Giao dịch lan đột biến hàng trăm tỷ: Có truy xuất được nguồn gốc hoa?
Cục Trồng trọt cho biết, việc lưu thông lan đột biến là hoàn toàn theo nhu cầu thị trường và nằm ngoài quy định của Luật Trồng trọt...
Thời gian qua những vụ giao dịch lan đột biến trị giá hàng chục tỷ đến trăm tỷ đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Câu chuyện quản lý một lần nữa được đề cao khi liên tiếp có những vụ việc chủ vườn lan ôm tiền bỏ trốn khiến nhiều người phải lao đao.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) khẳng định, việc lưu thông lan đột biến nằm ngoài quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019.
Vị này cũng cho biết, mọi hoạt động trồng trọt, kinh doanh giống cây trồng đều thực hiện theo Nghị định 94. Còn việc giá lan đột biến hiện nay là do thị trường quyết định và Cục không đề nghị truy xuất nguồn gốc hoa lan để tránh đội giá lừa đảo.
“Cục Trồng trọt không quản lý về giá, không chịu trách nhiệm về giá lên, giá xuống của việc bán lan đột biến mà chỉ quản lý những vấn đề về bảo hộ, sở hữu giống”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, Luật trồng trọt và Nghị định 94 hiện nay đang tập trung quản lý chặt với các loài cây trồng chính như lúa, ngô, càphê, cam, bưởi, chuối…, Tức, muốn được lưu hành phải khảo nghiệm bởi đây là những giống cây trồng có tác động rất lớn đến kinh tế đất nước, đặc biệt là cây lúa, ngô liên quan đến vấn đề an ninh lương thực.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2023, quy định mới bắt buộc phải được công bố minh bạch các thông tin: Ai là tác giả, nguồn gốc giống, giá trị canh tác, giá trị sử dụng… Lúc đó, các loại hoa trong đó có hoa lan, lan đột biến thì tổ chức cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà họ công bố. Nếu buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố thì sẽ bị xử phạt.
Trước đó, ngày 25/3, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến tại địa bàn và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định; Trường hợp “lan đột biến” do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp Thuế GTGT.
Đối với trường hợp “lan đột biến” do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.
Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp Thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán “lan đột biến” thì nộp thuế GTGT và thuế TNCN với thuế suất thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận