Giới chuyên gia: Tiêm vaccine COVID-19 liên tục không phải là giải pháp bền vững
Tờ Haaretz (Israel) dẫn lời các chuyên gia y tế và virus cho rằng tiêm bổ sung vaccine mũi 4-5 ngừa COVID-19 không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với hệ miễn dịch, tuy nhiên việc tiêm bổ sung liên tục không phải là giải pháp bền vững. Cuối cùng, nhân loại sẽ phải coi đây là dịch bệnh theo mùa khi virus thay đổi và yếu đi.
Nhóm chuyên gia cố vấn về COVID-19 cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần qua đã công bố báo cáo cho rằng chiến dịch “tiêm đuổi” dựa trên loại vaccine ban đầu không phải là giải pháp bền vững. Trước đó, WHO đã chỉ ra vấn đề bất công và bất cập trong mục tiêu chống dịch khi nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Mặc dù vaccine có tác dụng tốt trong việc chống bị lây nhiễm và làm lây nhiễm, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng nặng, nhưng do virus liên tục biến đổi nên cần tập trung phát triển các loại vaccine hiện hành nhằm tăng tính hiệu quả phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ bệnh nặng với mọi biến thể virus có thể xuất hiện trong tương lai.
Những cảnh báo của WHO cũng chính là lo ngại lâu nay của công chúng về chiến lược tiêm vaccine: Phải chăng đây chỉ là mở đầu của giai đoạn sắp tới tiêm bổ sung liên tục, và nếu đúng, liệu giải pháp này có hiệu quả hay không trước sự biến đổi liên tục của virus?
Tiến sĩ Oren Kobiler, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Tel Aviv, nhận định: “Thực sự vaccine không phải là giải pháp duy nhất chống dịch bệnh. Nhưng nó có lợi bởi đã được chứng minh rất hiệu quả và tác dụng trong thời gian đầu và các nước sử dụng nhiều nhất có thể. Về nguyên tắc, ít nhất là đối với các chuyên gia virus và dịch tễ, cần phải có nhiều lớp áo giáp – theo mô hình “pho mát”, trong đó mỗi lát đều có các lỗ hổng, nhưng xếp chồng lên nhau sẽ ngăn cản ánh sáng, trong trường hợp này là virus, xuyên qua”.
Tiến sĩ Kobiler cho rằng giải pháp không nằm ở việc tiêm liên tục các mũi bổ sung, mà cần nỗ lực đồng bộ để giảm bớt tiếp xúc và tụ tập nhằm giảm tỷ lệ lây lan, đồng thời nâng tỷ lệ tiêm phòng trong số dân cư chưa tiêm. Ông nói: “Tiêm phòng cho cả thế giới bằng mũi 1 và 2 quan trọng hơn là chỉ tiêm bổ sung liên tục cho nhóm đã được tiêm phòng”.
Giáo sư Jonathan Gershoni, chuyên gia về miễn dịch tại Đại học Tel Aviv, cho rằng lo ngại về tổn hại đối với hệ miễn dịch hoặc phản ứng miễn dịch do tiêm bổ sung mũi 4 là thừa. Ông nói: “Có một thuật ngữ ‘sức chống chọi của hệ miễn dịch’ – một phần của quá trình ‘đào tạo’ hệ miễn dịch. Đó là những quá trình rõ ràng và tự nhiên ở cấp phân tử, qua đó hệ miễn dịch học cách phân biệt các protein tự thân và phi tự thân, do đó cơ thể sẽ nhận biết protein nào cần chống trả và protein nào không cần, vì vậy nó sẽ không tự tấn công chính mình. Một phần của quá trình này là phát triển khả năng chịu đựng với kháng nguyên này hoặc kháng nguyên kia. Về lý thuyết có những tình huống, qua thí nghiệm, rằng nếu có sự quá tải theo thời gian, có thể dẫn đến kết cục là một phần của hệ miễn dịch bị nhờn. Đây chỉ là quan điểm lý thuyết, và nó không áp dụng trong tình huống này. Nếu nói tiêm 4 liệu mỗi năm sẽ xảy ra tình trạng này thì thái quá”.
Về tính hiệu quả khác nhau của vaccine đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và sự suy giảm kháng thể theo thời gian, dư luận băn khoăn liệu giới khoa học với những kiến thức và thực tế vừa qua về hệ miễn dịch, virus và vaccine, có đủ căn cứ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân hay không? Giáo sư Gershoni cho biết thế giới virus rất rộng lớn với nhiều họ và loại khác nhau, với các đặc tính khác nhau, trong đó “mỗi virus và họ virus là một thế giới riêng”. Khi tập trung nghiên cứu họ virus Corona, sự khác nhau giữa mỗi dòng lại rất lớn: “Có 7 dòng virus Corona tấn công con người, trong đó 4 dòng gây ra tác động nhẹ, thường gọi là ‘cảm lạnh’. Khoảng 30% số lần ‘cảm lạnh’ là do các virus Corona này… Chúng có thể lây nhiễm lặp lại nhiều lần, không giống như virus sởi hoặc đậu mùa cơ thể tạo ra miễn dịch suốt đời. Với 4 loại virus Corona nhẹ này, hệ miễn dịch có thể xử lý dễ dàng, do đó cơ thể hồi phục trước khi hình thành miễn dịch lâu dài”.
Tiến sĩ Dorit Nitzan, Giám đốc Ban khẩn cấp của WHO tại châu Âu khẳng định: “Tất nhiên, tốt nhất vẫn là được miễn dịch bằng “vaccine tự nhiên” và tuyệt vời nếu đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng chúng ta còn lâu mới đạt được điều đó. Nên nhớ virus cũng thuộc thế giới động vật. Toàn bộ nhân loại cần phải có miễn dịch để virus bị thay đổi và trở nên yếu đi. Hiện giờ, đại đa số nhân loại vẫn chưa bị nhiễm virus hoặc có vaccine (tự nhiên)”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận