Giới chuyên gia nói gì về việc nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam?
Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB lên mức BB+ với triển vọng ổn định.
Theo đó, Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.
Fitch đánh giá, trong trung hạn, thu ngân sách sẽ được củng cố nhờ vào các giải pháp mở rộng cơ sở thu thuế đặt ra tại chiến lược tài chính đến năm 2030 của Việt Nam.
Đồng thời, nhận định với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: “Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) đang phản ánh nhu cầu trên thế giới giảm sâu. Nhưng Việt Nam đã tận dụng cả thị trường truyền thống và thị trường mới thông qua các FTA, nhờ đó mức độ suy giảm trong xuất khẩu dần được thu hẹp. Sự tích cực này cũng tạo thêm động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng, đặc biệt là động lực chính chế biến chế tạo tháng sau tốt hơn tháng trước, qua đó tạo niềm tin cho các khoản đầu tư mới cả trực tiếp và gián tiếp”.
Việc được nâng hạng tín nhiệm cho thấy triển vọng kinh tế tốt hơn, uy tín cao hơn, đồng nghĩa với việc khả năng trả nợ tốt hơn. Nhờ vậy, chi phí vay vốn của Việt Nam trong khu vực công và khu vực tư có thể được giảm bớt.
Trong khi đó, ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: “Với các quốc gia đang phát triển việc tiếp cận vốn vay và lãi suất đi kèm là rất quan trọng. Khi Việt Nam nâng hạng được tín nhiệm, chi phí vay giảm đi, nền kinh tế sẽ giảm gánh nặng thanh toán, cũng như dành thêm nguồn lực cho tăng trưởng. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tài chính công, phân bổ quản lý nguồn lực công”.
Bà Sagarika Chandre, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia Fitch Ratings, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Các phân tích nhận thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm ngoái và được dự báo cải thiện 2 năm tiếp theo. Điều này phản ánh sự quay lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Việt Nam từ nửa cuối năm nay”.
Theo Fitch Ratings, Việt Nam đang có lợi thế thu hút dòng vốn FDI nhờ triển vọng đầu tư thời gian qua, cũng như lợi thế về thương mại thông qua hệ thống các hiệp định thương mại tự do. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu gắn với công nghệ đang diễn biến nhanh hơn trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Năm 2022, dựa theo các tiêu chí của Moody’s, Việt Nam còn có 2 bậc để trở thành quốc gia đầu tư. Với S&P Global Ratings thì Việt Nam còn 1 bậc để lên mức Đầu tư. Còn với Fitch Ratings, Việt Nam hiện còn 1 bậc để lên được mức Đầu tư. Do đó, Việt Nam đang có nhiều triển vọng để sớm trở thành quốc gia đầu tư vào năm 2030 như mục tiêu đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận