menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phượng Hồng

Giao dịch tối thiểu 100 chứng khoán đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ đến những cổ phiếu kém chất lượng?

Việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 chứng khoán có thể đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các cổ phiếu kém chất lượng do cổ phiếu Bluechip trở nên "rất đắt đỏ".

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động nhất từ trước đến nay với dòng tiền “ồ ạt” đổ vào cả 3 sàn đẩy thanh khoản thường xuyên vượt trên 10.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Tính riêng trên HoSE trong 2 tháng trở lại đây, giá trị khớp lệnh cũng duy trì ở mức cao bình quân gần 7.200 tỷ đồng/phiên. Thậm chí trong tháng 11 đã bắt đầu xuất hiện những phiên khớp lệnh trên 10.000 tỷ đồng – điều chưa từng xuất hiện kể cả trong giai đoạn VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Giao dịch tối thiểu 100 chứng khoán đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ đến những cổ phiếu kém chất lượng?

Thanh khoản bùng nổ phần nào đến từ làn sóng nhà đầu tư “F0” tham gia vào thị trường minh chứng là số tài khoản mở mới đạt kỷ lục.

Riêng trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.451 tài khoản, tăng hơn 5.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 10 là 36.346 và 105 tài khoản mở mới từ các tổ chức.

Sau 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 290 nghìn tài khoản, nhiều hơn 100 nghìn tài khoản so với cả năm 2019 (gần 189 nghìn tài khoản). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay) lên tới 261 nghìn tài khoản.

Giao dịch tối thiểu 100 chứng khoán đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ đến những cổ phiếu kém chất lượng?

Việc nhà đầu tư nội “ồ ạt” mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây đến từ việc các kênh đầu tư ngoài chứng khoán đang trở nên kém hấp dẫn như lãi suất huy động giảm xuống mức thấp; Giá vàng giao động quanh mức cao so với lịch sử và chênh lệch khá lớn so với vàng thế giới; Kênh bất động sản thanh khoản suy yếu do dịch Covid-19 và kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9.

Dòng tiền nội dồi dào đóng vai trò quan trọng góp phần giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài không ngừng bán ròng. Tính riêng trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng 7.500 tỷ đồng trên HoSE và giá trị bán ròng từ đầu năm tới nay lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

ÁP LỰC DỒN LÊN HỆ THỐNG GIAO DỊCH

Rõ ràng, số lượng tài khoản chứng khoán ngày càng nhiều với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh đang cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, kèm theo đó là áp lực ngày lớn hơn đối với hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo hệ thống giao dịch vân hành trơn tru.

Thực tế, lỗi từ hệ thống giao dịch đã xuất hiện nhiều lần trong quá khứ gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đặc biệt trong những thời điểm "nhạy cảm" khi thị trường tăng, giảm với biên độ lớn hay thanh khoản bùng nổ.

Mới đây nhất, trong phiên giao dịch bùng nổ phiên 10/11, hệ thống bảng giá của Chứng khoán VNDirect đã gặp sự cố, hoàn toàn không hiển thị biến động của thị trường. Đến buổi chiều, hệ thống của một CTCK lớn khác là SSI cũng báo lỗi kết nối không ổn định, dẫn đến các lệnh đặt trên các hệ thống giao dịch trực tuyến của SSI không thành công và không gửi được vào sàn.

Trước đó, một phiên giao dịch khác ngày 9/6 hệ thống có dấu hiệu gặp sự cố với bảng giá của các CTCK không kết thúc như thường lệ đồng thời giữ nguyên tình trạng “phiên ATC” cho đến 15h30.

HoSE từng ghi nhận những trường hợp lỗi hệ thống từ phần mềm khớp lệnh dẫn đến sự cố kỹ thuật đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 22/1/2018. HoSE đã không thể khắc phục sự cố và buộc phải ngừng giao dịch trong hai phiên 23 và 24/1 sau đó trước khi giao dịch được nối lại ngày 25/1.

Tình trạng tương tự diễn ra vào tháng 5/2008, HoSE cũng đã bị dừng giao dịch trong 3 ngày bởi các sự cố liên quan đến hệ thống.

Nhằm giảm tải cho hệ thống khi thanh khoản giao dịch thường xuyên ở mức cao thời gian gần đây, HoSE mới đây đã quyết định lấy ý kiến các CTCK thành viên về việc tăng đơn vị giao dịch lô chẵn (lô giao dịch) từ 10 chứng khoán lên 100 chứng khoán.

NHIỀU CỔ PHIẾU BLUECHIPS TRỞ NÊN QUÁ “ĐẮT”

Động thái của HoSE ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vì tổ chức này cho rằng việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu sẽ ngăn cản sự phát triển TTCK.

Thực tế, làn sóng “F0” thời gian gần đây chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân và không phải ai trong số họ cũng có đầy đủ kỹ năng và kiến thức để thực sự tham gia vào thị trường. Không ít nhà đầu tư không chuyên chưa có nhiều kinh nghiệm cùng khoản vốn khiêm tốn bước đầu tham gia thị trường với tâm thế thử nghiệm môi trường “thực chiến”.

VAFI cho rằng việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu sẽ gián tiếp loại bỏ 10 lần cơ hội được thử nghiệm đào tạo đầu tư chứng khoán thành công, đồng thời đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các cổ phiếu kém chất lượng do cổ phiếu Bluechip trở nên "rất đắt đỏ".

Theo tổ chức này, hiện có hàng vạn sinh viên với số tiền ít ỏi 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu… tham gia thị trường. Việc giao dịch lô 100 cổ phiếu khiến họ khó có thể tiếp cận với các cổ phiếu có thị giá cao qua đó không tạo được danh mục ít nhất 5 cổ phiếu để tạo lập danh mục đầu tư.

Lập luận của VAFI hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào thống kê thị giá cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Tính đến hết phiên 27/11, HoSE có 50 cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng/cổ phiếu trở lên trong đó bao gồm rất nhiều cổ phiếu Bluechips quen thuộc với giới đầu tư như VIC, VHM, MSN, SAB, VNM, MWG, FPT, PNJ, PLX, GAS, BHN, BVH, VJC...

Một điểm đáng chú ý, 10 cổ phiếu có thị giá cao nhất trên HoSE đều có giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu tức là nhà đầu tư phải có tối thiểu 10 triệu đồng để tham gia giao dịch các cổ phiếu này. Thậm chí, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra số tiền tương đương 4 chỉ vàng nếu muốn đi 1 lệnh mua cổ phiếu đắt nhất sàn là VCF.

Giao dịch tối thiểu 100 chứng khoán đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ đến những cổ phiếu kém chất lượng?

Các cổ phiếu có thị giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE

VAFI kiến nghị các CTCK phải chú trọng đầu tư phần mềm giao dịch, với CTCK nhỏ không đủ tiềm lực tài chính để làm phần mềm hiện đại phải hạn chế số lượng khách giao dịch hoặc không cho làm thành viên giao dịch để buộc họ phải tài cấu trúc cổ đông hoặc giải thể.

Khó có thể đánh giá chính xác hiệu quả của việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu trong nỗ lực hạn chế sự cố từ hệ thống giao dịch. Tuy nhiên, việc này rõ ràng sẽ tạo ra rào cản lớn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tiếp cận nhiều cổ phiếu chất lượng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
13 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại