Giấy xét nghiệm Covid-19 trở thành ‘giấy thông hành’ để vào nhiều tỉnh thành
Để vào các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 với thời hạn hiệu lực khác nhau.
Cập nhập biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/7, Sở Y tế Hải Phòng đã yêu cầu từ 12h ngày 8/7 các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố.
Đồng thời, từ 12h ngày 7/7, TP. Hải Phòng áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP.HCM.
Còn ở Quảng Ninh, tại cuộc họp trực tuyến với 13 địa phương ngày 7/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cho biết Quảng Ninh đang có nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập do phải đối mặt với tình trạng di dân của người lao động, học sinh trở về từ vùng có dịch. Do đó cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược siết chặt kiểm soát bên ngoài và duy trì hoạt động bên trong có kiểm soát.
Ông Văn chỉ đạo 9 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ vào tỉnh đều phải kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính khi vào tỉnh.
Đồng thời, Quảng Ninh sẽ thí điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại 3 chốt kiểm soát dịch gồm chốt cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), chốt cầu Đá Bạc (thành phố Uông Bí) và chốt tại cổng tỉnh (thị xã Đông Triều).
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, ngoài 8 ca dương tính (3 ca nhiễm cộng đồng; 5 ca nhiễm nhập cảnh) phát hiện từ ngày 24/6 đến 26/6, tỉnh này đã trải qua 11 ngày chưa phát hiện ca dương tính mới.
Tại Bắc Giang, từ ngày 5/7, toàn bộ người ngoại tỉnh vào địa bàn tỉnh phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ, cho đến khi có thông báo mới. Tỉnh yêu cầu các xã, huyện phải rà soát, quản lý chặt người từ tỉnh ngoài về địa phương để phân loại, theo dõi y tế phù hợp.
Đối với tất cả những người từ TP.HCM trở về, tỉnh Bắc Giang yêu cầu phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 07 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 07 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Bên cạnh 3 tỉnh thành phía Bắc trên, trong những ngày qua, các tỉnh phía Nam như Đồng Nai cũng yêu cầu từ ngày 5/7 những người tỉnh thành khác đi qua Đồng Nai phải trình kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 có giá trị trong vòng 7 ngày, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Tương tự, người ở nơi khác đến TP. Dĩ An (Bình Dương) từ ngày 6/7 cần có giấy xét nghiệm PCR giá trị trong 7 ngày và 3 ngày đối với test nhanh. Các huyện Tân Trụ, Đức Hoà (Long An) cũng áp dụng quy định tương tự từ ngày 7/7.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để kiểm soát chặt chẽ tình hình, không để dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả những người vào tỉnh này bằng đường bộ phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 không quá 05 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 12h ngày 5/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Cùng ngày, tất cả người dân đến và về từ các tỉnh có dịch, khi đến tỉnh Bình Thuận ngoài việc khai báo y tế, cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Để vào tỉnh Lâm Đồng, tất cả các trường hợp đi/về từ các tỉnh, thành phố khác cũng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Trong đó, kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính có giá trị 5 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị trong thời hạn 3 ngày.
Được biết, chi phí để xét nghiệm đầy đủ PCR là hơn 800.000 đồng/lần, còn xét nghiệm nhanh thì chi phí bình quân hơn 200.000 đồng/lần.
Việc mỗi nơi quy định một thời hạn giấy xét nghiệm Covid-19, cùng với chi phí xét nghiệm không nhỏ đã khiến người dân và nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Bên cạnh đó, theo công văn hỏa tốc sáng nay của Bộ Y tế, người từ TP.HCM đi 62 tỉnh, thành phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể từ khi về địa phương đó, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly.
Quy định trên không áp dụng với những trường hợp từ các tỉnh, thành khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến trưa ngày 7/7, trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, Việt Nam ghi nhận 19.238 ca nhiễm, ở 56 tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 8.002 ca nhiễm, cao nhất cả nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận