Giàu nhanh hay… nghèo lâu vì đất?
Trong khi một bộ phận giàu lên rất nhanh từ đất thì tính chung, cả nền kinh tế lại trở nên nghèo đi và có thể rơi vào trì trệ.
Một đoạn clip vỏn vẹn vài phút ghi lại cảnh nhóm môi giới ăn mặc sang trọng (mặc đồ âu, xách cặp da) chạy nhốn nháo lại qua để "chốt cọc" bán đất cho khách vừa lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Một buổi chốt cọc ầm ĩ (được cho là ở Bình Phước) với những màn la lớn, chạy qua chạy lại, đại ý là… đất bán "đắt như tôm tươi". Hơn chục lô đất được khách chốt đơn nhanh như chớp.
Rõ là cảnh người ta đang làm ăn với những khoản tiền cọc chắc chắn không nhỏ, ấy vậy mà không hiểu sao tôi lại phì cười tựa như đang xem một vở diễn đầy hài hước vậy.
Clip trên nhận được rất nhiều bình luận trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội. Một số người đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ liệu thông tin trong clip có đúng sự thật hay không, hay chỉ là một chiêu trò "bơm thổi", "lùa gà" của những người môi giới nhằm đẩy giá đất và tạo thanh khoản ảo.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - ông Lê Hoàng Châu - từng chỉ thẳng nguyên nhân trực tiếp của những đợt "sốt ảo" giá đất nền, đất nông nghiệp tại một số địa phương xuất phát từ chính một bộ phận môi giới - mà ông Châu gọi là "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương".
Theo đó, những người này thường lợi dụng các trang mạng xã hội với nhiều chiêu trò như tổ chức các sự kiện giao dịch giả tạo, kinh doanh theo kiểu đa cấp biến tướng, lợi dụng tâm lý đám đông, hám lợi để làm giá, thổi giá đất.
Tôi không kết luận clip trên có là một vở diễn đầy giả tạo nhằm mục đích nào đó hay không nhưng bản thân việc clip này xuất hiện trên các diễn đàn mạng đã phản ánh một sự thật khác, đó là tính chất điên rồ trong đầu tư đất đai hiện nay.
Người ta mua đất rất nhanh và bán cũng nhanh như một cơn gió. Nói cách khác là chẳng nhiều người mua đất nhằm mục đích để ở lâu dài hay làm ăn kinh doanh, mà mục đích chính là lướt sóng. Hoặc giả như người ta không kịp lướt thì cũng "ngâm vốn trong đất" vì một lẽ: đất thì có bao giờ rớt giá!
Bởi vậy nên, như một bài viết đã đăng tải trên Dân trí ngày 22/2, tình trạng " chôn tiền vào đất rồi bỏ hoang " rất phổ biến. Tôi biết không ít gia đình sở hữu quyền sử dụng của nhiều mảnh đất, nhưng hầu hết đều để cỏ mọc. Họ coi đó như một phần tài sản để dành sau này được giá thì bán đi, hoặc là làm hồi môn cho con cái lúc trưởng thành.
Chẳng riêng gì cá nhân mà cả các doanh nghiệp, đấu giá xong xuôi, thậm chí dự án đã được cấp phép rồi mà đất đai "trơ gan cùng tuế nguyệt". Đơn cử như một dự án với quy mô gần 500 ha với tổng kinh phí dự kiến tới 500 triệu USD ở Củ Chi, TPHCM từng được kỳ vọng là khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực, ấy vậy mà nay lại trở thành bãi cỏ hoang để người dân chăn thả trâu bò. Nếu kể ra thì từ bắc chí nam, trên cả nước hẳn còn vô số những dự án "treo" như vậy, có khi là vắt từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, thập kỷ này sang thập kỷ khác!
Lý giải về sự tăng giá của đất đai thì rất đơn giản. Thứ nhất là nguồn cung đất có hạn còn nhu cầu của con người với đất thì tăng lên, cầu lớn hơn cung đương nhiên giá đắt lên theo thời gian. Thứ hai là giá đất cũng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển hạ tầng. Hễ phong thanh có tin triển khai dự án thì đất đã tăng giá đón đầu.
Xu hướng đầu cơ đất để hưởng chênh lệch giá, nếu nộp đúng, đủ thuế cho Nhà nước, hoàn toàn là kênh làm giàu chính đáng, đó là quyền hợp pháp của người dân. Vậy nhưng, nếu nhìn dài và rộng hơn thì cách thức tích trữ tài sản trong đất đai, như một truyền thống ở ta, vô hình trung đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, tác động xấu đến tư duy làm giàu của các thế hệ sau. Nói cho đúng ra, trong khi một bộ phận giàu lên rất nhanh từ đất thì tính chung, cả nền kinh tế lại trở nên nghèo đi và rơi vào trì trệ.
Dịp vừa rồi về quê, những người họ hàng nói gần nói xa với tôi, rằng thời nay để sớm có tiền tỷ trong tay thì không thể cứ trông chờ vào "cày cuốc", làm công ăn lương mà chỉ có thể là giàu lên từ đất.
Dẫn chứng rất nhiều "tấm gương" giàu nhanh, họ khuyên tôi hễ dành dụm được đồng nào thì nên dồn vào đất đai, từ mấy trăm triệu sớm muộn sẽ tăng lên hàng tỷ đồng. Tôi phải nói rằng, logic đó là rất dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Điều này lý giải vì sao mà năm vừa qua GDP tăng thấp nhưng một bộ phận người dân vẫn kiếm bộn nhờ lướt sóng đất đai.
Sẽ rất mừng cho ai đó khi "trúng số đất" và có thể vận dụng tài sản có được để đưa vào kinh doanh, sản xuất. Nhưng cũng sẽ thật đáng buồn khi một nền kinh tế người người nhà nhà lao vào những cuộc "trao tay" đất đai và rồi trên đất đấy không tạo ra nổi giá trị gì. Với định giá mặt bằng cao chót vót thì thử hỏi ai còn làm ăn sinh lợi được trên đó?! Thế nên kể cả những doanh nghiệp có quỹ đất tưởng là to song lại chưa hẳn là sản sinh được lợi nhuận.
Việc mua đất rồi bỏ hoang, nguy hiểm hơn, còn rủi ro cho chính người mua nếu như thanh khoản thấp không bán được, nguy hiểm cho ngân hàng và phía cho vay. Và một khi bong bóng bất động sản vỡ sẽ dễ gây ra tình trạng vỡ nợ dây chuyền.
Tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của người họ hàng kia. Khi mà tư duy làm giàu từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác luôn ám ảnh bởi "đất" thì liệu đến một lúc nào đó, chúng ta có bị cuốn vào vòng xoáy ấy mà xem nhẹ những thành quả sản sinh từ công sức lao động, từ học tập hay không?!
Có lẽ đã đến lúc hệ thống pháp luật cần thay đổi để quy định rõ ràng hơn về sở hữu đất đai, về việc đánh thuế với những người sở hữu nhiều nhà, nhiều đất như một cách kìm hãm động lực đầu cơ, và cũng là một là biện pháp để kiềm chế sốt đất, tránh tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận