Giao dịch chứng khoán 2020, cuộc chơi của cảm xúc
Trong một năm có nhiều biến động bất ngờ, chứng khoán là cuộc chơi mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư, cũng như bị chi phối bởi cảm xúc.
Sục sôi với chứng khoán
Một ngày đầu tháng 6/2020, tôi bỗng nhận được cuộc gọi của một người bạn thời trung học cơ sở đã nhiều năm không liên lạc. Nhìn số máy của bạn, tôi hình dung bạn gọi để mời cưới, nên tôi khá bất ngờ khi nghe bạn nói: “Cậu nghĩ thế nào về đầu tư chứng khoán? Nếu được mình gặp nhau nhé, tớ đang làm cho công ty chứng khoán A, rất nổi tiếng. Đây là cơ hội không dễ có được đâu. Bỏ tiền mua cổ phiếu lúc này, không thể lỗ được”.
Thật ra, công việc của tôi cũng liên quan tới lĩnh vực tài chính, trong đó có nội dung theo dõi thị trường chứng khoán và tâm thế “nhấp nhổm” muốn nhập cuộc đã xuất hiện. Khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như các thị trường chứng khoán toàn cầu đã tạo đáy vào tháng 3 và đảo chiều đi lên đáng kinh ngạc. Các nhà đầu tư mới đua nhau mở tài khoản chứng khoán, dòng tiền giá rẻ rót vào thị trường mạnh mẽ đẩy các chỉ số leo dốc.
Một chuyên gia chứng khoán chia sẻ, vào năm 2010, các công ty chứng khoán có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu năm 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700.000 tài khoản. Mà chỉ trong một năm 2020, số lượng tăng thêm là 600.000 tài khoản. Số lượng tài khoản mở mới trong 1 năm gần bằng 10 năm trước cộng lại
Diễn biến 10 năm mới có một lần này phả sức nóng hầm hập vào mọi mối quan hệ xung quanh tôi.
Các cuộc gặp gỡ bạn bè đều có chủ đề mới: chứng khoán. Cùng hoà vào làn sóng “F0” trên thị trường, tôi mở cùng lúc ba tài khoản tại ba công ty chứng khoán khác nhau, với mục tiêu trải nghiệm, cũng như so sánh để có lựa chọn khiến mình hài lòng nhất.
Trước đó, do không có niềm tin đáng kể vào khả năng sinh lời khi đầu tư của bản thân, tôi, cũng như nhiều người bạn khác chọn cách gửi tiết kiệm. Vậy nhưng, đáng kinh ngạc, câu “mời chào” của người bạn làm môi giới chứng khoán kia không ngờ là sự thật: Đầu tư chứng khoán không thể… lỗ.
Kể từ thời điểm tháng 3/2020 cho tới cuối năm, thị trường liên tục leo dốc. Số lượng các mã chứng khoán tăng trưởng vài chục phần trăm trong tuần không hiếm, thậm chí sinh lợi bằng lần chỉ trong 1 tuần. Mức tăng trưởng này lớn hơn nhiều lần so với mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng cả năm. Trong đó, có cả cổ phiếu của doanh nghiệp lớn như NTC, VRG, HSG, GVR, DGW, HPG…, lẫn cổ phiếu của các doanh nghiệp ít được biết đến như VIX, MH3, IDV, SCI, BII, GMA…
Trên các diễn đàn, nhóm chat tại các trang mạng xã hội Facebook, Zalo…, không ít hội nhóm được thành lập, sôi nổi bán tán, “phím hàng”… Chỉ cần để lại một bình luận trên group đầu tư, ngày hôm sau đã nhận được nhiều tin nhắn mời chào của môi giới các công ty chứng khoán.
Không ít trong số đó đề nghị mở tài khoản tại công ty để nhận ưu đãi lãi suất margin, được thêm vào các “Room Vip” (nơi cập nhật thông tin khuyến nghị đầu tư riêng), thậm chí môi giới nhận chơi hộ.
Những ngày tháng này, trên các diễn đàn, không ít người bình luận rằng chỉ có thể tập trung làm việc sau 3 giờ chiều, khi thị trường đã đóng cửa. Nhìn danh mục đầu tư sinh lời hấp dẫn, cảm giác lâng lâng luôn bao trùm. Khi đó, chỉ cần mua là thắng, bán là mất hàng, làng nhàng cũng lãi vài chục phần trăm.
Đối với tôi, nguồn vốn “cò con” ban đầu, cùng việc dè dặt rót vốn khiến tôi lựa chọn một danh mục mang tính an toàn, 1 cổ phiếu chứng khoán, 1 cổ phiếu ngân hàng, 1 cổ phiếu thép và 1 cổ phiếu ngành bán lẻ…
Thậm chí, thời gian đầu, tôi chủ yếu mua gom cổ phiếu lẻ mỗi phiên và hài lòng với mức sinh lời dưới 20%. Vậy nhưng, người bạn môi giới lại cảm thấy “sốt ruột” thay. Nhìn những bài viết “khoe lãi” gấp đôi, gấp ba tài khoản, không ít lần người bạn đề nghị mạnh tay hơn, sử dụng margin, tìm tới các cổ phiếu “có game”, có sóng.
Đối với một bộ phận nhà đầu tư mới, việc tham gia thị trường chứng khoán trở thành “công việc” bán thời gian, tranh thủ tìm kiếm cơ hội để gia tăng thu nhập, nhưng với không ít người khác, chứng khoán đã trở thành “cứu tinh” trong giai đoạn vừa qua.
N.K.C, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội kể, công ty của chị đột ngột đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, dồn mọi hoạt động vào TP.HCM, do công việc kinh doanh khó khăn vì đại dịch.
Mất việc, mất nguồn thu, chị quyết định tìm kiếm cơ hội với chứng khoán và thành quả ban đầu không tồi, khiến chị say mê tới mức “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán”.
Dòng tiền mới đổ vào thị trường mạnh mẽ, áp lực “giải ngân” lấn át mọi lo sợ rủi ro và quả thực, các khoản mua vào kể từ tháng 5 cho tới cuối năm 2020 đều không thể lỗ.
Bài kiểm tra đầu với F0
Sự gia tăng nhanh chóng của lớp nhà đầu tư mới khiến thanh khoản thị trường nhảy vọt, nhưng hệ thống công nghệ thì không theo kịp. Có những phiên giao dịch, thanh khoản thị trường tăng lên gần 20.000 tỷ đồng, riêng sàn HOSE liên tục đạt 14.000 tỷ đồng, gấp 3,6 lần giá trị bình quân hồi đầu năm.
Với những phiên thanh khoản cao, hiện tượng nghẽn lệnh vào cuối phiên tại sàn HOSE bắt đầu xuất hiện, có khi lệnh mua – bán bị treo, không được xác nhận, thực hiện nhỏ giọt… Hiện tượng này khiến cộng đồng nhà đầu tư sôi sục, nhất là với người “ôm hàng” không thể đặt lệnh bán. Lúc này, môi giới chính là đối tượng bị nhà đầu tư trút giận đầu tiên.
Dù vậy, cơn say của thị trường vẫn còn kéo dài cho tới bài kiểm tra khắc nghiệt đầu tiên vào ngày 19/1/2021. Nhà đầu tư F0 lần đầu trải nghiệm cảm giác thị trường “rơi tự do”, khi chỉ số VN-Index giảm 75 điểm chỉ trong một phiên, không ít tài khoản “mất trắng” khoản lãi, chưa kể trường hợp bất ngờ lỗ vốn, bị bán giải chấp cổ phiếu có vay margin.
Trong ngày 19/1, những rủi ro mà nhà đầu tư F0 mới chỉ nghe tới qua sách vở, qua “lời truyền miệng” từ các bậc đàn anh, thậm chí chưa từng biết tới xuất hiện một cách đường đột, rõ ràng. Tâm lý hoảng loạn trong phiên điều chỉnh khiến tất cả các mã cổ phiếu dù tốt hay xấu đều bị bán tháo. Nhà đầu tư lo sợ thị trường bắt đầu giai đoạn xuống dốc, nháo nhào muốn “tẩu tán” cổ phiếu.
Khi này, mọi group đầu tư đều sục sôi. Không ít câu hỏi được đặt ra, mà nổi bật nhất là chia sẻ của một nhà đầu tư: “Tôi không ngạc nhiên nếu 10 phiên mỗi phiên giảm 5 - 7 điểm. Nhưng 1 phiên giảm 75 điểm, thì tôi muốn biết câu chuyện phía sau”.
Sau phiên điều chỉnh, không ít phân tích được đưa ra, cùng với đó là những cảnh báo đáng chú ý. Thực tế, thị trường đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư tham gia với phương thức “lướt sóng”, nhưng đáng sợ là chấp nhận mua cao để bán giá cao hơn, không phân tích theo đầu tư giá trị hay kỹ thuật. Theo đó, giá cổ phiếu bị đẩy lên chóng mặt và khó có thể duy trì đà leo dốc.
Trải qua phiên “hoảng loạn”, các nhà đầu tư F0 tự nhủ, vậy là đã được nếm trải bài kiểm tra khắc nghiệt đầu tiên của thị trường, để biết rằng không cơn say nào kéo dài mãi, không thể cứ mua là thắng. Đầu tư luôn cần cái nhìn dài hạn hơn, quy củ hơn.
Trải qua phiên “hoảng loạn”, các nhà đầu tư F0 tự nhủ, vậy là đã được nếm trải bài kiểm tra khắc nghiệt đầu tiên của thị trường, để biết rằng không cơn say nào kéo dài mãi.
Nếu như nhà đầu tư F0 “tốt nghiệp” khoá thực chiến đầu tiên trên thị trường chứng khoán, thì môi giới cũng đón nhận bài học để “khiêm tốn” hơn nhiều.
Trước đây, không ít môi giới vẫn nhận mình là “tiên tri” trong các group đầu tư, tự tin điểm danh những cổ phiếu có sóng tăng bằng lần. Hiện tại, người bạn môi giới đã “hạ tông giọng”, bắt đầu quan tâm tới chuyện nâng cao kiến thức.
“Mọi người nên đầu tư khoá học phân tích. Trên thông kỹ thuật, dưới tường cơ bản, có vậy mới nâng tỷ lệ chiến thắng”, cô nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận