menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Lương

Giới học thuật trầm trồ trước công trình nghiên cứu lịch sử tiền Việt

Dự án Lịch sử đồng tiền Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển tập hợp những bộ sưu tập hiếm quý chưa từng được công bố với nguồn thông tin khổng lồ, chính xác, kết hợp kiến thức hàn lâm, kiến thức khoa học và kiến thức thực tiễn của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như các nhà quản lý.

Công trình dài 699 trang, với gần 4000 hình ảnh và thông tin của gần 2000 đồng tiền Việt qua các thời kỳ, 970 phiếu tiền và vẫn tiếp tục được bổ sung.

Công trình do Tiến sĩ Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm Chủ nhiệm Dự án cùng với đội ngũ gần 30 nhà nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn vừa đạt kết quả nghiệm thu xuất sắc với quy mô cấp Bộ. Đây được coi là một công trình nghiên cứu đặc sắc về văn hóa, quảng bá truyền thống văn hóa của Việt Nam cho công chúng trong và ngoài nước, qua đó họ hiểu hơn về lịch sử của Việt Nam.

Giới học thuật trầm trồ trước công trình nghiên cứu lịch sử tiền Việt
TS Đào Minh Tú, Chủ nhiệm Dự án đang bảo vệ công trình trước Hội đồng Khoa học cấp Bộ

Công trình độc nhất vô nhị về Lịch sử tiền Việt

“Với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, thực tế đời sống đã sử dụng đồng tiền trong giao dịch rất lâu dài, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào nêu được một cách đầy đủ, khoa học về quá trình hình thành và phát triển của đồng tiền Việt Nam như công trình nghiên cứu này. Do đó, hiện tại, đây là công trình độc nhất vô nhị”, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu dự án nghiên cứu Khoa học cấp Bộ, TS Phùng Khắc Kế nhận xét về dự án.

TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, cho biết, ông rất ấn tượng về nguồn tư liệu thư tịch, tư liệu điền dã phong phú của dự án, đặc biệt tính xác thực của các tư liệu đó rất cao và mang tính đại diện cho từng giai đoạn lịch sử. Công trình nghiên cứu sử dụng khái niệm, thuật ngữ mang tính lịch sử cụ thể, khách quan khoa học mang văn phong chính luận của một công trình lịch sử.

Giới học thuật trầm trồ trước công trình nghiên cứu lịch sử tiền Việt
Buổi lễ nghiệm thu Dự án Lịch sử Tiền Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS Phùng Khắc Kế đánh giá cao công trình công phu, xác thực, đáng tin cậy và cập nhật của nhóm tác giả. Ông khẳng định, các sản phẩm này không chỉ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn với ngành Ngân hàng, mà còn là nguồn tài liệu có tính giáo khoa, một công trình khoa học chính thống để làm căn cứ cho việc tìm hiểu thêm về lịch sử của đồng tiền Việt Nam đối với các nhà nghiên cứu, những người quan tâm trong và ngoài nước. TS Phùng Khắc Kế tin tưởng, nếu công trình được xuất bản thành sách thì sẽ là một tài liệu có ích, một tài liệu nghiên cứu chính thống, làm cơ sở cho các công trình khác, phục vụ tốt cho công tác đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực này.

TS Đào Minh Tú cho hay, ông và đội ngũ nghiên cứu mong muốn tập hợp, hệ thống hóa tư liệu một cách khoa học, chính xác,có tính chất biện chứng duy vật lịch sử về các đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ thời vua Đinh Tiên Hoàng năm 968 đến năm 2016 phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Để có thể hình dung tổng quan nền tài chính- tiền tệ tự chủ của Việt Nam, Nhóm nghiên cứu Dự án phối hợp với các nhà khoa học, các nhà sưu tập tiền tư nhân nhằm làm rõ quá trình hình thành, tồn tại và kết thúc vai trò lịch sử trong mỗi chính thể đã từng tồn tại trong gần một nghìn năm qua của đồng tiền Việt Nam. Trong đó, các loại hình tiền Việt Nam được sắp xếp theo chất liệu và trình tự lịch sử.

Dự án chia thành 5 nhóm soạn thảo theo 5 chuyên đề do các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tiền làm trưởng nhóm, đó là: Chuyên đề 1: Tiền Việt Nam qua các thời kỳ phong kiến (970-1945) do ông Mai Ngọc Phát làm trưởng nhóm; Chuyên đề 2: Tiền do Ngân hàng Đông Dương phát hành (1874-1954) do ông Doãn Khắc Hùng làm trưởng nhóm; Chuyên đề 3: Tiền Việt Nam từ năm 1951 đến 2016 do ông Nguyễn Văn Mai làm trưởng nhóm; Chuyên đề 4: Những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa(1945-1954) do ông Huỳnh Tấn Thành làm trưởng nhóm; Chuyên đề 5: Tiền Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) do ông Vũ Huy Quang làm trưởng nhóm.

Hành trình dày công nghiên cứu ròng rã và gian nan

Các nhóm nghiên cứu triển khai tổ chức và đi khảo sát, tiếp cận nguồn tư liệu và các bộ sưu tập tiền của các bảo tàng, các nhà sưu tầm tư nhân tại Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Huế, Quảng Ngãi để hệ thống, lập danh mục các đồng tiền; tiến hành phân loại các đồng tiền theo thời kỳ lịch sử, niên hiệu, chất liệu; Scan, dịch thuật các tư liệu nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hán) để có thêm tư liệu nghiên cứu; Làm việc với Kho lưu trữ Ngân hàng Trung ương và Trung tâm lưu trữ quốc gia để khai thác, sao chụp các văn bản liên quan đến in, phát hành tiền.

Giới học thuật trầm trồ trước công trình nghiên cứu lịch sử tiền Việt
Tiền Thái Bình Hưng Bảo

Trên cơ sở danh mục đồng tiền, các thành viên nghiên cứu, nhà sưu tầm tư nhân đã cung cấp các bộ sưu tập của mình, bao gồm cả những bộ sưu tập quý hiếm và cùng cán bộ NHNN scan, chụp ảnh, ghi chép thông tin. Mặc dù bận công việc chuyên môn nhưng các thành viên rất nhiệt tình, trách nhiệm, tạo điều kiện cho cán bộ NHNN đến nhà riêng, hướng dẫn scan, chụp ảnh các bộ sưu tập của mình.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu của Dự án, song song với việc scan, chụp ảnh các đồng tiền, nhóm nghiên cứu đã đo kích thước, trọng lượng, mô tả từng đồng tiền và ghi chép lại thông tin. Trên cơ sở thông tin thu thập được, các cán bộ đã nhập dữ liệu vào máy tính, xây dựng một bộ hồ sơ khoa học cho các đồng tiền. Mỗi đồng tiền, tờ tiền có một lý lịch riêng với 6 thông tin cơ bản như tên Tiền, Mô tả, hình ảnh, niên đại, đặc điểm hiện trạng và lai lịch và đánh mã số. Phần chữ đúc hay in được phiên âm, dịch nghĩa và chú giải. Trên cơ sở Đề cương nghiên cứu, nguồn tư liệu, hình ảnh, thông tin về các đồng tiền đã thu thập được, các trưởng nhóm chủ động điều hành, tổ chức thành viên trong nhóm nghiên cứu theo từng mẫu tiền, từng sưu tập tiền có cùng chất liệu đồng, bạc, kẽm, nhôm, hợp kim đồng – nickel và giấy; sao chép, chụp ảnh; scan, photoshop và dập thác bản một số mẫu tiền kim loại; dịch thuật các loại chữ đúc hay in trên tiền như chữ Hán, chữ Pháp và chữ Lào để tiến hành viết đề cương và bản thảo.

Công việc nghiên cứu có khởi đầu không hề suôn sẻ, từng có lúc dự án gặp nhiều khó khăn và nhóm tác giả phải ngồi lại cùng nhau để nhìn nhận, đánh giá lại cách tiếp cận đề tài, hướng đi nghiên cứu và phân chia công việc cho các tác giả. TS Đào Minh Tú kể lại, dự án đã gặp rất nhiều trở ngại, đòi hỏi người làm khoa học phải thực sự tâm huyết, có trình độ và có thời gian cho công tác nghiên cứu, đi thực tế, điền dã, sưu tầm tài liệu và hiện vật một cách nghiêm túc của người làm học thuật. Do đó, đội ngũ thực hiện dự án đã chấp nhận làm lại từ đầu, thực hiện 37 cuộc họp nội bộ từng nhóm và giữa các nhóm, 3 Hội thảo tại Hà Nội, 1 Hội thảo tại TP HCM, tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa bản thảo từ các nhà khoa học, nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.

Kết quả là dự án đã nhận được sự khen ngợi và đặc biệt quan tâm từ giới học thuật. “Bố cục Dự án cân đối, phân kỳ lịch sử phù hợp, logic, nội dung phong phú, đa dạng, được phân tích sâu sắc với nhiều hướng tiếp cận khác nhau, lập luận khoa học vững vàng, khách quan, kết quả nghiên cứu mới, có tính trung thực trong sử dụng tài liệu nghiên cứu và trích dẫn nguồn xuất xứ”, TS Nguyễn Đức Nhuệ bình luận. Theo ông, nội dung đề tài có nhiều đóng góp trong quá trình hoàn thiện về lý thuyết kinh tế, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường trong thời hiện tại cũng như lý thuyết về tiền tệ trong khung lý thuyết chung về kinh tế.

“Công trình cũng là cơ sở chắc chắn để các cơ quan hữu quan xây dựng Bảo tàng Tiền Việt Nam, phục vụ một cách hữu hiệu hơn nữa cho công tác nghiên cứu về hệ thống tiền tệ nước ta, cũng như quảng bá truyền thống văn hóa của Việt Nam cho công chúng trong và ngoài nước”, TS Phùng Khắc Kế nhấn mạnh.

Khẳng định đây là công trình đầu tiên toàn vẹn về tiền Việt Nam, PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Phó Trưởng khoa, Phó Trưởng Bộ môn, Giảng viên cao cấp bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đánh giá: Các tác giả đã sử dụng phương pháp tư duy lịch sử và tư duy biện chứng để nghiên cứu và hoàn thành dự án. Các phân tích và lập luận về các vấn đề sử học, cổ tiền học, giám định… có hàm lượng khoa học cao, có tính mới, cập nhật và có toàn bộ các loại tiền Việt Nam từ khi hình thành cho đến năm 2016. Công trình góp phần quan trọng cho công tác đào tạo cổ tiền học, khảo cổ học, lịch sử kinh tế, lịch sử tiền tệ… trong các trường Đại học Văn hóa, các khoa Lịch sử, Bảo tàng, Học viện ngân hàng, Đại học Kinh tế…

Dự án nghiên cứu "Lịch sử đồng tiền Việt Nam - quá trình hình thành và phát triển" được đánh giá sẽ tạo cơ sở hình thành bộ Cẩm nang tra cứu về tiền Việt Nam, cũng như góp phần giám định các đồng tiền phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cũng kỳ vọng, kết quả nghiên cứu này mở ra các chuyên đề chuyên khảo về Lịch sử kỹ thuật chế tác và in ấn tiền ở Việt Nam, Nghệ thuật trang trí trên tiền Việt Nam…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại