

Ronald Lauder, con trai của người sáng lập hãng mỹ phẩm Estée Lauder Cos., đã bán hơn 2 triệu cổ phiếu của hãng này, thu về 600 triệu đô la trước thuế. Đây là lần đầu tiên Lauder bán cổ phiếu của Estée Lauder Cos. kể từ năm 2016. Cổ phiếu của Estée Lauder Cos. đã tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm nay, cao gấp 5 lần so với cuối năm 2016.

Trong năm qua, Michael Dell, Chủ tịch kiêm CEO của Dell Technologies, cũng gây chú ý khi bán 5 triệu cổ phiếu của công ty ông, thu về gần 253 triệu đô la trước thuế. Năm nay, David Rubenstein, người đồng sáng lập Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Carlyle Group, bán 11 triệu cổ phiếu của công ty này với giá 495 triệu đô la.

Những người trong nội bộ doanh nghiệp khác tiếp tục bán cổ phiếu với tốc độ nhanh hơn trong năm nay. Gia tộc Walton, đang nắm giữ hơn 50% cổ phần tại Tập đoàn bán lẻ Walmart, đã đẩy mạnh bán cổ phiếu Walmart trong năm nay, thu về hơn 6 tỉ đô la so với mức 1,5 tỉ đô la vào năm ngoái. Năm nay giá cổ phiếu Walmart đã chạm các mức cao nhất trong lịch sử.

Mark Zuckerberg, CEO Meta Platforms (tên gọi mới của Công ty mạng xã hội Facebook) cũng đã tăng lượng cổ phiếu Meta bán ra lên gần gấp bảy lần so với một năm trước, thu về gần 4,5 tỉ đô la trước thuế.

Thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa trong năm nay, giúp các lãnh đạo doanh nghiệp huy động được cùng số tiền hoặc nhiều hơn dù họ bán ra ít cổ phiếu hơn so với những năm trước.

Tỉ phú Jeff Bezos, Chủ tịch Amazon.com, thường bán khoảng 10 tỉ đô la cổ phiếu hàng năm để có nguồn tiền đầu tư cho Blue Origin, công ty công nghệ không gian do ông sáng lập. Năm nay, ông bán số cổ phiếu Amazon ít hơn 25% so với năm ngoái nhưng vẫn nhận về được 10 tỉ đô la chưa trừ thuế nhờ giá cổ phiếu tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại