Giới học giả Trung Quốc kêu gọi cải cách và mở cửa để đối phó thương chiến Mỹ-Trung
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka (Nhật Bản) vừa qua, hẳn là chẳng có gì bất ngờ khi ông lần nữa thề thốt sẽ cải cách sâu hơn và mở rộng quá trình mở cửa kinh tế.
Mặc dù ông Tập cứ nói đi nói lại về những điều hay ho về cải cách cho những khán giả trong nước và quốc tế nghe hàng năm trời, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không mấy ấn tượng. Năm 2018, Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc một phần cũng là để đáp trả cho nhiều năm tích tụ sự giận dữ và thất vọng đối với tốc độ cải cách chậm chạp của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu quan trọng vào ngày thứ Sáu (29/06), ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ thực hiện “những bước tiến quan trọng” để tự do hóa nền kinh tế và giảm bớt các hạn chế thị trường cho giới đầu tư nước ngoài, những người lâu năm luôn phàn nàn bị đối xử bất bình đẳng so với các doanh nghiệp Nhà nước (SOE) của Trung Quốc, cũng như khả năng tiếp cận thị trường hạn chế và việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Ông Tập liệt kê hàng loạt biện pháp được xây dựng riêng để xoa dịu những lời phàn nàn trên: Các ngành nông nghiệp, khai thác mỏ và dịch vụ sẽ được mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài; mở thêm 6 khu vực thương mại tự do mới; cắt giảm thuế quan nhập khẩu; một luật đầu tư nước ngoài mới – dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2020 – sẽ cải thiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ; và cho ra mắt cơ chế khiếu nại để bảo vệ lợi ích và quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn.
Ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại để khởi động lại đàm phán thương mại sau khi hai ông gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày thứ Bảy (29/06). Thế nhưng, các chuyên gia phân tích cho biết việc ganh đua giữa hai cường quốc này còn lâu mới có thể chấm dứt. Các nhà quan sát cho rằng những xích mích và mâu thuẫn giữa hai quốc gia sắp sửa được tăng thêm, trong đó phía Washington đang xem Bắc Kinh là đối thủ chiến lược – vốn đang định hình lại việc quản trị toàn cầu với một bộ các giá trị, tiêu chuẩn và niềm tin hoàn toàn khác.
Những cuộc xung đột thương mại và khó khăn tiềm tàng được cho là sẽ xảy ra với Trung Quốc thông qua việc Mỹ và các nước đồng minh từ chối cho phép Trung Quốc tiếp cận công nghệ đã khơi gợi toàn bộ các nỗ lực liên quan đến cải cách trong giới tinh hoa Trung Quốc, trong đó gần đây có vài học giả đã công bố các giải pháp mà họ cho là có thể giúp Trung Quốc sống sót trong thời đại thù địch từ các nước bên ngoài.
“Giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề đơn phương với Mỹ là cải cách và mở cửa”, Cai Fang, Phó Chủ tịch của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – học viện hàng đầu của nước này, cho biết trong một bài báo đăng tải trên tài khoản WeChat về Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 vào tuần trước.
Theo ông Cai, việc đẩy mạnh cải cách là tối quan trọng khi cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng đang thúc đẩy các nhà đầu tư di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Về mặt thực tế, ông Cai đề nghị nới lỏng các quy định đăng ký đất đai và hộ gia đình để khuyến khích sự linh hoạt của lực lượng lao động Trung Quốc. Ông lập luận rằng lợi thế sản xuất kéo dài hàng thập kỷ nay của Trung Quốc – bắt nguồn từ lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp – có thể sẽ biến mất nhanh chóng khi dân số của đất nước già hóa.
Trong khi đó, việc cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong khoản phân bổ nguồn lực nên được đưa vào chương trình nghị sự và cần phải sắp xếp hệ thống để bảo đảm tất cả mọi thực thể trong thị trường đều được đối xử công bằng, ông nhấn mạnh.
Việc tôn trọng vai trò của thị trường đã trở thành “lá bài” quan trọng trong phương hướng cải cách của Trung Quốc, ít nhất là từ năm 2013. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong hàng loạt tài liệu chính sách và thề thốt rằng sẽ khiến các doanh nghiệp Nhà nước trở nên lớn và mạnh hơn, qua đó làm dấy lên sự nghi ngờ về cam kết tạo ra một sân chơi bình đẳng của Trung Quốc.
Wang Yizhou, Giảng viên quan hệ quốc tế của Đại học Peking, thậm chí còn đi xa hơn, ông nói rằng Trung Quốc nên cải thiện hệ thống chính trị và áp dụng tính công khai và minh bạch ở hàng loạt lĩnh vực trước khi nước này có thể xoa dịu sự thù địch và mang lại tầm ảnh hưởng quốc tế lớn hơn.
Ông Wang nói những thực tế này đã đặt Trung Quốc vào thế phòng bị trong các cuộc đối thoại với các đối tác thương mại trên toàn thế giới.
“Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế. Nhưng nước này còn có khả năng để cải thiện tình hình chính trị, hòa hợp xã hội và nhiều lĩnh vực khác”, ông Wang cho biết trên một diễn đàn của Đại học Renmin tại Bắc Kinh vào tháng 06/2019. “Số phận của Trung Quốc cuối cùng sẽ được định đoạt bằng các chính sách nội bộ: Liệu nước này có tạo ra được một xã hội nhân từ hay không”.
Yu Yongding, cựu cố vấn của Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), cho biết Trung Quốc nên nghiêm túc xem xét việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hiện Nhật Bản đang là nước dẫn dắt – và cho phép những ràng buộc của CPTPP thúc đẩy Bắc Kinh phải cải cách.
CPTPP, bao gồm các quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới và hơn 800 triệu người tiêu dùng, cung cấp một danh sách đầy những luật lệ rộng lớn và đầy tham vọng cho các mối quan hệ kinh tế hiện đại. Bằng việc chấp nhận danh sách quy định này, Trung Quốc sẽ cam kết sắp xếp chính sách cho hợp với chuẩn mực toàn cầu, chẳng hạn như thúc đẩy một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp Nhà nước và các đối thủ cạnh tranh là công ty tư nhân của họ.
“Việc gia nhập CPTPP dự kiến sẽ có lợi cho kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy Trung Quốc cải cách”, ông Yu cho biết trên một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tuần trước, ngay trước khi Hội nghị G20 diễn ra.
Việc không tham gia vào CPTPP có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của một quốc gia chuyên xuất khẩu hàng hóa do hiệu ứng chuyển hướng thương mại, xảy ra khi các hiệp định thuế quan khiến hàng nhập khẩu chuyển từ các nước có chi phí thấp sang các nước có chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn do dự và không chấp nhận tính trung lập của CPTPP vì nó mâu thuẫn với các chính sách kinh tế của Chính phủ. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn không đạt được sự đồng thuận về các vai trò có liên quan của doanh nghiệp cá nhân và doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế Trung Quốc.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra các cải cách mang định hướng thị trường trong năm 2013, một số lĩnh vực đã có tiến triển và tác động tới các lĩnh vực khác, nhưng vẫn không có cải cách đáng kể nào được đưa vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Vị trí đầy thuận lợi của các doanh nghiệp Nhà nước khi so với các thực thể khác cũng là một trong những khó khăn cản trở các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Jude Blanchette, Giám đốc khu vực Trung Quốc của Crumpton Group, công ty chuyên tư vấn chiến lược và rủi ro địa chính trị có trụ sở tại Virginia (Mỹ), cho biết việc thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước sẽ là một thách thức lớn.
“Cải cách đòi hỏi phải chuyển giao quyền lực kinh tế và chính trị từ nhóm này sang nhóm khác, và nhóm đang thua cuộc trong quá trình này sẽ luôn phản kháng trở lại”, ông Blanchette nói. “Các doanh nghiệp Nhà nước lớn không muốn có một sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp trong nước cũng không muốn chơi bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài”.
Sourabh Gupta, Chuyên gia chính sách tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Trung tại Washington, cho rằng những cải cách cần phải làm – và có thể dần dần thực hiện được tại thời điểm này – là “những cải cách có liên quan đến việc chuyển đổi sang ‘kỷ nguyên mới’ của ông Tập – vốn đang diễn ra trong hệ thống chính trị và kinh tế”.
Một trong số đó là những chuyển đổi trong cơ cấu nền kinh tế từ một nước có nền kinh tế có động lực thúc đẩy từ nợ và khoản đầu tư dồi dào thành một nước có năng suất cao hơn và do tiêu dùng thúc đẩy.
“Điều luật đầu tư nước ngoài mới và các quy tắc đang được soạn thảo nên tạo ra những bước tiến hiệu quả trên mặt trận này. Một khi Trung Quốc nghiêm túc xem xét việc tham gia vào CPTPP, thì những cải cách liên quan đến luật đầu tư nước ngoài này sẽ giúp Trung Quốc đứng vững”, ông Gupta nói.
Cải cách quan trọng thứ hai là sự chuyển đổi dần dần vai trò của Nhà nước từ phương diện sản xuất của nền kinh tế sang phương diện tiêu thụ, trong khi đó vẫn duy trì việc kìm kẹp chắc chắn đối với một số mức độ nhất định của nền kinh tế, theo ông Gupta.
“Việc chuyển đổi này sẽ không dễ dàng”, ông Gupta nói. “Nhưng Trung Quốc cũng nhận thức được rằng mô hình kinh tế dựa vào trợ cấp đang sắp chạm đến giới hạn và là một mô hình không hiệu quả và tốn kém. Và khi các công ty Trung Quốc trở thành người chơi trên sân chơi kinh tế toàn cầu, thì sự khoan nhượng của các Chính phủ nước ngoài đối với mô hình kinh tế trợ cấp như thế này đang dần trở nên mong manh hơn”.
“Áp lực đến từ Mỹ và châu Âu thực sự sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy những cải cách này và lần nữa sẽ giữ Trung Quốc đứng vững khi nước này nghiêm túc xem xét đến gia nhập CPTPP và áp dụng những quy chuẩn của CPTPP cho các SOE”.
“Tuy nhiên, các điều luật về cạnh tranh công bằng sẽ không có hiệu quả chỉ ngay sau một đêm. Nó là vấn đề kéo dài tối thiểu là một thập kỷ”, ông Gupta nói.
George Magnus, Cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, nói rằng những cải cách do các học giả Trung Quốc đưa ra nên “được lý tưởng hóa thành một phần cốt lõi trong con đường phát triển tương lai của Trung Quốc, không chỉ cho mối quan hệ Mỹ-Trung”.
“Nhưng Trung Quốc càng cố ‘tách khỏi’ mối quan hệ với Mỹ, thì các lực lượng đấu tranh cho những cải cách này sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn”, ông Magnus nói. “Tuy nhiên, vẫn có sự đối lập giữa một bên là những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và tự chủ hơn và một bên là những người nghĩ rằng Trung Quốc cần phải thay đổi đối với việc mở cửa và cải cách”.
Trong khi ông Trump đã tiến hành chiến dịch tái tranh cử Tổng thống ngay lúc cả hai Đảng của Mỹ đạt được sự đồng thuận về phương pháp tiếp cận với Trung Quốc, thì Bắc Kinh lại phải dùng đến chủ nghĩa dân tộc trong lúc mối quan hệ với Mỹ và châu Âu ngày càng xấu đi và suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc.
Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát đã phối hợp để chĩa mũi dùi vào Washington, chỉ trích chính quyền của ông Trump vì những hành động khiêu khích liên tục và các cuộc đàm phán thương mại không có kết quả trong vài tháng vừa qua. Những người ủng hộ việc Trung Quốc nên nhượng bộ Mỹ trong các cuộc đàm phán trước đây thậm chí còn bị truyền thông gọi là những kẻ đầu hàng hoặc lũ phản bội.
“Theo nhiều cách, chủ nghĩa dân tộc là phản đề đối với việc mở cửa và cải cách. Đây rất có thể là thời điểm quyết định cho giới chính trị Trung Quốc và cho các phe phái trong Đảng đang đứng sau những vị trí thay thế này”, ông Magnus nói.
Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học Luân Đôn, nói rằng những lời đề nghị mà các học giả Trung Quốc đưa ra “được cảm nhận rõ ràng”.
“Họ có khả năng củng cố năng lực của Trung Quốc để đối phó với việc tách rời khỏi Mỹ, đó là những gì mà tranh chấp thương mại và các tranh chấp khác được thể chế hóa. Nhưng nếu như họ không phải những nhà phê bình trá hình, thì những lời đề nghị này hẳn là đến từ những người không thuộc chính quyền của ông Tập”, ông Tsang nói.
“Ông Tập có thể chọn lấy một ý kiến ở chỗ này và hai ý kiến từ chỗ khác nhưng cơ hội để phần lớn các đề nghị được chấp nhận là không cao”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận