Giới chuyên gia nói gì về việc đã tiêm đủ vaccine vẫn có thể mắc Covid-19?
Không vaccine nào có hiệu quả 100%, trong khi biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao...
Những người đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 được bảo vệ ở mức độ cao khỏi nguy cơ mắc bệnh thể nặng, phải nhập viện và tử vong do virus Sars-CoV-2. Tuy nhiên, việc nhiễm Covid ở người đã tiêm đủ vaccine - hay còn gọi là những ca nhiễm đột phá (breakthrough infection) - vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo số liệu thu thập được ở Mỹ và châu Âu, tỷ lệ ca nhiễm Covid sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là thấp, nhưng vẫn có. Trao đổi với hãng tin CNBC, các chuyên gia đã đưa ra một số lý do để giải thích về điều này.
KHÔNG CÓ VACCINE HIỆU QUẢ 100%
Thứ nhất, không có một vaccine Covid-19 nào đang lưu hành ở Mỹ và châu Âu có hiệu quả chống lây nhiễm 100%.
Thứ hai, các biến chủng mới của Covid - chẳng hạn biến chủng Delta có mức độ lây lan rất cao và đang trở thành biến chủng chủ đạo trên phạm vi toàn cầu - khiến hiệu quả của các vaccine suy giảm. Ngoài ra, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về việc miễn dịch chống Covid kéo dài được bao lâu sau khi tiêm vaccine.
Một hồi chuông cảnh báo đã vang lên về vấn đề lây nhiễm đột phá khi số liệu sơ bộ từ Israel - một trong những nước có chương trình tiêm phòng Covid nhanh nhất thế giới - hồi cuối tháng 7 cho thấy vaccine Pfizer/BioNTech chỉ đạt hiệu quả 40,5% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm có triệu chứng.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Israel, nghiên cứu này - được thực hiện khi Delta trở thành biến chủng chủ đạo ở Israel - cho thấy việc tiêm đủ hai mũi vẫn mang lại sự hiệu quả mạnh mẽ trong việc bảo vệ khỏi nhiễm bệnh thể nặng và nhập viện.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy sự suy giảm hiệu quả của vaccine Pfizer, chỉ còn 16% trong việc chống lại lây nhiễm có triệu chứng đối với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vào tháng 1. Đối với những người được tiêm đủ 2 mũi vào tháng 4, hiệu quả vẫn đạt khoảng 79% đối với lây nhiễm có triệu chứng.
Tỷ lệ số ca mắc và tử vong vì Covid ở những người đã tiêm vaccine là rất nhỏ so với ở những người chưa tiêm vaccine. Giới chức y tế ở Mỹ vì thế đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, kêu gọi để thuyết phục những người chưa tiêm vaccine đi tiêm.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Anh thực hiện trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 cho thấy sau 2 mũi tiêm, vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% chống lại việc mắc Covid-19 có triệu chứng do biến chủng Delta.
Việc so sánh kết quả các nghiên cứu trên là khó khăn, xét tới khác biệt trong bản chất của chương trình tiêm chủng tại hai quốc gia. Chẳng hạn, Israel tiêm vaccine Pfizer cho toàn bộ dân số trưởng thành, trong khi Anh sử dụng một số loại vaccine, trong đó vaccine Pfizer chủ yếu được tiêm cho những người trẻ hơn. Ngoài ra, thời điểm khác nhau, chế độ xét nghiệm khác nhau, và độ tuổi khác nhau của hai cuộc nghiên cứu cũng có thể dẫn tới khác biệt về kết quả.
Cũng như dữ liệu của Israel, dữ liệu của Anh cho thấy sau hai mũi tiêm, vaccine Pfizer cho hiệu quả 96% chống lại khả năng phải nhập viện vì biến chủng Delta. Tương tự, cuộc nghiên cứu ở Anh cho thấy vaccine AstraZeneca/Oxford mang lại hiệu quả 92% trong việc chống lại nguy cơ nhập viện sau 2 mũi tiêm.
Theo kết quả thử nghiêm lâm sàng công bố vào năm ngoái, vaccine Pfizer đạt hiệu quả 95% trong việc chống lây nhiễm Covid với biến chủng lưu hành vào thời điểm đó.
Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học thuộc Trường Y khoa, Đại học Warwick, Anh, nói với CNBC rằng những ca mắc Covid ở những người đã tiêm đủ vaccine là một lời nhở rằng “không có vaccine nào đạt hiệu quả chống bệnh 100%.
“Luôn có một tỷ lệ những người có thể bị nhiễm bệnh” dù đã tiêm vaccine, ông Young nói.
“Ngoài ra, còn có hai yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Thứ nhất là sự giảm dần miễn dịch theo thời gian. Đến nay chúng ta vẫn chưa biết miễn dịch bảo vệ mà vaccine tạo ra có thể duy trì trong bao lâu. Đây rất có thể là một nhân tố ở người già và những người có hệ miễn dịch kém, đã được tiêm sớm khi chương trình tiêm phòng Covid bắt đầu”, vị giáo sư giải thích.
Yếu tố thứ hai, theo ông Young, là khả năng lây nhiễm mạnh hơn của biến chủng Delta. Điều này củng cố sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, nhà chức trách ở Mỹ và Anh đều chưa đưa ra quyết định về việc có tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường hay không.
TIÊM ĐỦ VACCINE CÓ NGUY CƠ MẮC COVID THẤP HƠN NHIỀU
Rất khó để nắm bắt đầu bắt đầy đủ về số ca nhiễm đột phá, vì những người mắc Covid sau khi đã tiêm đủ vaccine thường là những ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, và thậm chí được phát hiện. Tuy nhiên, dữ liệu do NBC News thu thập được cho thấy có ít nhất 125.000 người Mỹ mắc Coid dù đã tiêm đủ vaccine, và trong số này có 1.400 ca tử vong. Dù vậy, con số 125.682 ca nhiễm đột phá tại 38 bang do NBC News phát hiện chỉ chiếm chưa đầy 0,08% trong số hơn 164,2 triệu người Mỹ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid tính đến thời điểm này, tương đương vào khoảng 1/1.300 người.
Điều đó có nghĩa là tỷ lệ số ca mắc và tử vong vì Covid ở những người đã tiêm vaccine là rất nhỏ so với ở những người chưa tiêm vaccine. Giới chức y tế ở Mỹ vì thế đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, kêu gọi để thuyết phục những người chưa tiêm vaccine đi tiêm.
Về phần mình, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ nói rằng những ca nhiễm đột phá là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và “sẽ có một tỷ lệ nhỏ những người đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, phải nhập viện hoặc tử vong vì Covid”.
Hôm 1/5, CDC Mỹ tuyên bố đã “chuyển từ việc theo dõi tất cả các ca nhiễm đột phá được báo cáo sang chỉ tập trung vào việc nhận diện và điều tra những ca nhiễm đột phá phải nhập viện hoặc tử vong”. Cơ quan này nói rằng sự dịch chuyển như vậy sẽ giúp tối đa hoá chất lượng của dữ liệu thu thập được về những ca nhiễm có tầm quan trọng lớn nhất về mặt lâm sàng và sức khoẻ cộng đồng.
Ông Andrew Freedman, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y Cardiff của Anh, nói với CNBC rằng các ca nhiễm đột phá là điều đã được lường trước.
“Vaccine rất tốt trong việc bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng có hiệu quả thấp hơn trong việc bảo vệ hoàn toàn khỏi lây nhiễm, và chúng tôi biết rằng nhiều người đã tiêm đủ vaccine vẫn mắc biến chủng Delta. Và trong hầu hết các trường hợp, họ đều có triệu chứng bệnh nhẹ”, ông Freedman nói với CNBC.
“Điều chưa biết là liệu tiêm mũi nhắc lại có thực sự gia tăng mức độ bảo vệ và làm giảm sự lây nhiễm do biến chủng Delta hay không”, ông nói.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng các nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm đủ vaccine có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nhiều. Nghiên cứu của Anh công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy khi xét nghiệm Covid, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có khả năng dương tính thấp hơn 3 lần so với những người chưa tiêm.
Nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London dẫn đầu cũng cho thấy rằng những người đã tiêm đủ vaccine có khả năng thấp hơn trong việc truyền virus sang người khác, do có lượng virus bình quân trong cơ thể thấp hơn. Giáo sau Paul Elliott, người đứng đầu chương trình nghiên cứu này, nói rằng những phát hiện của nghiên cứu cho thấy cả ưu điểm và những hạn chế của các vaccine Covid.
“Những phát hiện này xác nhận dữ liệu của chúng tôi trước đó cho thấy 2 mũi tiêm vaccine Covid mang lại sự bảo vệ tốt chống lại lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn có khả năng mắc bệnh ở những người đã tiêm đủ, vì không có vaccine nào hiệu quả 100% cả”, ông Elliott nói.
Giáo sư bệnh truyền nhiễm học Steven Riley thuộc Đại học Hoàng gia London cho rằng sự lây nhiễm đột phá cần được nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt ở những khu vực mà biến chủng Delta đang lây lan nhanh trên thế giới.
“Biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao, và đó là một lý do dẫn tới sự xuất hiện của những ca nhiễm đột phá. Chúng ta cần hiểu sâu hơn về việc những ca bệnh này có thể lây sang người khác như thế nào, để có thể dự báo tốt hơn về tình hình trong những tháng sắp tới”, ông Riley nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận