menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Tuấn

Giới học giả Trung Quốc can ngăn chính phủ hô hào “sáng tạo bản địa”

Giới học giả Trung Quốc cho rằng để quản lý rủi ro chiến tranh công nghệ với Mỹ, chính phủ Trung Quốc nên từ bỏ cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước hiện nay.

Tại một cuộc hội thảo về ứng phó chiến tranh thương mại với Mỹ do Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) thuộc Đại học Bắc Kinh tổ chức hồi tháng trước, các học giả đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc từ bỏ cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc, vốn tập trung quá lớn vào “ngành công nghiệp quốc gia” và “sáng tạo bản địa”.

Các học giả này bao gồm giáo sư Wang Jisi, Viện trưởng IISS; Wang Zhile, cựu chuyên gia nghiên cứu ngoại thương của chính phủ Trung Quốc; Liu Yadong, Tổng biên tập Nhật báo Khoa học và Công nghệ, cơ quan ngôn luận của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; Zhu Qichao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và An ninh quốc gia thuộc Đại học Công nghệ quốc phòng quốc gia Trung Quốc; Fang Xingdong, nhà sáng lập Chinalabs.com, một tổ chức tư vấn không gian mạng; và Zha Daojiong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài hơn một năm với hàng loạt biện pháp áp thuế của cả hai bên nhằm vào hàng hóa của nhau. Các căng thẳng cũng lan ra các ngành công nghệ cao khác khiến ZTE và Huawei bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington.

Trung Quốc đang kêu gọi thúc đẩy “sáng tạo bản địa” để tránh sự phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài, đặc biệt là của Mỹ. Mạng xã hội WeChat, mạng chia sẻ video Youku hay công cụ tìm kiếm Baidu được xem là những “sáng tạo bản địa” của Trung Quốc. Tuy nhiên, các học giả trên không ủng hộ cách tiếp cận này.

“Chúng ta không nên quá tập trung vào sáng tạo bản địa nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta cần xây dựng một chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không phải chuỗi giá trị Trung Quốc. Chúng ta không thể phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao bằng tầm nhìn từng giúp Trung Quốc chế tạo quả bom hạt nhân và vệ tinh đầu tiên vào thập niên 1960”, tài liệu nội bộ về cuộc hội thảo do IISS phát hành có đoạn.

Trung Quốc đã phát triển thành công quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 bất chấp nước này bị Mỹ cấm vận thương mại. Kỳ tích này được ca ngợi như là một hình mẫu đối với cách mà Trung Quốc có thể tự phát triển các công nghệ cao.

Các học giả tham gia hội thảo ở IISS nói rằng, Trung Quốc phải tránh hô hào cạnh tranh với Mỹ về ngôi vị thống lĩnh công nghệ toàn cầu vì thông điệp tuyên truyền như vậy “đi ngược lại với các mục tiêu chính sách của chúng ta”.

“Mục tiêu tột bậc của Trung Quốc là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là mang lại sự sung túc cho người dân, chứ không phải cạnh tranh chống lại Mỹ”, tài liệu của IISS nhấn mạnh.

Trung Quốc đang tìm cách tránh bẫy thu nhập trung bình, tức trong một giai đoạn phát triển khi mà một nước đạt được một mức thu nhập nhất định nhưng rồi sau đó rơi vào tình trạng trì trệ và không tiến lên được vì không thể chuyển từ lợi thế sản xuất chi phí thấp sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập quốc doanh (GNI) tính theo đầu người của Trung Quốc tăng 9,8% trong năm 2018. Điều này cho thấy rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần tiến đến ngưỡng trên của khoảng thu nhập trung bình và có thể bứt phá lên ngưỡng thu nhập cao trong 3-4 năm tới nếu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Vẫn chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có chú ý đến đề xuất của các học giả tham gia cuộc hội thảo ở IISS hay không. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang giảm hô hào các tham vọng. Chẳng hạn, do áp lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đã ngừng quảng bá chương trình phát triển công nghệ cao “Made in China 2025”. Dù vậy, một số chương trình trợ cấp của chính quyền trung ương và một số chính sách hỗ trợ của các chính quyền địa phương dành cho sự phát triển công nghệ vẫn còn duy trì.

Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei, cũng hối thúc người dân Trung Quốc bỏ lối tư duy chủ nghĩa dân tộc. Các học giả tham gia cuộc hội thảo ở IISS cũng cho rằng Trung Quốc cần phải rút ra bài học từ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE và Huawei để bảo đảm các công ty trong nước tuân thủ luật pháp của các nước khác nếu họ muốn hoạt động trên toàn cầu.

“Trung Quốc phải hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc và quy định trong các thương vụ xuyên giới để giảm các rủi ro”, các học giả nhấn mạnh.

Họ nhất trí cho rằng một cuộc tách rời công nghệ hoàn toàn giữa Mỹ và Trung Quốc không có khả năng xảy ra nhưng các rủi ro hợp tác đang lớn dần sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump từ chối cấp visa cho các sinh viên Trung Quốc, dừng một số dự án nghiên cứu với các nhà khoa học Trung Quốc và tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc.

Các học giả nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ có đủ năng lực siết chặt kiểm soát các quyền sở hữu tài sản trí tuệ, hệ thống tài chính và logistics trên quy mô toàn cầu thông qua các công cụ hành chính và pháp lý. Điều này sẽ hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong ngắn hạn. Vào thời điểm hợp lý, Trung Quốc nên đề xuất tham gia đối thoại với Mỹ về an ninh không gian mạng và cạnh tranh công nghệ... để nâng cao niềm tin, giảm sự nghi kỵ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả