Giáo viên, công an khốn khổ vì bỗng dưng bị đòi nợ
Thời gian gần đây nhiều người dân, thậm chí cả lãnh đạo, cán bộ công tác tại các cơ quan Nhà nước ở Đắk Lắk khốn khổ khi bỗng dưng mang món nợ “trên trời rơi xuống”.
Mấy ngày nay, chị Đ.T.D.T. (giáo viên một trường tư nhân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị khủng hoảng tinh thần nặng vì mỗi ngày nhận rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn qua điện thoại, zalo, facebook… yêu cầu trả các khoản nợ mà chị không hề vay mượn. Chị T. cho biết, từ trước đến giờ, chị chưa vay tiền qua bất kỳ app nào trên mạng. Tuy nhiên sáng 25/5/2022, chị đang dạy học thì nhận được cuộc gọi lạ của một người đàn ông thông báo chị có khoản nợ từ năm 2019.
Người này nói chị nợ 10 triệu đồng và đã được bán lại cho công ty đòi nợ. Xác định mình không vay khoản tiền nào nên chị T. cúp máy. Từ đây, chị T. bắt đầu nhận rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi lạ đòi nợ. Chưa hết, người thân, bạn bè của chị cũng bị “khủng bố” theo. Nghiêm trọng hơn, ngôi trường nơi chị làm việc cũng bị làm phiền.
“Chúng gọi điện vào số điện thoại của trường, gửi email cho cả Sở Giáo dục và Đào tạo khiến tôi rất lo lắng. Tôi đã làm đơn trình báo công an cũng như trình bày với lãnh đạo trường. Tuy vậy, chúng vẫn quấy nhiễu suốt ngày lẫn đêm khiến tôi khủng hoảng tinh thần. Chưa hết, chúng còn lấy hình ảnh cá nhân của tôi, gia đình và cả trường nơi tôi công tác để đăng lên mạng facebook”, chị T. nói. Bị làm phiền nhiều quá, chị T. yêu cầu gặp mặt trực tiếp thanh toán nhưng các đối tượng đòi nợ không chịu ra mặt, yêu cầu chuyển khoản.
Thầy B.Đ.T.- hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng bỗng dưng bị các đối tượng cho vay tiền qua app liên tục gọi điện, nhắn tin đòi khoản nợ của một người quen. Thầy T. đã nhiều lần giải thích và yêu cầu nên đòi trực tiếp người vay nhưng các đối tượng vẫn không buông tha. “Họ gọi điện làm phiền tôi bất kể ngày đêm. Họ nói tôi đồng lõa, chạy nợ, yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với khoản nợ mà tôi không vay mượn. Tôi chặn số này thì họ dùng số điện thoại khác làm phiền”, thầy T. chia sẻ.
Khó tìm được nơi hoạt động của đối tượng xấu
Trung tá Lê Trọng Anh-Phó đội trưởng đội Cảnh sát hình sự Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết, từ tháng 6 đến nay, riêng đội đã tiếp nhận 4 vụ trình báo liên quan đến việc bị đòi nợ theo kiểu làm phiền như các vụ việc trên. Ngoài ra, qua nắm bắt dư luận, có nhiều trường hợp cũng rơi vào tình cảnh tương tự nhưng họ không trình báo cơ quan chức năng. Không chỉ người dân mà cả cán bộ, lãnh đạo làm cơ quan Nhà nước, thậm chí cán bộ công an cũng bị các đối tượng đòi nợ tấn công bằng các hình thức trên.
Ban Giám đốc Công an TP Buôn Ma Thuột rất quan tâm vấn đề này vì ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên giao đội Cảnh sát hình sự vào cuộc. Vừa qua, lần theo thông tin trình báo của người dân, đội đã cử 3 tổ công tác xuống TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận… xác minh. Các trinh sát đã nhờ công an địa phương hỗ trợ, tìm ra địa chỉ công ty đòi nợ song công ty này không còn hoạt động sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị “khai tử” từ năm 2021.
Thiếu tá Nguyễn Đắc Nguyên - trinh sát viên của đội Cảnh sát hình sự, người tham gia tổ công tác cho biết, rất khó tìm ra nơi hoạt động của nhóm đòi nợ. Bởi, các đối tượng không ở trong tỉnh, thậm chí ở nước ngoài. Chúng sử dụng điện thoại để đòi nợ nhưng toàn dùng sim rác, chặn 1 chiều, không tiếp nhận cuộc gọi đến và hay tháo sim nên rất khó xác minh. Có trường hợp người dân có vay tiền qua app nhưng có trường hợp bị đánh cắp, giả mạo thông tin để lập hợp đồng vay tiền, sau đó bị chúng ráo riết truy thu.
Theo Trung tá Lê Trọng Anh, việc truy tìm nhóm đòi nợ thông qua mạng, điện thoại rất khó khăn, cần sự hợp tác hỗ trợ của nhiều ngành như viễn thông, ngân hàng…; cần sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương như các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm cho vay nặng lãi thời gian trước rất thành công.
Về phía người dân, cần thận trọng khi vay vốn, nên tìm đến các tổ chức tín dụng uy tín; bảo mật thông tin cá nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận