menu
24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giao dịch chênh lệch lợi suất vẫn phát triển mạnh ngay cả sau khi phiên bản đồng yên suy giảm

Giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) dựa trên đồng yên phổ biến đã sụp đổ trong tháng này khi đồng yên tăng vọt. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn tồn tại với một phiên bản ít được biết đến hơn.

Ngân hàng Hoàng Gia Canada (RBC) cho biết, các giao dịch liên quan đến việc vay đồng nhân dân tệ để mua tài sản có lợi suất cao hơn sẽ trở nên vững vàng hơn khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa. Dữ liệu của Macquarie Group cho thấy, giao dịch chênh lệch lãi suất đồng nhân dân tệ khác với giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên vì nó chủ yếu liên quan đến các công ty xuất khẩu và các công ty đa quốc gia thay vì các nhà đầu cơ.

Giao dịch chênh lệch lãi suất - liên quan đến việc tìm cách tận dụng sự khác biệt về lãi suất toàn cầu - đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính vào đầu tháng 8 khi việc đóng các phiên bản đồng yên đã thúc đẩy làn sóng bán tháo tài sản rủi ro. Các nhà đầu tư đã rút tiền sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất đã thúc đẩy đồng nội tệ, từ đó làm giảm giá trị của các đồng tiền có lợi suất cao hơn như peso Mexico và real Brazil.

Alvin T. Tan, Giám đốc chiến lược tiền tệ châu Á tại RBC cho biết: "Việc bán khống đồng nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ của các thị trường mới nổi vẫn có ý nghĩa vì sẽ là mâu thuẫn nếu để đồng tiền này tăng giá khi PBOC đang cố gắng nới lỏng chính sách… Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và PBOC được kỳ vọng cũng như thực sự đã ra tín hiệu rằng họ sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa trong những tháng tới".

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, giao dịch chênh lệch lãi suất liên quan đến việc vay đồng nhân dân tệ và đầu tư vào một rổ gồm 8 loại tiền tệ của các thị trường mới nổi đã mang lại lợi nhuận 0,5% trong quý III ngay cả khi phương án thay thế được tài trợ bằng đồng yên đã giảm khoảng 7%.

Sự sụp đổ của giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên sau quyết định ngày 31/7 của BOJ đã lan sang đồng nhân dân tệ, ít nhất vào thời điểm ban đầu. Đồng yên đã tăng 6,8% trong khi đồng nhân dân tệ tăng 1,7% trong tuần từ ngày 29/7 đến ngày 5/8. Việc hai đồng tiền này tăng giá có thể xóa bỏ lợi nhuận có thể có của các giao dịch chênh lệch lãi suất.

Giao dịch chênh lệch lợi suất vẫn phát triển mạnh ngay cả sau khi phiên bản đồng yên suy giảm

Giao dịch chênh lệch lợi suất đồng nhân dân tệ vẫn phát triển mạnh

Những điểm khác biệt chính

Có một số điểm khác biệt cơ bản đáng kể giữa giao dịch chênh lệch lãi suất đồng nhân dân tệ và đồng yên.

Đầu tiên, đồng nhân dân tệ không thể chuyển đổi hoàn toàn vì Trung Quốc hạn chế dòng tiền nước ngoài chảy vào và ra để hỗ trợ vấn đề kiểm soát nền kinh tế. Điều này tự động làm giảm quy mô của các giao dịch chênh lệch lợi suất đồng nhân dân tệ so với đồng yên, mặc dù mục tiêu ổn định tiền tệ của Trung Quốc vẫn là một sự hấp dẫn.

Thứ hai, trong khi các giao dịch được tài trợ bằng đồng yên được đầu tư vào nhiều mục tiêu ở nước ngoài, thì phần lớn các giao dịch sử dụng đồng nhân dân tệ vay được nắm giữ bằng đô la bởi các nhà xuất khẩu và công ty đa quốc gia của Trung Quốc. Những giao dịch này chỉ có lãi vào năm 2022 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đẩy chi phí đi vay của Mỹ lên cao hơn chi phí đi vay của Trung Quốc.

Theo Macquarie, các công ty xuất khẩu và công ty đa quốc gia của Trung Quốc đã tích lũy được hơn 500 tỷ USD tiền nắm giữ bằng đồng đô la Mỹ kể từ năm 2022.

Wee Khoon Chong, chiến lược gia cấp cao về thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại BNY cho biết, có một số lý do khiến các nhà đầu tư bị thu hút vào giao dịch chênh lệch lợi suất bằng đồng nhân dân tệ.

“Tình hình thanh khoản đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ có thể khiến những người tham gia thị trường khó có thể cưỡng lại việc tham gia lại vào các giao dịch chênh lệch lợi suất khi biến động thị trường lắng xuống", ông cho biết.

Tuy nhiên, tổng quy mô của các giao dịch chênh lệch lãi suất được tài trợ bằng đồng nhân dân tệ có thể bị hạn chế vì PBOC có đủ công cụ để ngăn chặn những gì có thể được coi là sự tích tụ quá mức các vị thế đầu cơ.

"Liệu các vị thế bán khống đồng nhân dân tệ ở nước ngoài có được xây dựng lại không? Chắc chắn rồi, tại sao không... Sẽ luôn có một số người tham gia thị trường cơ hội ngoài kia nhưng chúng tôi không thấy quy mô đó là đáng kể", chiến lược gia Wee Khoon Chong cho biết.

Mặt khác, một số ngân hàng đầu tư đang cho rằng vị thế đi vay đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục là một phương pháp có lợi nhuận để tài trợ cho các giao dịch chênh lệch lợi suất.

Citigroup gần đây đã khuyến nghị các nhà đầu tư đặt cược tăng giá vào đồng peso Mexico và real Brazil so với đồng nhân dân tệ và yên trên thị trường quyền chọn.

Goldman Sachs và Nomura cũng nằm trong số những ngân hàng đầu tư khuyến nghị các nhà đầu tư bán khống đồng nhân dân tệ so với một rổ các loại tiền tệ khác được tính theo tỷ trọng thương mại do những thách thức vĩ mô của Trung Quốc và bối cảnh đồng đô la Mỹ yếu hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả