Giới đầu tư đổ xô rót tiền vào các tài sản chống lạm phát
Giới đầu tư trên toàn cầu đang đổ xô vào các tài sản phòng thủ lạm phát như trái phiếu chính phủ và các sản phẩm chứng khoán của quỹ đầu tư hàng hóa và tín quỹ đầu tư bất động sản.
Họ đặt cược rằng giá cả tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao ngay cả khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ sau gần hai năm nỗ lực kích thích nền kinh tế để chống đỡ tác động của đại dịch Covid-19.
Tình trạng tắc nghẽn của các chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng tăng cao, các chương trình chi tiêu lớn của các chính phủ và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã khiến lạm phát tăng vọt trên toàn cầu trong năm nay.
Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982, trong khi đó, CPI của khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) tăng kỷ lục 4,9%. Hơn 3/4 trong số những nước được Pew Research khảo sát có mức lạm phát trong quý 3 -2021 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã phát tín hiệu sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với dự tính ban đầu nhưng có thể vài tháng nữa, họ mới chính thức tăng lãi suất.
Roger Aliaga-Diaz, nhà kinh tế cấp cao tại Vanguard, công ty đang quản lý số tài sản trị giá 7,2 tỉ đô la, cho biết: “Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong năm tới, cao hơn mục tiêu của Fed, đặc biệt là do tình trạng mất cân bằng cung cầu cần thời gian để giải quyết”.
Giới đầu tư trên toàn cầu đang sắp xếp lại danh mục đầu tư của họ mua vào các tài sản có thể sinh lời hoặc có thể chống đỡ mức lạm phát đang tiếp tục tăng.
Theo Công ty dữ liệu EPFR, trong năm nay, giới đầu tư đã rót số tiền kỷ lục đến 66,8 tỉ đô la vào các quỹ nắm giữ Chứng khoán chống lạm phát của chính phủ Mỹ (TIPS), một loại trái phiếu có mệnh giá tăng giảm tương ứng với mức tăng giảm của lạm phát.
BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao hơn so với trước đại dịch Covid-19 và đang duy trì tỷ trọng nắm giữ cao đối với TIPS.
Ở Anh, nhu cầu đầu tư vào các tài sản chống lạm phát mạnh mẽ đến mức vào tháng trước, đợt bán đấu giá lô trái phiếu chính phủ chống lạm phát trị giá 1,1 tỉ bảng, đáo hạn vào năm 2073 đã thu hút giới đầu tư đặt mua với mức lợi suất thấp nhất và mức giá cao kỷ lục.
Sonal Desai, Giám đốc đầu tư tại Công ty Franklin Templeton, cho biết công ty bà ưu tiên đầu tư vào tiền tệ hoặc một số loại hàng hóa năng lượng vì xem chúng như là các tài sản bảo vệ gián tiếp đối với lạm phát.
Các “tài sản thực” như hàng hóa hoặc bất động sản cũng được giới đầu tư chú ý. Một quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa trị giá 4,5 tỉ đô của Công ty quản lý đầu tư Invesco, đang nắm giữ các hợp đồng tương lai theo dõi các hàng hóa bao gồm đồng, dầu thô và đậu nành, đã hút ròng 2,4 tỉ đô la trong 11 tháng đầu năm nay. Riêng tháng 10, dòng vốn đổ vào quỹ này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Vàng, vốn được coi là nơi trú ẩn tài sản an toàn trong những thời kỳ lạm phát tăng cao, đã không được giới đầu tư đánh giá cao trong năm nay khi các quỹ hoán đổi danh mục vàng hàng đầu trên toàn cầu bị rút ròng hơn 10 tỉ đô la, theo ETF.com. Tiền mã hóa cũng thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư đang cách bảo toàn giá trị tài sản trước áp lực lạm phát, nhưng giá bitcoin giảm mạnh kể từ đầu tháng 11.
Năng lượng và lạm phát có mối liên hệ chặt chẽ với nhau vì chi phí năng lượng đóng một vai trò lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Giá dầu hoặc khí đốt tăng, trực tiếp đẩy tăng chi phí tiêu thụ năng lượng cho người tiêu dùng đồng thời gián tiếp kéo tăng chi phí hàng hóa do chi phí sản xuất và vận chuyển đắt đỏ hơn.
Dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư hàng hóa năng lượng tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay. Mike Sewell, Giám đốc danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price, cho biết: “Các hàng hóa như dầu có xu hướng phòng thủ khá tốt nếu lạm phát được kỳ vọng tăng trong dài hạn”.
Các tín quỹ đầu tư bất động sản cũng thu hút sự chú ý các nhà đầu tư ở Mỹ vì chúng chủ yếu tạo ra thu nhập thông qua tiền cho thuê nhà, vốn có xu hướng tăng cùng với lạm phát. Dòng vốn chảy vào các tín quỹ bất động sản ở Mỹ đang phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục khi chính quyền cho phép người thuê hoãn đóng tiền thuê nhà trong những tháng đầu của đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận