“Giờ chưa phải lúc Fed tính chuyện thắt chặt chính sách tiền tệ”
Bản báo cáo việc làm mới nhất có thể chưa phải là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng - theo một chiến lược gia của Wells Fargo
Đó là nhận định được trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Michael Schumacher của Wells Fargo Securities đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC. Ông Schumacher nói rằng còn quá sớm để cho rằng dữ liệu khả quan về thị trường việc làm tháng 7 của Mỹ sẽ khiến Fed tiến gần hơn tới việc cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng.
“Báo cáo này khá mạnh, nhưng chưa đến mức thay đổi tình hình”, ông Schumacher nói. “Nếu có một báo cáo việc làm mạnh nữa tiếp sau báo cáo này, thì may ra Fed mới bắt đầu nói đến cắt giảm chương trình mua tài sản một cách nghiêm túc, chẳng hạn vào tháng 10”.
Bản báo cáo thường kỳ từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong tháng 7, khu vực kinh tế phi nông nghiệp của nước này có thêm 943.000 công việc mới, vượt xa con số dự báo 870.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học được hãng tin Reuters khảo sát đưa ra trước đó. Ngoài ra, tiền lương tăng mạnh do các doanh nghiệp cạnh tranh thu hút lao động trong bối cảnh khan hiếm nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm còn 5,4%, mức thấp nhất trong 16 tháng.
Theo kịch bản mà ông Schumacher đề ra, nếu thị trường việc làm tiếp tục mạnh lên, Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản sớm nhất từ tháng 11. Một động thái như vậy sẽ đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên.
Biến động lợi suất trái phiếu sẽ tác động đến tỷ giá các đồng tiền và giá các tài sản khác như cổ phiếu và hàng hoá cơ bản.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia này, có một biến số khó lường có thể khiến dự báo của ông không trở thành hiện thực, đó là biến chủng Delta của Covid-19. Số ca nhiễm biến chủng Delta tăng mạnh ở Mỹ và các quốc gia khác có thể gây sức ép giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Có một câu hỏi còn để ngỏ là biến chủng Delta sẽ diễn biến nghiêm trọng tới mức nào, và các chính phủ sẽ phản ứng ra sao”, ông Schumacher nói.
Ông không cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ áp lệnh phong toả ngặt nghèo để ứng phó với đợt dịch này, nhưng cảnh báo những trở ngại mới về đi lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế.
Dù vậy, mối lo lớn hơn của ông Schumacher là lạm phát có thể giữ ở mức cao trong một thời gian dài, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
“Chưa ai thực sự hiểu đại dịch là thế nào. Cả trăm năm qua chưa có một đại dịch nào. Chúng tôi cho rằng sẽ là ngốc nghếch nếu ai đó tin rằng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ giảm nhanh về mức bình thường sau 4-6 tháng”, ông nói.
Hôm thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đóng cửa ở mức 1,5%. Tuần trước, lợi suất này tăng 5% và đã tăng 42% từ đầu năm đến nay.
Ông Schumacher dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ tiếp tục tăng và kết thúc năm 2021 ở mức từ 1,6-1,9%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận