Giao dịch chứng khoán phái sinh tuần mới: Chiến lược giao dịch trong biên độ có thể sẽ phát huy hiệu quả
VN30 đang ngập ngừng tại đỉnh cũ trong khu vực 840 - 850 điểm. Chỉ số cần có chất xúc tác mới. Sự trở lại mua ròng của khối ngoại là một chất xúc tác, nhưng cần được theo dõi thêm.
Yếu tố cơ bản: Khối ngoại quay lại mua ròng
Trên bản đồ chứng khoán quốc tế, VN-Index tuần qua quay lại pha hồi phục, bất chấp “cú rơi” mạnh ở thị trường Mỹ. Các chỉ số chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh trước áp lực chốt lời từ nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ.
Mặc dù vậy, chỉ số DJI và S&P 500 vẫn đang trong pha tăng, DJI có mốc hỗ trợ 28.000 điểm. Do đó, VN-Index có phiên điều chỉnh nhẹ nhàng và kết thúc tuần vững vàng trong pha hồi phục.
Điểm tích cực là khối nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi mua ròng trong 2 phiên cuối tuần.
So với giai đoạn bán ròng liên tục trước đó thì con số mua ròng rất khiêm tốn, nhưng diễn biến này trùng khớp với pha đảo chiều mạnh trên thị trường Mỹ, khiến niềm tin về việc khối ngoại sẽ quay lại thị trường Việt Nam trong thời gian tới càng có cơ sở, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ.
Yếu tố kỹ thuật: Rung lắc chưa đáng ngại
VN30 nhanh chóng chinh phục thành công ngưỡng 840 điểm trong tuần qua. Dù có đôi chút rung lắc do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng áp lực từ phía bên bán vẫn trong tầm kiểm soát.
Tâm lý nhà đầu tư giữ được sự lạc quan cần thiết, độ lệch (basis) giữa phái sinh và cơ sở duy trì 4 - 5 điểm khi kết tuần thể hiện sự tự tin. Tâm lý vững vàng khi basis không chuyển sang âm, dù thị trường chứng khoán quốc tế điều chỉnh.
Tuy nhiên, bên mua có dấu hiệu hụt hơi trong những phiên cuối tuần, trong khi bên bán tranh thủ chốt lời ở các nhịp chỉ số chung tiếp cận lại đỉnh cũ 900 điểm trên VN-Index và 840 điểm trên VN30.
Thực tế, dòng tiền không có hiện tượng tăng mà có xu hướng chuyển từ nhóm vốn hóa trung bình sang nhóm vốn hóa lớn. Nhìn chung, khi bên bán bắt đầu quay trở lại gây sức ép thì khả năng thị trường sẽ chứng kiến các pha rung lắc.
Đà lan tỏa trong ngắn hạn và trung hạn đang hội tụ trong vùng quá mua và ở vùng đỉnh cũ được xác lập vào tháng 6/2020. Do đó, áp lực rung lắc của các chỉ số chung là tình trạng khó tránh khỏi. Để chỉ số tiếp tục bứt phá thì các động lực phải mạnh mẽ hơn về mặt cơ bản, qua đó bẻ gãy tín hiệu cảnh báo điều chỉnh.
Về các nhóm ngành dẫn dắt, dòng tiền vận động với công suất tối đa trong tuần qua, giúp chỉ số liên tục có được các phiên tăng điểm và giữ cho thị trường chung hạn chế thiệt hại trước yếu tố bất lợi từ thị trường chứng khoán quốc tế. Cả 3 nhóm dẫn dắt đều ghi nhận sự lan tỏa trên 90% nên không có hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, mà xuất phát từ chính nội lực.
Khi sự lan tỏa vẫn còn tích cực thì lẽ dĩ nhiên, sức đề kháng của thị trường sẽ mạnh, chống chọi được những rung lắc trong ngắn hạn nếu xảy ra và chờ đợi chất xúc tác mới về mặt tin tức.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Thị trường có khả năng đi ngang
VN30 đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng là đỉnh ngắn hạn trong vùng 840 - 850 điểm.
Để vượt qua “cửa sóng” quan trọng này, VN30 cần có thêm chất xúc tác mới. Sự trở lại mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể được xem là một chất xúc tác như vậy, nhưng cần phải được theo dõi thêm.
Chỉ số trong tuần này nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá đi ngang, biên độ tiềm năng từ 825 - 850 điểm.
Do đó, chiến lược giao dịch trong biên độ (trading range) có thể sẽ phát huy hiệu quả trong tuần mới. Vị thế mua (Long) nên được cân nhắc khi VN30F1M lùi về khu vực hỗ trợ 820 - 825 điểm.
Ngược lại, vị thế bán (Short) được ưu tiên nếu giá tiếp cận đỉnh cũ gần nhất quanh 845 - 850 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận