Giao thông “nghẹt thở” tại những tuyến đường dự kiến làm làn ưu tiên xe buýt
Nhiều tuyến đường Hà Nội dự kiến mở làn riêng cho xe buýt như Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng, Xã Đàn... đang có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc.
Theo kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn từ năm 2021-2030, TP Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đảm nhận của xe buýt phấn đấu đạt 10,5% vào năm 2020 (tương ứng cần khoảng 2.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ). Tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 16-18% vào năm 2025 (tương ứng cần khoảng từ 4.000 - 4.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ) và khoảng 25% vào năm 2030 (tương ứng cần từ 6.700 - 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ).
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tổ chức 10 làn đường ưu tiên cho xe buýt. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 nghiên cứu để tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài gần 23km trên các tuyến đường: Hoàng Quốc Việt (2,5km), Trần Duy Hưng (1,7km), Xã Đàn (1,7 km); Võ Chí Công (4,7km); Võ Văn Kiệt (12km).
Theo ghi nhận, tại các tuyến phố sẽ xây dựng làn dành riêng cho xe buýt, giao thông luôn trong tình trạng thường xuyên ùn tắc vào các khung giờ cao điểm.
Đường Võ Chí Công
Tuyến đường Võ Chí Công (Hà Nội) là một trong những trục đường quan trọng giúp kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với sân bay Nội Bài. Tuyến đường nằm trên vành đai 2, dài 4,7 km. Bắt đầu từ đầu nam cầu Nhật Tân đến ngã tư đường Hoàng Hoa Thám - Hoàng Quốc Việt, tiếp theo là đường Bưởi.
Bởi vậy, vào khung giờ cao điểm, mật độ phương tiện cao trên tuyến đường này khiến cho các phương tiện di chuyển chậm, khó khăn. Trên tuyến đường xuất hiện nhiều điểm ùn ứ, có tình trạng ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm như ngã tư Võ Chí Công - Xuân La.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ xảy ra nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây là do mặt cầu Thăng Long đang được thi công sửa chữa từ tháng 8/2020, khiến các phương tiện được phân luồng sang hướng đường Võ Chí Công để di chuyển vào hoặc ra khỏi trung tâm thành phố.
Đường Xã Đàn
Đoạn cửa hầm Kim Liên đến ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch cũng là một trong các nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khung giờ cao điểm mỗi ngày, đặc biệt là khi trời mưa tình trạng này còn nghiêm trọng hơn.
Hạ tầng đô thị vốn đã chật hẹp, quá tải, phương tiện cá nhân gia tăng với tốc độ chóng mặt mỗi năm, trong khi các biện pháp hạn chế xe cá nhân chưa được thực hiện thì tình trạng ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi.
Đường Hoàng Quốc Việt
Đường Hoàng Quốc Việt có chiều dài 2.5 km, chiều rộng 25m. Đây là đường được đầu tư mở rộng từ năm 1996 chạy qua đất các phường Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm); phường Nghĩa Đô và phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều hàng ngày, tuyến đường Hoàng Quốc Việt cũng luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài, các phương tiện di chuyển chật vật.
Đường Trần Duy Hưng
Tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh cũng là một trong những trục đường lớn nối cửa ngõ phía Tây vào trung tâm Hà Nội. Đây là một trong những "điểm đen" ùn tắc gây lo ngại cho người tham gia giao thông vào giờ cao điểm.
Trục đường này luôn có lưu lượng xe rất lớn để ra vào nội thành từ các hướng đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, đường Láng, Hoàng Đạo Thúy... Câu chuyện ùn tắc, kẹt xe trên tuyến đường này là điều khó tránh khỏi.
Đường Võ Văn Kiệt
Đường Võ Văn Kiệt cũng là một trong những tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía bắc của thủ đô Hà Nội. Tuyến đường đi qua 3 huyện là Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Chiều dài toàn tuyến đường là 12 km, rộng 23m; kéo dài từ phía Bắc cầu Thăng Long đến Sân bay Nội Bài.
Trong thời gian này, do mặt cầu Thăng Long đang được thi công, sửa chữa khiến các phương tiện ôtô không thể lưu thông qua cầu mà phải di chuyển qua các cung đường khác. Vì vậy, tuyến đường này đang khá thông thoáng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận